Vị “cứu tinh” sau trận Gạc Ma

11:00 | 16/03/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Người đảo trưởng duy nhất còn sống của khung đảo Gạc Ma – Cô Lin trong sự kiện 14/3/1988 nay là đại tá đang tại ngũ. Ít ai biết phía sau cuộc sống bình lặng của anh là ký ức rực lửa và nóng bỏng về Gạc Ma. Hơn thế, chính anh còn là vị cứu tinh cho gần 30 người lính sống sót sau trận mưa pháo, lúc ấy đang trôi dạt trên biển với sự hoang mang tuyệt vọng... Anh là Đại tá Hoàng Bùi Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc hành quân bí mật đêm xuân

Tôi tình cờ gặp anh trong bữa cơm ở nhà một người đồng đội, run rủi nhằm đúng ngày 14/3. Những ký ức dồn dập như sóng dội lên trong lời kể của vị chỉ huy can trường, ít nói.

Hoàng Bùi Hải vốn là học sinh giỏi có tiếng ở miền quê nghèo xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Học xong phổ thông, năm 1980, anh xung phong nhập ngũ, vào một đơn vị pháo binh là Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Với tố chất thông minh nhanh nhẹn, anh sớm “lọt mắt xanh” chỉ huy và được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh ngay một năm sau đó. Mùa hè năm 1984, anh tốt nghiệp, được phong quân hàm Trung úy khi mới 21 tuổi và được phân công về Lữ đoàn 146 Hải quân vào cuối năm 1984.

vi cuu tinh sau tran gac ma

Anh Hải nhờ đồng đội kiểm tra những vết thương cũ

Lúc ấy Trường Sa đang cần cán bộ. Khóa sĩ quan trẻ ra trường về 146 năm ấy như thông lệ, đa số được bố trí cán bộ cấp trung đội. Riêng Hoàng Bùi Hải, nhìn bảng điểm cùng những nhận xét tốt đẹp của nhà trường, anh được trên giao luôn quyền Đại đội trưởng Pháo binh, đảo Song Tử Tây.

Sau Tết nguyên đán 1988, Trường Sa bắt đầu dậy sóng khi Trung Quốc liên tục có những hoạt động lăm le xâm chiếm các bãi cạn của ta. Một đêm đầu tháng 3/1988, anh Hải cùng 12 đồng đội nhận “mật lệnh”, lên tàu về đảo Cô Lin nhận nhiệm vụ. Anh được bổ nhiệm làm đảo trưởng Cô Lin.

20 giờ ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở lực lượng công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Trên tàu, ngoài khung xây dựng đảo Cô Lin do Hoàng Bùi Hải làm đảo trưởng, còn có khung xây dựng đảo Gạc Ma do Trần Văn Phương làm đảo trưởng, dưới sự chỉ huy của Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông.

vi cuu tinh sau tran gac ma
Đại tá Hoàng Bùi Hải

Họ lên đường hành quân nhằm hướng Gạc Ma, Cô Lin. Nhưng đến 2 giờ sáng ngày 12/3, tình hình đã có thêm nhiều diễn biến bất thường, có nhiều dấu hiệu quân Trung Quốc cản phá lực lượng ta ra giữ đảo. Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ-605 xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

“Hai khung công binh của Trung đoàn 83 có nhiệm vụ ra, mang toàn bộ thiết bị làm nhà cao chân, lát ván, lợp tôn cho anh em ở. Nhưng anh em tôi đến thì Trung Quốc đã đưa tàu chiến ra ngăn cản. Khoảng 4 giờ chiều ngày 13/3, họ đã ngăn chúng tôi trên đường đi nhưng chúng tôi vẫn bình tĩnh vào đảo…” – Đại tá Hoàng Bùi Hải kể.

Đổ máu khi chưa kịp cầm súng

Theo kế hoạch thì khung của tôi sẽ lên đảo Cô Lin, khung của Phương lên đảo Gạc Ma nhưng tình hình diễn biến mỗi lúc càng thêm phức tạp. Mờ sáng hôm sau, quân Trung Quốc đã gọi loa máy, thả xuồng. Trước tình hình đó, anh Trần Đức Thông lệnh: “Bây giờ không còn phân biệt khung Gạc Ma hay Cô Lin nữa. Phải tập trung đóng Gạc Ma trước. Khung của Phương mang cờ lên đảo trước cắm cờ. Khung của Hải trên tàu khẩn trương lau chùi, lấy vũ khí, sẵn sàng lên đảo chiến đấu”.

 Khung của Trần Văn Phương lập tức nhận lệnh lên đảo cắm cờ. còn khung của Hoàng Bùi Hải hối hả xuống hầm tàu đưa vũ khí lên lau chùi. Xa xa, phía đảo Gạc Ma, thấy rõ tiếng loa quân Trung Quốc, tiếng xuồng vào đảo, tiếng vật lộn, giằng co...3 tàu Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và bắt đầu di chuyển đội hình áp sát đảo.

Lấy vũ khí còn chưa xong, anh em còn đang hối hả lau súng đầy dầu mỡ, lắp các băng đạn, chưa kịp ăn uống gì thì...”- Anh Hải nghẹn ngào nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy. Sau khi thả xuồng cho lính vào đảo gây sự, giằng co với lực lượng cắm cờ chỉ có tay không và gây thương vong cho khung lên đảo, Trung Quốc cho quân lùi ra rồi bất ngờ các loại súng, pháo từ 3 tàu khu trục liên tục nã vào đảo, vào đội hình các tàu của ta đang ở quanh đó.

Trên tàu HQ-604, hỏa lực đại liên 12,7, pháo 37mm... bắn dồn dập, rát rạt. “Chúng dùng những hỏa lực đó bắn trước, sau đó mới bắn pháo 100 thì coi như đã có ý hủy diệt cho chết hết rồi mới bắn cho chìm tàu” – anh Hải nhận định.

“Tôi đang ngồi cạnh anh Thông chỉ huy anh em lấy vũ khí thì bỗng thấy nhói một cái sau lưng. Tôi giật mình sờ ra phía sau thì cả bàn tay đỏ lòm máu. Tôi vội vàng báo cáo: “Báo cáo thủ trưởng, tôi đã bị thương”. “Tự băng bó, tiếp tục chiến đấu” – anh Thông đáp ngắn gọn rồi bình tĩnh vác khẩu B40 ra. Anh Thông vừa dứt lời thì “rập, rập, rập”, từng tràng đạn lia rát rạt boong tàu, chiến sĩ ta trúng đạn ngã ập lên nhau. Một vài chiến sĩ khác còn sống vẫn cố dùng AK bắn lại nhưng không ăn thua gì. Anh Thông và tôi vội chạy vào cabin, tìm vị trí thuận lợi hơn tiếp tục chiến đấu. Anh Thông chạy trước, trúng đạn rơi ngay xuống boong tàu trước mắt tôi. Còn tôi bị vấp ngã dúi dụi xuống ngay chỗ cuộn tời của tàu. Đạn vẫn rầm rập bốn xung quanh. Nhưng rất may, chính cuộn tời đã che đạn, cứu tôi thoát chết dù còn dính thêm nhiều vết thương nữa”.

“Uỳnh, uỳnh, uỳnh” liên tục những quả pháo 100mm sau đó đã phá nát con tàu HQ-604 nhỏ bé. Bộ khung đảo Cô Lin trên tàu bị thương và hi sinh gần hết. Anh Hải bị thương nặng, một cánh tay gãy nát. Trong cơn trồi sụt của sóng, anh may mắn ôm được một tấm ván gỗ dài, loại để lát sàn cho nhà cao chân. 9 anh em còn sống sót bị sóng đánh dạt ra xa đều bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Số còn lại và anh Hải thì trôi dạt gần bãi Cô Lin, Gạc Ma.

vi cuu tinh sau tran gac ma
Một số trang lưu bút của đồng bào đến thăm anh Hải và đồng đội điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 năm 1988

Những người sống sót

Trôi lênh đênh ở khu vực gần bãi cạn, đến mấy chục phút sau thì anh Hải gặp được khoảng gần 30 đồng đội còn sống sót, bao gồm cả số khung đã lên đảo và số công binh trên tàu đang dập dềnh trên một chiếc xuồng nhôm. Đây là loại xuồng chèo tay 7 tấn thường dùng để bốc hàng. Trên xuồng lúc này có cả thi thể anh Trần Văn Phương đã hi sinh, anh Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng đang nằm thoi thóp. Phát hiện ra anh Hải, anh em vớt lên xuồng, cho nằm cạnh anh Phương. Nhìn anh máu me đầy người, ai cũng nghĩ anh không thể qua khỏi.

Trước mặt, xung quanh là đảo, tàu Trung Quốc đã án ngữ. Anh em bàn tán: “Cứ thả trôi xuồng”. Lạ thay, dù bị thương rất nặng, nhưng anh Hải lúc này rất tỉnh táo. Anh thầm nghĩ: “Anh em đều là chiến sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm, họ hoang mang tuyệt vọng cả rồi. Chỉ còn mình mình là sĩ quan, từng trải hơn, phải bình tĩnh tìm cách tháo gỡ”. Thoáng trong anh hiện ra câu chuyện một người lính già từng được cứu sống ở Quần đảo Trường Sa. Người lính ấy là ông Vũ Hà, trong một lần lái xuồng đi làm nhiệm vụ bị sóng đánh trôi, dạt đi rất xa. Ông đấu tranh hoặc bơi tìm về đảo hoặc mặc sóng đánh trôi, hoặc ở lại chờ người cứu. Cuối cùng giải pháp tối ưu nhất ông lựa chọn là bám chặt mỏm đá chờ đồng đội. Quả nhiên, sau 7 ngày 7 đêm kiên trì, tàu của đơn vị đã tìm và cứu được ông.

Bằng giọng nói trầm nhẹ, anh Hải động viên anh em:

- Anh giờ chắc không còn sống được nhưng còn le lói sự sống thì các em phải tìm cách tự cứu mình. Ở đây không ai hiểu về biển đảo bằng anh, anh đã có 3 năm ở đảo. Từ kinh nghiệm chuyện ông Vũ Hà, nếu giờ chúng ta cứ ở bãi cạn này, nước lên thì vẫn đứng được. Nước xuống thì ta bắt ốc, bắt cá mà ăn may ra còn sống. Còn nếu cho xuồng thả trôi thì biết trôi đi đâu, không khéo trôi về phía địch lại bị bắt, tính mạng sẽ ra sao?

Các chiến sĩ đang hoang mang, nghe anh nói vậy đều đồng tình. Họ bảo nhau, đồng ý neo xuồng lại không để thả trôi nữa. Tất cả căng mắt hướng về phía con tàu HQ-505 thấp thoáng rất xa. Hải nghe rõ tiếng anh em bàn tán xôn xao: “505 đang đứng im”, “505 đang thả trôi rồi!”. Tất cả chỉ là phỏng đoán vì 505 cũng bị bắn như các tàu khác, chưa ai biết số phận nó ra sao. Tranh cãi. Bởi nếu tàu 505 đang neo đứng im thì việc đẩy xuồng sang 505 để họ cứu là con đường sống đã mở ra. Nhưng nếu 505 đang thả trôi thì việc chèo xuồng theo cũng vô phương cứu chữa. Cuộc tranh luận trong giây phút sinh tử không đi đến hồi kết. Làm gì đây?

vi cuu tinh sau tran gac ma
Một số trang lưu bút của đồng bào đến thăm anh Hải và đồng đội điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 năm 1988

Vị “cứu tinh”

Anh Hải vốn là sĩ quan pháo binh nên việc xác định các vật chuẩn, phương vị với anh không khó. Nhưng làm gì có phương tiện đo đạc lúc này. Giữa cái sống và cái chết, bỗng lóe lên một phương án trong anh. Anh nói với mọi người:

- Các em chịu khó tìm quanh đây xem có tấm ván nào trôi nổi không, lấy hai tấm ván nhỏ cắm xuống bãi cạn rồi ngắm theo tàu 505 thành một đường thẳng. Nếu một lúc mà 3 vật vẫn trên một đường thẳng thì tức là tàu 505 đang neo một chỗ. Nếu không thì tàu đang thả trôi.

Các chiến sĩ vui mừng làm theo lời anh Hải hướng dẫn. Một lát sau, có tiếng reo: “505 đang đứng im!”.

Chiến sĩ reo hò, ai cũng đòi nhảy xuống nước đẩy xuồng cho nhanh. Nhưng chỉ đẩy được một lát, nhọc quá nhiều người lại leo lên xuồng. Lại có tiếng tranh luận theo kiểu “xét lại”: “Hình như 505 đang thả trôi”. Lắm thầy nhiều ma, tư tưởng thôi không đẩy nữa, mặc kệ thả trôi xuồng lại xuất hiện.

Dù đã rất mệt mỏi vì các vết thương, nhưng anh Hải phải nghiêm giọng:

-Anh nói thế này, các em phải nghe, nếu không chắc chỉ có chết. Năng lượng mình không còn, không ăn uống gì, càng nói nhiều càng mệt. Giờ các em chia thành hai ca. Anh nào xuống đẩy thì cứ im lặng vừa bơi vừa đẩy. Anh nào không đẩy thì ngồi im trên xuồng, giữ lấy năng lượng trong người.

Các chiến sĩ trẻ lại nghe lời anh, thay nhau đẩy xuồng.  Đẩy mãi từ 9 giờ sáng đến qua chiều, cứ tốp nọ thay tốp kia. Khó khăn thêm chồng chất khi cái xuồng nhôm còn bị bắn thủng lỗ chỗ, phải lấy giẻ nhét chống nước tràn vào. Có lúc, phải vừa đẩy xuồng, vừa tát nước biển ụp vào xuồng. Chiếc xuồng mong manh cùng gần 30 cán bộ, chiến sĩ cứ thế ì ạch nhích đi trong những cơn sóng dập dềnh, lúc nhẹ nhàng, khi dữ dội. Biển khơi thăm thẳm như muốn nuốt chửng chiếc xuồng nhỏ bé.

Đến khoảng 15 giờ 30 phút chiều hôm ấy thì cán bộ, chiến sĩ trên tàu 505 phát hiện ra đồng đội. Qua ống nhòm, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ mừng rỡ cho người thả xuồng máy lao ra đón mọi người. Khi chiếc xuồng còn dập dềnh trên sóng khá xa, cách 505 vài hải lý nhưng những người lính tàu 505 trên người còn đầy thương tích đã vội vã thả xuồng, lao ra cứu đồng đội. Khi nhìn thấy bóng chiếc xuồng máy hạ xuống boong, trên chiếc xuồng nhôm, ai nấy đều ôm lấy nhau, nước mắt nhòa trên những gương mặt bê bết sóng gió dập vùi, nhòa đi cả những vết máu chưa khô, chảy xuống môi mặn chát…

Tàu 505 khi ấy cũng bị trọng thương, đã ủi bãi nhưng trên tàu vẫn còn nhiều ngăn, còn lương thực, thực phẩm và xuồng. Những cán bộ, chiến sĩ trên xuồng được đưa lên tàu, sau đó trời gần tối chúng tôi được đưa vào đảo Sinh Tồn gần đó để quân y cấp cứu, băng bó vết thương.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi về chuyến xuồng định mệnh ấy, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lanh, nay là nhân viên Nhà khách Hải quân tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Anh Hoàng Bùi Hải thực sự là vị cứu tinh. Nếu không có anh, không biết chiếc xuồng sẽ đi về đâu và số phận chúng tôi sẽ ra sao?”.

Mong một lần hội ngộ

Ít ngày sau, quân y đảo gửi 4 người bị thương nặng nhất gồm các anh Hoàng Bùi Hải, anh Nguyễn Văn Lanh, anh Sáu, anh Tự theo tàu vào Cam Ranh. Từ Cam Ranh, máy bay trực thăng quân sự đưa họ về thẳng TP Hồ Chí Minh, tới Bệnh viện Quân y 175 mổ các vết thương. Riêng Hoàng Bùi Hải phải điều trị tại Bệnh viện 175 hơn 6 tháng trời, qua 4 lần phẫu thuật vẫn chưa lấy hết các vết đạn. Tuy vậy, Hải vẫn cho rằng mình là người may mắn hơn so với bao đồng đội. May hơn nữa là dù bị thương, nhưng các vết đạn cũng mới chỉ chớm qua phổi, qua gan…Nếu chỉ vào sâu một chút nữa, chắc anh cũng nằm lại biển khơi.

Khi sức khỏe tạm bình phục, Hải đã nằng nặc xin trở về đơn vị cũ nhưng vết thương chưa thôi hành hạ, anh còn phải vài lần đi lại Bệnh viện Quân y 175. Quay về vùng 4 Hải quân, anh tiếp tục làm Trợ lý pháo binh của Lữ đoàn 146, rồi tham gia làm giáo viên huấn luyện pháo binh cho số học viên Học viện Hải quân lớp V350. Ít lâu sau, có chính sách chuyển vùng, anh xin được về quê hương công tác và được chấp thuận về Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa. Những năm đầu, anh làm Trợ lý Ban CHQS huyện Quảng Xương, rồi trợ lý Ban chỉ huy thị xã Sầm Sơn, Trợ lý tác chiến, rồi Trưởng ban tác huấn Bộ CHQS tỉnh. Năm 2008, anh được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nga Sơn. Là người lính dạn dày trận mạc, có năng lực và tác phong làm việc khoa học, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành tốt, được cấp trên tin cậy. Ba năm làm Chỉ huy trưởng ở Nga Sơn, anh đã có công vực dậy đơn vị nhiều hạn chế trở thành đơn vị Quyết Thắng.

Những vết thương của một thời Gạc Ma nhiều khi trái gió trở trời vẫn khiến anh đau nhức nhưng dường như nó không đủ ngăn cản ở anh sự xông xáo, đam mê công việc. Huấn luyện dân quân, tham gia cứu cháy rừng, diễn tập, làm công tác dân vận, nơi nào cũng thấy anh lăn lộn với công việc. Ở đơn vị, anh em gọi vui anh là “Hải cháy” – một danh từ đa nghĩa, vừa có ý nói trên người anh có nhiều vết thương cháy sém vì đạn, vừa hàm ý con người luôn “cháy” hết mình.

Nói về anh, nhiều cán bộ chiến sĩ ở Bộ CHQS tỉnh đều khâm phục bởi đức tính người cán bộ giản dị, dám nghĩ dám làm, có người nói vui: “Anh Hải ở đơn vị nào thì đơn vị đó được Quyết Thắng!”. Năm 2015, anh được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua”, được Chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 5 năm (2011- 2015).

Gạc Ma chỉ còn trong ký ức nhưng với Hoàng Bùi Hải, vẫn còn đau đáu bao nỗi niềm thương nhớ đồng đội. Công việc của một cán bộ chỉ huy ở cơ quan quân sự của một trong những tỉnh lớn và đông dân nhất nước khiến anh bận rộn liên miên. Nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh lại về các vùng quê, đi tìm gặp lại những người đồng đội năm xưa và giúp đỡ được họ bất kể những gì có thể.

Anh không thích nói về mình. Thế nên bấy nhiêu năm, bao nhiêu bài báo nói về các nhân chứng Gạc Ma, hầu như chưa từng thấy người ta nhắc tới tên anh, càng ít người biết anh chính là một vị “cứu tinh” đã nằm trên xuồng và vạch đường cho gần 30 người lính sau trận đánh không cân sức tìm được con đường sống… Anh bảo, chẳng có gì đáng nói vì đó là trách nhiệm của người chỉ huy trước tính mạng của đồng đội…

Và 28 năm, cũng chỉ còn một điều anh trăn trở là gần 30 người lính trên chiếc xuồng năm ấy, bây giờ họ ở đâu, làm gì ai còn, ai mất? Anh rất muốn biết thông tin về họ để có một ngày hội ngộ, cùng sẻ chia, giúp nhau vơi bớt khó khăn trong cuộc sống đời thường. Bởi anh biết, gần 30 con người ấy là bấy nhiêu cuộc đời, không ít những thiệt thòi, chuân truyên, thậm chí cả những nghiệt ngã…

Tìm lại người sống sót sau trận Gạc Ma

Qua bài báo này, anh Hoàng Bùi Hải muốn tìm lại những đồng đội trên chiếc xuồng năm xưa. Ai có thông tin xin liên hệ với anh Hải qua số điện thoại: 0982275666.

Công Minh