Vạn, Rớ, Rợ hay vẫn là Chợ?

07:20 | 06/06/2015

|
Bạn đọc: Nhờ ông An Chi phân tích chữ thứ 5 câu thứ 4 trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Đó là chữ gì, thưa ông? Xin cám ơn. Ngô Tấn Đồ (Nha Trang)

Năng lượng Mới số 428

Học giả An Chi: Theo cách đọc quen thuộc nhất thì đó là chữ “chợ” nên cả câu là:

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhưng nhiều người cho rằng, chữ “chợ” không thích hợp nên người thì đề nghị đổi thành “rợ”; người thì nêu chữ “rớ”, thậm chí có người còn đề nghị đổi “chợ” thành “vạn”.

Đề nghị đổi thành “rớ” là Nguyễn Cảnh Phức trên Kiến thức Ngày nay số 658 (20-11-2008). Về chữ “rớ” này, tác giả Nguyễn Văn Hùng (Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng) viết trên blog “Bút Nguyên Tử - Tiểu Hùng Tinh” như sau:

“Đúng là có một vật dùng cất cá mà khu 4 gọi là rớ (nơi khác gọi là vó) […] Rớ nhỏ do một người cất, có thể chuyển chỗ tùy tiện do vậy không có chuyện rớ mấy nhà. Rớ lớn đặt trên ghe (ghe không phải nhà) hoặc đặt trên bờ thì thường gắn vào phía sau một chòi nhỏ vừa đủ 1-2 người ngồi (chòi, không gọi là nhà). Nói rớ mấy nhà là hoàn toàn không có cơ sở. Hơn nữa, Bà Huyện Thanh Quan sính dùng từ Hán Việt làm cho câu thơ trang trọng, dùng từ thuần Việt thì chỉ dùng từ toàn dân, đã có từ vó phổ biến thì không dễ gì Bà đưa vào thơ mình một từ rớ địa phương được”.

Tác giả Nguyễn Văn Hùng biện luận như trên chứ thực ra thì “rớ” cũng là một từ của ngôn ngữ toàn dân. Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỷ XIX (1805-1848) mà trước đó, hồi gần cuối thế kỷ XVIII thì từ “rớ” đã lưu hành ở Đàng Trong rồi. Bằng chứng là nó đã được thu nhận vào Dictionarium Anamitico Latinum (1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine. Chẳng những thế, hiện nay, nó vẫn được xem là một từ của phương ngữ Nam Bộ nên mới được thu nhận vào Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái (1994) và Từ điển từ ngữ Nam Bộ (tái bản, có sửa chữa, bổ sung, 2009) của TS Huỳnh Công Tín và trước đó nữa là trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức. Xin lưu ý thêm là Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức (1931), một quyển từ điển lấy phương ngữ miền Bắc làm nền tảng, cũng đã ghi nhận “rớ” như một từ thông thường, không có sắc thái địa phương. Cứ như trên thì vào thời của Bà Huyện, “rớ” là một từ được dùng từ Bắc đến Nam, nghĩa là một từ của ngôn ngữ toàn dân nên về nguyên tắc nó vẫn là một từ có thể có mặt ở vị trí 5 trong câu 4 của bài thơ. Nhưng cũng về nguyên tắc thì nó không thể xuất hiện ở vị trí đó vì một lý do khác mà chúng tôi sẽ nói đến sau.

Người đưa ra chữ “vạn” là Phúc Trạch. Trong bài “Nghi ngờ một chữ trong bài thơ Qua Đèo Ngang” trên dactrung.net, tác giả này đã viết:

“Xét về luật thơ Đường thì hai câu ba và bốn phải đối xứng với nhau về lời, về ý. Ta thấy chữ lác đác ở câu 4 là đối xứng với chữ lom khom ở câu 3; rồi chữ bên sông (4) đối với chữ dưới núi (3) chữ mấy nhà (4) đối với chữ vài chú (3). Vậy ở vị trí chữ chợ phải là một chữ đối xứng với chữ tiều. Tiều có nghĩa là nghề kiếm củi, chú tiều là người hái củi. Vậy chữ gì đối xứng với chữ tiều? Ta biết ở nông thôn miền núi có mấy nghề phổ biến được quy vào bốn chữ ngư, tiểu, canh, mục tức là đánh cá, hái củi, cày ruộng, chăn nuôi. Đây nói đến mấy nhà lác đác bên sông thì gần gũi nhất là nghề đánh cá tức là “ngư”. Nhưng dùng chữ ngư, thuộc thanh bằng, lại không thay được chữ chợ, thuộc thanh trắc, không đúng luật thơ. Xét ra chỉ còn chữ vạn, nghĩa là nghề sinh hoạt dựa vào sông nước. Vùng Nghệ Tĩnh có các làng xã ven sông có tên Vạn Gia, Vạn Sồng, Vạn Rú, Vạn Phần v.v...”.

Thực ra, “vạn” không phải là một từ dùng để chỉ nghề chài lưới, như Phúc Trạch khẳng định. Đây là một từ chỉ nơi quần tụ của các gia đình cùng làm chung một nghề, như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức:

Vạn. Đoàn, phường, nhóm người làm chung một nghề kết-hợp lại: Vạn chài, vạn xe, trùm vạn”.

Ngoài ra, tại mục “trùm”, còn có mục phụ “trùm-vạn”, được giảng là “Đầu-công, người chịu trách-nhiệm về một toán người có phận sự nhất định”, với thí dụ “Trước ông chủ nhà, sau là trùm vạn, cho tôi hò nhờ đôi câu ()”.

Cứ như trên thì từ “vạn” không trực tiếp liên quan gì đến nghề đánh cá vì ta còn có “vạn xe”, làm nghề chuyên chở trên bộ. Đặc biệt, quận 8, TP HCM có “Vạn Đò”, làm nghề chuyên chở trên sông. Vậy “vạn” là một từ hoàn toàn không thích hợp cho tiếng thứ 5 câu 4 trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Đó là còn chưa nói đến chuyện về mặt văn bản học, nếu thực tế có một từ gốc bị từ “chợ” thay thế thì sự dè dặt cũng buộc ta phải hướng sự tìm tòi của mình vào những từ có vần “ơ”.

Có lẽ “rợ” (chỉ dân tộc thiểu số) là từ được nhiều người tán thành hơn, mà lý do đầu tiên thì liên quan đến luật đối. Phát biểu súc tích mà mạnh nhất là Lão ngũ trên vn.answers.yahoo.com từ 7 năm về trước:

“Thơ Đường luật phải có vần luật, thanh luật, niêm luật và có đối nữa. Từ thứ năm của câu ba là “tiều” nghĩa là người tiều phu. Nếu từ thứ năm của câu 4 là “chợ” thì sẽ mất đối, bài thơ Đường luật sẽ bị phá luật và coi như là bỏ đi”.

Với những người muốn thay “chợ” bằng “rợ” là như thế: “Tiều” là danh từ chỉ người; còn “chợ” lại không chỉ người (mà chỉ một diện tích đất trên đó diễn ra việc mua bán) nên đối với “tiều” thì không “xứng tầm”. Những người này quên rằng, nếu quả thật Bà Huyện Thanh Quan mà có dùng từ “rợ” thay vì “chợ” thì, theo quan điểm của chính họ, câu thơ đang xét vẫn cứ “coi như là bỏ đi”  như thường. Vì sao? Rất đơn giản. Họ chỉ sửa được “chợ” thành “rợ” để cho “người (rợ) đối với người (tiều)” nhưng câu thơ vẫn cứ “què thọt” vì “nhà” làm sao đối với “chú”. Ở đây “chú” là một danh từ đơn vị chỉ người còn “nhà” là một danh từ khối chỉ một loại kiến trúc dùng làm nơi ăn chốn ở, thì làm sao có thể môn đang (không phải “đăng”) hộ đối với “chú” cho được? Vì vậy nên cái lý về luật đối ở đây cũng phải “bỏ đi” và “rợ” không thể là một ứng viên trúng cử.

Đó là lý do thứ nhất. Còn lý do thứ hai của những người đó là: Nơi mà Bà Huyện “bước tới” thì không có chợ. Nick tinhnguyen đã viết trên vn.answers.yahoo.com:

“Tiều không thể đối với chợ. Mà ở đây làm gì có chợ (?). Vì quan điểm hòa hợp dân tộc nên một thời gian dài sách cách mạng đã viết là chợ mấy nhà!”.

Có chợ hay không thì chúng tôi sẽ trở lại sau. Nhưng “chợ mấy nhà” thì dứt khoát không phải do sách cách mạng khởi xướng. Chữ “chợ” đã hiện diện tại câu 4 của bài “Qua đèo Ngang” trong Quốc văn tùng ký [國文叢記], đã có từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vanachi (thivien.net, 5-5-2006) đưa ra thêm luận cứ sau đây:

“Ông Nguyễn Hùng Vĩ (Văn hóa Hà Tĩnh số 71, 6-2004) cho ta biết rằng, có 12 tư liệu ghi bài thơ “Qua đèo Ngang”, trong đó có 5 bản chữ Nôm và 7 bản chữ Quốc ngữ. Các bản chữ Quốc ngữ không cho ta được thông tin gì. Trong 5 bản chữ Nôm có bản AB.620 chữ RỢ được ghi (theo ông là rất lưu loát) bằng bộ nhân đứng (亻) bên cạnh chữ TRỢ (助). Đây là điểm rất có giá trị với sự thống kê trên, nó cho ta thấy 톭 chắc chắn phải đọc là RỢ. Nếu là chữ CHỢ thì ở thời Bà Huyện Thanh Quan đã có chữ 닭 (âm TRỢ đã được bỏ tính chất quặt lưỡi, đọc là CHỢ và chữ thị
(市) nghĩa là “cái chợ” biểu nghĩa). Nếu không có cứ liệu Nôm nào bác lại thì chắc chắn đọc là RỢ đúng hơn”.

Trong đoạn đã dẫn, có hai chữ Nôm không hiển thị được nhưng ta vẫn có thể hình dung theo sự mô tả của Vanachi. Còn cứ liệu Nôm dùng để bác lại thì có đấy. Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng, tập 1 (NXB Khoa học xã hội - Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm, 2014, tr. 297), dẫn Quốc văn tùng ký cho thấy trong câu “Lác đác bên sông chợ mấy nhà” thì “chợ” là một chữ hình thanh trên “trợ” [助], dưới “thị” [市]. Chữ “trợ” [助]  cho âm “chợ”, chữ “thị” [市] cho nghĩa “chợ”, đúng như Vanachi đã mô tả. Huống chi, trong 4 bản còn lại mà Nguyễn Hùng Vĩ đã nêu, chắc gì lại không có chữ “chợ”. Vậy “rợ” cũng không phải là một chữ chắc chắn.

Còn có ý kiến liên quan cho rằng, “tiều vài chú” và “chợ mấy nhà” là những đảo ngữ. Theo ý kiến này thì đảo vế trước thành “vài chú tiều” còn nghe được chứ đảo vế sau thành “mấy nhà chợ” thì nghe không xuôi tai. Có ai lại nói “nhà chợ”. “Nhà chợ” là cái gì? Ý kiến đó là như vậy còn chúng tôi thì xin thưa rằng, ở đây không hề có đảo ngữ vì “tiều vài chú” và “chợ mấy nhà” là những cấu trúc tự nó, trong đó “tiều” và “chợ” là danh từ trung tâm còn “vài chú” và “mấy nhà” là lượng ngữ đứng làm định ngữ cho danh từ trung tâm. Do đó, về nguyên tắc, ta không thể đảo hai cấu trúc đó thành “vài chú tiều” và “mấy nhà chợ”. Thì cũng giống như những cấu trúc “bầy trăm con” (bò, dê, v.v...) “bàn mười người” (trong đám tiệc), “kho trăm tấn” (kho chứa được 100 tấn gạo, chẳng hạn), “sân chín lỗ” (nói về sân golf), v.v…, không thể đảo thành: “trăm con bầy”, “mười người bàn”, “trăm tấn kho”, “chín lỗ sân”, v.v… Những cấu trúc đảo này nghe rất vô duyên. Nhưng xin nói rõ thêm rằng, ở đây, “vài chú tiều” cũng không phải là đảo ngữ của “tiều vài chú” vì đây là hai cấu trúc độc lập với nhau. Trong khi “vài chú tiều” là một lượng ngữ mà trung tâm là lượng từ “vài” thì “tiều vài chú” lại là một danh ngữ mà trung tâm là danh từ “tiều”. Lượng ngữ và danh ngữ không thể là hai cấu trúc đồng nghĩa với nhau cho nên ở đây không thể có chuyện đảo ngữ đối với cả “tiều vài chú” lẫn “chợ mấy nhà”. Vì vậy nên ta không thể bác bỏ khả năng “chợ” là chữ mà Bà Huyện đã dùng ở vị trí 5 trong  câu 4 của bài “Qua đèo Ngang”.

Nhưng có một ý kiến độc đáo về chữ “rợ” cũng đáng chú ý.

Chằn Shrek đã viết trên thivien.net (11-8-2009):

 “Về hai chữ này (“rợ” & “chợ” - AC) thì dứt khoát chữ chợ là không thể. Đúng phải là chữ “rợ”. Giải thích ngắn gọn không cần phải dài dòng và dẫn chứng nhiều làm rối thêm vấn đề. Chữ “rợ” vào thời ấy, theo vùng địa phương đồng nghĩa với... cái chòi tạm! Ven sông Việt Nam thời xưa thường hình thành nhiều chợ tự phát vì tiện gần những bến đò ngang. Người ta làm những cái rợ (chòi) để che nắng che mưa trong khi họp chợ bằng những vật liệu nhẹ như tre, lá , tranh nứa. Đây có lẽ là cách giải thích đơn giản và có tính thuyết phục nhất”.

Chằn Shrek nói thì có vẻ “thuyết phục nhất” nhưng suy nghĩ kỹ thì… Ta nên nhớ rằng, các cấu trúc 3 tiếng được đưa ra bàn ở đây đều thuộc mẫu:

DANH TỪ 1  +  LƯỢNG TỪ  + DANH TỪ 2, trong đó DT1 và DT2 phải cùng tuân theo một trong hai quy tắc sau đây:

1. Nếu DT1 là danh từ khối (mass noun) thì DT2 dứt khoát phải là một danh từ đơn vị (unit noun), như: “tiều vài chú”, “bầy trăm con”, v.v...

2. Nếu cả DT1 lẫn DT2 đều là danh từ khối thì bắt buộc DT1 phải chỉ vật thể lớn hơn, có thể chứa vật thể mà DT2 nói đến, như: “bàn mười người” (“bàn” được hình dung là chỗ chứa), “sân chín lỗ”, v.v… Xin công thức hóa quy tắc 2 thành: DT1 > DT2.

Hiểu theo Chằn Shrek thì “rợ mấy nhà” không thỏa mãn quy tắc nào trong hai quy tắc trên đây. Theo quy tắc 1, với tính cách là DT2, lẽ ra “nhà” phải là danh từ đơn vị nhưng ở đây nó lại là danh từ khối! Theo quy tắc 2, cả “rợ” và “nhà” đều là danh từ khối, nhưng ở đây, “rợ” (= chòi) thì nhỏ xíu, làm sao chứa được “nhà” (DT1 < DT2)? Huống chi, cái nghĩa “rợ” là “chòi che nắng che mưa…” chỉ là kết quả suy luận của riêng Chằn Shrek chứ không thấy ghi trong bất cứ quyển từ điển nào, kể cả từ điển từ cổ hoặc từ điển phương ngữ.

Chữ “rợ”, hiểu là dân tộc thiểu số, cũng không thể thích hợp vì đã vi phạm quy tắc sau đây: Khi hai danh từ khối đi liền với nhau kiểu DT1 + DT2 mà DT2 là tên nước hoặc tên dân tộc đứng làm định ngữ cho DT1 thì không thể đảo thành DT2 + DT1 để xen lượng từ (“mấy”, “vài”, v.v...) vào giữa. Thí dụ: “Nhạc Pháp” không thể đảo thành (ktđt) “Pháp nhạc” mà nói “Pháp [mấy] bản nhạc”; “cờ Nhật” ktđt “Nhật cờ” mà nói “Nhật [nhiều] lá cờ”; “ô-tô Mỹ” ktđt “Mỹ ôtô” mà nói “Mỹ [năm] ô-tô”, v.v... Cũng vậy, “nhà Rợ” ktđt “Rợ nhà” mà nói “Rợ [mấy] nhà”. Sở dĩ câu “Lác đác bên sông Rợ mấy nhà” mà nghe xuôi tai thì chẳng qua là vì nó hợp với quy định về thanh điệu của câu thơ thất ngôn Đường luật mà thôi. Chữ “rớ” của Nguyễn Cảnh Phức cũng không phải là một chữ thích hợp. “Rớ” chỉ là cái chòi nhỏ, làm sao chứa được “nhà”?

Cuối cùng chỉ còn lại có “chợ”. Vậy “chợ mấy nhà” thì có đúng quy tắc cú pháp hay không? Xin thưa là nó đáp ứng một cách mỹ mãn quy tắc 2 đã nêu ở trên: DT1 > DT2. Đều là danh từ khối mà DT1 là “chợ”, chỉ một vật thể (lớn hơn) có thể chứa những vật thể nhỏ hơn nó là “nhà” do DT2 thể hiện. Dĩ nhiên, đây không phải là “nhà chợ” mà là “nhà trên đất của chợ”. Nói rằng “ở đây làm gì có chợ” là đã khẳng định một cách võ đoán.

Chợ họp ở bến sông là hiện tượng bình thường. Ở miền núi non hiểm trở thì sông chính là đường giao thông thuận tiện hơn, dọc theo đó người ta có thể thiết lập những địa điểm trao đổi, mua bán với nhau. Vậy ứng dụng quy tắc 2, ta có thể hiểu câu “Lác đác bên sông chợ mấy nhà” là ở bến sông thì có chợ, tại đó chỉ có lác đác mấy cái nhà; còn đó là chợ có lều, có sạp hay là chợ chồm hổm, v.v…, thì ta không cần biết đến (vì Bà Huyện cũng không nói). Tóm lại, “chợ mấy nhà” ở đây là trên đất của cái chợ này, chỉ có vài cái nhà, còn đó là nhà tranh, nhà ngói hay “nhà gì gì” đi nữa thì ta cũng không cần biết (mà Bà Huyện cũng không nói). Ba tiếng cuối làm thành lượng ngữ “chợ mấy nhà” trong câu 4 của bài “Qua đèo Ngang” phải được hiểu theo đúng cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của nó như thế. Không có bất cứ sự bình thơ nào có đặc quyền để phớt lờ quy tắc cú pháp trong bình giảng vì đây là những mối nối liên kết chặt chẽ các từ trong câu thơ.