Vành đai xanh sẽ chỉ có nhà thấp tầng và thưa dân

11:15 | 08/08/2011

451 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù điểm nhấn của Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội là việc không gian xanh chiếm 70% diện tích, tuy nhiên, có một thực tế không thể chối bỏ là phần xanh trên đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng đang được vẽ đè lên đất đô thị, lên các điểm dân cư nông thôn. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

>> Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng: Ý tưởng xanh vẽ đè đất đô thị

Trong khu vực vành đai xanh vẫn tồn tại các khu dân cư.

Như PV đã có bài phản ánh về việc ý tưởng xanh của Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng bị vẽ đè lên đất đô thị. Sau khi lên bài, nhiều bạn đọc đã gọi điện về tòa soạn bày tỏ sự băn khoăn về việc sẽ xử lý vành đai xanh như thế nào tại các điểm dân cư nông thôn này. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về hướng xử lý trong thời gian tới, phóng viên đã làm việc với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị được phân công lập Quy hoạch phân khu (QHPK), quy hoạch chi tiết (QHCT).

- Vành đai xanh theo Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng (QHC) Hà Nội mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang “vẽ” lên không gian của các điểm dân cư nông thôn, thực chất là một loại hình đô thị. Như vậy tiêu chí xanh ở đây được nhìn nhận thế nào? Góc độ chuyên môn của Viện có ý kiến gì về vấn đề này, thưa bà?

- Thạc sỹ, KTS Lã Thị Kim Ngân: Vành đai xanh sông Nhuệ là không gian đệm với tỷ trọng cây xanh là chủ yếu nhằm tạo lập không gian chuyển tiếp từ khu vực nội đô Hà Nội với khu vực phát triển mới phía Tây sông Nhuệ. Trước đây, khi Hà Nội chưa mở rộng, Vành đai xanh bao quanh Hà Nội đã được đề xuất trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, nay ý tưởng đó tiếp tục được kế thừa. Trong Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ được tạo lập các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao, các không gian công cộng lớn khác của đô thị trung tâm và đương nhiên trong khu vực này vẫn tồn tại các khu dân cư hiện hữu.

Với định hướng của QHC lần này, khu vực làng xóm và dân cư hiện có trong khu vực Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ có quy hoạch, quy chế hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo nguyên tắc xây dựng thấp tầng, mật độ xây dựng thấp cho từng khu vực, chức năng sử dụng đất cụ thể để đảm bảo phù hợp với không gian chung của khu vực.

- Hiện theo quy hoạch chung được phê duyệt, vành đai xanh không hề được mở bất cứ con đường nào. Khi tiến hành lập QHPK, QHCT việc này được giải quyết ra sao?

- QHC xác định Vành đai xanh sông Nhuệ nhưng không có nghĩa là trong Vành đai xanh không có các hoạt động giao lưu, đi lại của dân cư hiện có. QHC đã xác định mạng đường cấp khu vực, cấp thành phố cắt qua Vành đai xanh nhằm gắn kết các khu phát triển đô thị dọc hai bên của Vành đai xanh. Đối với mạng đường cấp hạng nhỏ hơn trong Vành đai xanh sẽ được tiếp tục nghiên cứu xác định ở giai đoạn QHPK và QHCT.

Nguyên tắc chính khi nghiên cứu xác định mạng đường trong QHPK và QHCT trong khu vực này sẽ là đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang sinh sống trong Vành đai xanh như: các hoạt động phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế…

Trong đó, mạng đường cần tận dụng tối đa các đường liên huyện, liên xã hiện có. Đồng thời tạo điều kiện để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các khu vực dân cư, làng xóm hiện có trong Vành đai xanh.

- Vậy tỷ trọng sử dụng đất tại Vành đai xanh sẽ được nghiên cứu như thế nào, thưa Viện trưởng?

- Nguyên tắc chung khi sử dụng đất tại Vành đai xanh là đảm bảo tính liên tục của không gian xanh, mặt nước. Dành ưu tiên quỹ đất phát triển hệ thống không gian cây xanh, công viên quảng trường, các tiện ích công cộng, thể dục thể thao, giải trí, đào tạo, y tế cấp cơ sở.

Đối với làng xóm, công trình và khu ở hiện có kiểm soát chặt chẽ đồng thời hoàn chỉnh cơ cấu nhà ở theo mô hình ở sinh thái mật độ thấp, thấp tầng, kiến trúc truyền thống. Một số dự án đang triển khai xây dựng cần điều chỉnh theo hướng thấp tầng và mật độ xây dựng thấp.

- Có một thực tế của các đô thị mới hiện nay là việc khớp nối hạ tầng còn kém. Trong quá trình nghiên cứu, lập QHCT, QHPK vấn đề này được triển khai như thế nào?

- Một trong các nhiệm vụ quan trọng của QHPK là khớp nối, điều chỉnh các dự án đã phê duyệt trước đây trên nguyên tắc tuân thủ các định hướng của QHC.

Một số nội dung cơ bản cần khớp nối đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật như sau: Khớp nối mạng đường giao thông (bộ, sắt…); Khớp nối hệ thống thoát nước; Khớp nối hệ thống cao độ san nền, hướng dốc nền; Hệ thống cấp nước.

Đi đôi với QHPK, QHCT cũng cần lập các quy hoạch chuyên ngành (giao thông, Thoát nước, Cấp nước, Nghĩa trang, Rác thải…), đảm bảo quá trình nghiên cứu lập quy hoạch được đồng bộ và tính toán, xử lý các vấn đề khớp nối được hợp lý và tiết kiệm.

- Xin cảm ơn bà!

Theo Vnmedia