Vàng tuột khỏi mốc cao

18:10 | 23/08/2011

374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới đang được thu hẹp đáng kể so với hôm qua khi giá vàng trong nước vẫn tiếp tục đi xuống mặc cho giá vàng thế giới đang tăng trở lại.

So với mức kỷ lục hơn 49 triệu đồng sáng nay, giá vàng hiện đã giảm hơn 600 nghìn đồng/lượng.

Đến 15h15, giá vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 150.000 đồng/lượng xuống mức 48,15 – 48,45 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới nhích trở lại, giao dịch ở mức 1.883 USD/ounce khiến chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới còn 1 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, giá vàng đã "bốc hơi” 500 nghìn đồng/lượng. So với mức kỷ lục hơn 49 triệu đồng sáng nay, giá vàng hiện đã giảm hơn 600 nghìn đồng/lượng.

Trước đó, chỉ sau 1 tiếng, những người cầm vàng trong nước đã bị mất hơn 250 nghìn đồng/lượng khi giá quay về mức 48,6 triệu đồng/lượng do vàng thế giới mở cửa phiên châu Âu lao dốc mạnh.

Lúc 14h37, vàng SJC điều chỉnh giảm mạnh theo đà giảm của vàng thế giới xuống mốc 48,3 – 48,6 triệu đồng/lượng, giảm 250 nghìn đồng/lượng so với lần cập nhật cách đây 1 tiếng.

Trên thị trường thế giới, bước vào phiên châu Âu, vàng giao ngay tuột mạnh hơn 20 USD từ mức 1.900 USD/ounce xuống 1.878 USD/ounce. Nguyên nhân được cho là do giới đầu tư đẩy mạnh chốt lời khi vàng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Đến 11h30, vàng SJC điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng lên mức 48,55 – 48,85 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Đà tăng của vàng trong nước chững lại thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá thế giới sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tiếp tục cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Chênh lệch mua bán cũng kéo xuống mức 300 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng thế giới phiên châu Á vẫn dao động quanh ngưỡng 1.900 USD/ounce. Thị trường đang hướng mối quan tâm vào cuộc họp của FED diễn ra vào cuối tuần này.

Trong cuộc họp năm ngoái, ông Bernanke đã cho biết FED bắt đầu một đợt mua tài sản để kích thích kinh tế. Trong tháng 11 năm ngoái, Fed đã mua vào 600 tỷ USD trái phiếu trong một chương trình nới lỏng định lượng thứ hai kết thúc vào tháng Sáu.

Và bây giờ các nhà theo dõi thị trường đang đặt cược vào khả năng FED sẽ tung ra gói kích thích kinh tế khác trong mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại. Đặc biệt sau khi S&P đánh tụt hạng tín nhiệm nợ dài hạn của Mỹ khiến thị trường chứng khoán sụt thảm hại, trong khi vàng tăng tốc lên các mức kỷ lục mới.

Giá vàng trong nước mở cửa sáng nay đã đồng loạt tăng hơn 1% lên mức 49,09 triệu đồng/lượng khi vàng thế giới đêm qua xác lập kỷ lục mới 1.917 USD/ounce và vẫn đang tiếp tục đi lên trong phiên châu Á.

Lúc 8h30, giá vàng SJC niêm yết ở mức 48,5 – 48,8 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, mức giá bán ra của thương hiệu vàng miếng này còn lên 48,82 triệu đồng/lượng, tăng 450 nghìn đồng/lượng. Chênh lệch mua bán được giữ ở mức 400 nghìn đồng/lượng.

Vàng SBJ của Sacombank niêm yết lúc 8h15 thậm chí còn được mua vào – bán ra ở mức kỷ lục 48,41 – 49,09 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán của thương hiệu vàng này được đẩy lên 680 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sau cú đảo chiều giảm điểm hôm qua một phần là do giá vàng thế giới đã leo vượt ngưỡng 1.910 USD/ounce, mặt khác do nhu cầu tích trữ của người dân tăng vọt trước đà leo thang của giá vàng.

Hôm qua, cả thị trường TPHCM vốn được cho là khá thờ ơ với cơn sốt vàng vừa qua đã không giữ được bình tĩnh khi vàng lần lượt leo lên các mức đỉnh mới. Hoạt động mua vào sôi động hơn bán khiến cho một số doanh nghiệp cũng buộc phải bán ra một cách nhỏ giọt.

Còn tại thị trường Hà Nội, lo ngại vàng có thể vượt 50 triệu đồng/lượng nên người dân hôm qua cũng đổ xô mang “tiền tỉ” đi mua vàng mặc dù mức giá hôm qua được cho là quá “bong bóng”.

Trên thị trường thế giới, cả vàng giao kỳ hạn lẫn vàng giao ngay đều tiếp tục lập kỷ lục khi leo vượt ngưỡng 1.910 USD/ounce khi giới đầu tư gia tăng nhu cầu mạnh đối với vàng do lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu.

Vàng tăng mạnh sau khi Goldman Sachs hạ thấp dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2011, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất đang bị mất đi động lực tăng trưởng.

Trong khi đó, lo ngại khủng hoảng nợ tại châu Âu lại bùng phát khi Thủ tướng Đức bà Angela Merkel tuyên bố đóng cánh cửa phát hành trái phiếu chung khu vực đồng euro – vốn được coi là một phương tiện để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và cho biết sẽ không để cho thị trường tài chính điều khiển chính sách.

Giá vàng đã tăng trong 11 năm liên tiếp. Giá đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2008 khi các chính phủ trên toàn thế giới phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công.

Chốt phiên đêm qua, vàng giao kỳ hạn tháng 12 tăng 39,7 USD lên 1.891,90 USD/ounce. Trong phiên, có lúc vàng đã tăng 1,4% lên 1.917 USD/ounce và vẫn tiếp tục tăng trong phiên châu Á, lúc 6h34 giờ Singapore, vàng giao tháng 12 trên sàn Comex giao dịch ở mức 1.911 USD/ounce. Giá vàng giao ngay cũng tăng 1,6% so với cuối tuần trước, đóng cửa phiên Mỹ ở 1.889,29 USD/ounce

Tuy nhiên, đến phiên châu Á, vàng giao ngay vẫn tiếp tục tăng mạnh, có lúc lên mức kỷ lục 1.913,6 USD/ounce trước khi tạm hạ xuống 1.896,2 USD/ounce lúc 8h40 sáng nay giờ Việt Nam.

Giới phân tích dự đoán, giá vàng sẽ vượt mốc 2.000 USD/ounce vào tuần này khi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ.

Thị trường vẫn hướng mối quan tâm tới cuộc họp của FED với kỳ vọng FED sẽ tung ra gói cứu trợ QE3 để cứu tăng trưởng.

Nhu cầu tích trữ vàng vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng. Báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới hôm 18/8 cho thấy, trong năm nay, các ngân hàng trung ương các nước đã mua vào hơn 198 tấn vàng.

Theo DT