Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Vẫn tồn tại bất đồng, chuyện đương nhiên!

06:50 | 20/03/2014

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu tại buổi họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12 sáng 13/3 ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận, Trung - Mỹ vẫn có những bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau - lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn nhiều so với những bất đồng.

Năng lượng Mới số 305

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, chỉ khi Mỹ - Trung coi trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm chính của nhau, cũng như kiểm soát tốt những bất đồng trên thì 2 nước mới có thể nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trước đó (ngày 12/3), tờ Wall Street Journal cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình vừa yêu cầu quân đội Trung Quốc hậu thuẫn đường lối cải cách kinh tế và bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia.

Lợi cả đôi đường

Giới quân sự đang có một cách nhìn khác về chiến dịch truy tìm chiếc máy bay mất tích của Malaysia bởi theo họ, việc tung ra hệ thống vệ tinh với độ phân giải cao cùng nhiều tàu chiến hiện đại, Trung Quốc được cho là đang phô diễn sức mạnh quân sự. Mặc dù Malaysia chưa chính thức đề nghị, nhưng Trung Quốc đã sốt sắng cử một phái đoàn gồm chuyên gia và nhân viên điều tra tới nước này để tham gia tìm kiếm. Và điều đó cũng chứng tỏ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur xung quanh vấn đề này ngày càng rõ nét. Cho tới nay Bắc Kinh đã triển khai nhiều tàu, trong đó có tàu đổ bộ lớn nhất và hiện đại nhất tỉnh Cương Sơn cùng 4 tàu tuần duyên, 8 máy bay và 10 vệ tinh để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích cho dù cách Trung Quốc hàng ngàn dặm. Có người còn nói rằng, Trung Quốc cởi mở bất ngờ khi công bố những bức ảnh chụp vật thể trên Biển Đông của Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND).

Tập trận chung giữa hải quân Mỹ và Philippines

Một số chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, sự phản ứng sốt sắng của Trung Quốc khiến các nước láng giềng dè chừng. Bởi 2 tàu khu trục từng hộ tống tàu chiến tập trận gần bãi cạn James/Tăng Mẫu trước đó đang được Bắc Kinh triển khai tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia. Gần 2 tháng trước, Bắc Kinh bất ngờ chọc giận Kuala Lumpur khi ngang nhiên tập trận (ngày 26/1) gần bãi cạn James/Tăng Mẫu cách Trung Quốc 1.800km, nhưng chỉ cách bờ biển bang Sarawak trên đảo Borneo của Malaysia 80km. Dư luận coi động thái kể trên đã khiến Malaysia quyết định thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ASEAN trong việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên gia về Trung Quốc - Đông Nam Á đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, việc triển khai của Bắc Kinh phản ánh sự tăng cường quân sự trong khu vực.

Ngày 14/3, Hãng Kyodo News đưa tin, từ ngày 1 đến 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tổ chức hội nghị với những người đồng cấp ASEAN tại Hawaii để thảo luận nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề an ninh khu vực. Đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ đứng ra tổ chức một hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng với ASEAN. Sau hội nghị này, ông Chuck Hagel có kế hoạch thăm Nhật Bản, Trung Quốc, và có thể cả Hàn Quốc.

Trước đó (12/3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã cáo buộc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng khi ngăn 2 tàu Philippines tiếp cận bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời kêu gọi tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ cũng bác bỏ lập trường của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng, các tàu Philippines đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ và nhấn mạnh, các nước có quyền cung cấp định kỳ và luân chuyển nhân sự tới các địa điểm nắm giữ trước khi tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký năm 2002.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida

Ngày 12/3, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, đối với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Nhật - Mỹ đã trình thư chung lên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế vì nghi ngờ cách làm của Bắc Kinh sẽ hạn chế máy bay hàng không dân dụng nước khác bay ở bầu trời quốc tế. Được biết, trong 36 nước thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, đa số ủng hộ kiến nghị của Nhật - Mỹ và cộng đồng quốc tế đang tăng cường cảnh giác đối với khả năng Trung Quốc chuẩn bị thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Nhận định này được đưa ra sau khi tờ "Quốc tế trực tuyến" của Trung Quốc dẫn lời Tôn Triết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Đại  học Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng, xu hướng tổng thể chính sách Trung Quốc của Mỹ có thể khái quát là hợp tác rộng rãi, cạnh tranh sâu sắc và xung đột hạn chế. Do đó, theo ông Tôn Triết, Trung Quốc chắc chắn sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông để chống lại việc tàu chiến và máy bay Mỹ đến do thám.

Tự bảo vệ mình

Ngày 13/3, Hãng Kyodo News đưa tin, giới chức Indonesia khẳng định, yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh hải nước này. Hãng thông tấn Nhà nước Indonesia Antara dẫn lời trợ lý Bộ trưởng An ninh, tướng Marshall Fahru Zaini khẳng định: “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm lấn một số bộ phận thuộc lãnh hải Indonesia ở biển Natuna phía nam Biển Đông. Cũng trong ngày 13/3, tờ Jakarta Post đã dẫn lời ông Marshall Fahru Zaini cho biết, quân đội Indonesia đã xem xét vị trí chiến lược của Natuna, đặc biệt là khả năng triển khai 1 đơn vị ở đây để ứng phó với bất cứ trường hợp nào có thể xảy ra. Tuyên bố kể trên của Indonesia được đưa ra trước thềm phiên họp giữa ASEAN và Trung Quốc tại Singapore (từ 17 đến 23/3) để thảo luận việc thúc đẩy đàm phán và ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko

Trước đó, tướng Moeldoko, Tổng tham mưu trưởng Indonesia đã tới Trung Quốc và đưa ra tuyên bố: Indonesia cam kết duy trì ổn định Biển Đông. Ngay sau khi từ Trung Quốc trở về, tướng Moeldoko có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Natuna, tiếp tục theo dõi tình hình Biển Đông một cách thận trọng và sẽ tăng cường ít nhất 1 tiểu đoàn cho căn cứ hải quân tại Natuna. Chủ tịch Ủy ban Giám sát đối ngoại, quốc phòng Hạ viện Indonesia Mahfudz Siddik cho biết, đây là một bước để giúp Indonesia đưa ra dự đoán và phản ứng trước những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Ngày 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young cho rằng, Seoul sẽ không tham dự họp thượng đỉnh với Tokyo. Tuyên bố này được đưa ra sau khi cuộc đàm phán hôm 12/3 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong và người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki không tạo được bất kỳ đột phá nào cho quan hệ đang căng thẳng giữa Seoul và Tokyo. Và điều này đồng nghĩa với việc, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không diễn ra.

Ngày 12/3, Đô đốc Hải quân Indonesia Marsetio cho biết, nước này đã quyết định hủy kế hoạch mua tàu ngầm lớp Kilo cũ theo đề xuất của Nga do chúng đã quá cũ khiến việc sửa chữa tốn kém. Đổi lại, Indonesia sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo do Hàn Quốc chế tạo. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi các công ty đóng tàu chế tạo 12 tàu ngầm sau khi Dự án Chang Bogo hoàn thành. Trong khi đó, Đô đốc Marsetio đã báo cáo với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono về kế hoạch mua tàu chiến mới, bao gồm 4 tàu hộ tống SIGMA lớp Diponegoro của Hà Lan, 1 tàu đổ bộ (LPD) lớp Makassar của Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Marsetio còn cho biết, Hải quân Indonesia đang đợi tiếp nhận 3 khinh hạm đa năng hạng nhẹ lớp Bung Tomo do Anh chế tạo, cùng với 3 tàu hộ tống KCR-60 và 2 tàu tuần tra PC-43.

Ngày 12/3, Hãng Kyodo cho biết, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản và đảng đối tác New Komeito trong liên minh cầm quyền bắt đầu tranh luận các quy định mới về nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền đang tìm cách thu hẹp bất đồng về mức độ nới lỏng quy định hiện tại. Hãng Kyodo News cũng dẫn lời các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, ngân sách quốc phòng thực tế năm 2014 của Trung Quốc phải lên tới 200 tỉ USD, chứ không phải 131,57 tỉ USD như công bố hôm 5-3 vì chưa tính tới việc phát triển và mua sắm các loại vũ khí mới.

Thỏa thuận gây tranh cãi

Ngày 14/3, tờ Philippines Star dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines: Manila sẽ không rút tàu hải quân BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây. Tuyên bố kể trên được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tàu công vụ của nước này đã đuổi 2 tàu Philippines mà Bắc Kinh nghi là chở vật liệu xây dựng chạy về hướng bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, 2 tàu này chở hàng tiếp tế và đã triệu đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối.

Ngày 13/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cho biết, quân đội Philippines đã dùng máy bay để thả lương thực tiếp tế cho binh sĩ ở bãi Cỏ Mây, nhưng không nói rõ thời điểm cụ thể của việc này. Cũng trong ngày 13/3, Hãng Channel News Asia đưa tin, quân đội Philippines xác nhận họ phải né một cuộc phong tỏa của tàu Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách điều máy bay thả nhu yếu phẩm cho tiểu đội thủy quân lục chiến đóng ngoài bãi Cỏ Mây. Vụ việc này là bước leo thang căng thẳng mới nhất về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young

Tờ Philippines Star cũng dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, sau nhiều tháng bất đồng, ngày 14/3, Manila đã quyết định cho phép Washington tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines theo thỏa thuận an ninh mới chuẩn bị được ký kết. Và nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được ký nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Manila vào cuối tháng 4, bất chấp nhiều ý kiến phản đối cho rằng, thỏa thuận này sẽ vi phạm chủ quyền của Philippines. Điều này đồng nghĩa với việc, Philippines sẽ mở cửa căn cứ quân sự cho Mỹ, theo đó Washington sẽ thiết lập các cơ sở bên trong căn cứ quân sự của Manila và ngược lại Philippines cũng được phép vào các cơ sở của Mỹ. Đây là điểm quan trọng trong đàm phán tăng cường hợp tác quân sự song phương, vốn giậm chân tại chỗ kể từ tháng 8/2013.

Giới bình luận cho rằng, thỏa thuận này đạt được tiếng nói chung khá nhanh, nhưng không bất ngờ cho dù trước đó (8/3), Philippines còn tuyên bố sẽ không vội hoàn tất hiệp ước quốc phòng mới với Mỹ. Khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino, ông Herminio Coloma đã nói: hiện chưa có thời gian biểu cho việc hoàn tất hiệp định. Nên nhớ, hiệp định này được thảo luận trong mấy năm qua, nhưng không tạo được “đột phá khẩu”. Giám đốc Viện Cải cách chính trị và Bầu cử tại Manila cho hay, thỏa thuận này sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với Bắc Kinh rằng, Washington đang đứng về Manila. Đổi lại, Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự Philippines, để hoàn tất chiến lược xoay trục sang châu Á.

Theo giới phân tích, Washington từng có các căn cứ quân sự tại Phillipines, nhưng tới năm 1991, trước sức ép của người dân và dư luận, Manila buộc phải ngừng cho phép quân đội Mỹ thiết lập các căn cứ trên lãnh thổ nước này. Nhưng trước nguy cơ bị Trung Quốc “bắt nạt” trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, Phillipines tái quyết định “mở cửa đón Mỹ”. Trước đó (19/2), Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng tuyên bố: Manila đang tiến rất gần tới việc kết thúc thỏa thuận với Washington.

Nhà phân tích Rommel Banlaoi thuộc Viện Nghiên cứu khủng bố, bạo lực và hòa bình Philippines cho rằng, thỏa thuận sắp ký không những giúp Manila tăng cường an ninh trước đe dọa của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, mà còn được hỗ trợ nhân đạo kịp thời trong các thảm họa thiên tai. Ngoài ra, thỏa thuận tăng cường hợp tác với Philippines còn giúp Mỹ triển khai thêm binh lính, tàu chiến và máy bay tại Châu Á - Thái Bình Dương và điều này củng cố chiến lược xoay trục tới khu vực này của Washington. Bởi trước đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận tương tự với Australia và Singapore.

Kênh phát thanh - truyền hình TV5 của Philippines từng cho rằng, Brunei đã và đang có xu hướng tách khỏi lập trường của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. Bởi cuộc họp vừa qua ở Manila (18-2) không phải là lần đầu tiên Brunei né tránh các cuộc họp của ASEAN về Biển Đông. Tại cuộc gặp cấp Ngoại trưởng ASEAN (16 và 17/1) tại khu nghỉ mát Bagan của Myanmar, Brunei cũng không tham dự cùng với Ngoại trưởng Malaysia, Việt Nam và Philipines. Được biết, trong 6 bên (5 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ) có yêu sách ở Biển Đông, chỉ có Brunei là nước không chiếm giữ một đảo nào ở Trường Sa. Philippines hiện duy trì binh lính trên 8 đảo và một bãi cạn; Malaysia chiếm giữ 4 đảo; Việt Nam 22 đảo; Trung Quốc 8 đảo và Đài Loan chiếm giữ đảo nước ngọt lớn nhất (Ba Bình) cùng căn cứ quân sự tại đây.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh