Vẫn chưa sẵn sàng

07:00 | 10/05/2015

644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tháng 5, Chính phủ Nhật Bản sẽ trình dự luật bảo đảm an ninh lên Quốc hội để có thể thông qua trước thượng tuần tháng 8. Nếu được thông qua, phạm vi hoạt động và quyền hạn sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ sẽ mở rộng. Và động thái này đang khiến Trung Quốc “đặc biệt quan ngại”.

Năng lượng Mới số 420

Bởi trước đó, tờ Mainichi Shimbun cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thảo luận việc cất nhắc một tướng quân đội làm Phó chánh văn phòng nội các nhằm tăng cường khả năng “phòng vệ”. Theo Hãng Jiji Press, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai 600 lính đến đảo Miyako và Ishigaki ở Tây Nam Okinawa nhằm đối phó với các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc. Dự kiến, khoảng trung tuần tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akira Sato sẽ tới thị sát đảo Miyako và Ishigaki để triển khai kế hoạch kể trên.

Vẫn chưa sẵn sàng

Ông Masahiko Komura (trái), Phó chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc

Ngày 5-5, tờ Tin tức Trung Quốc cho rằng, Tokyo muốn thông qua bản sửa đổi “Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ” để “bá quyền thay Washington”. Bởi theo Trung Quốc, Nhật Bản đang chạy đua vũ trang để xây dựng một lực lượng phòng vệ “đủ mạnh”, cùng với mua sắm vũ khí và các trang thiết bị tiên tiến, cũng như tích cực tăng cường quân bị. Và hiện Nhật Bản đã có một không gian hoạt động quân sự rộng lớn hơn, có thể mở rộng phạm vi can thiệp tới khắp thế giới.

Giới phân tích cho rằng, Mỹ - Nhật đã bước vào thời kỳ hợp tác quốc phòng mới khi 2 nước thông qua bản sửa đổi “Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ” sau chuyến thăm 7 ngày tới Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe. Có người nói, tham vọng quân sự mới của Nhật Bản đang thách thức mưu đồ của Trung Quốc. Nhưng cũng có người cho rằng, việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh trên biển nhằm chống lại mưu đồ độc bá Biển Đông của Trung Quốc.

Trước đó (sáng 3-5), 3 tàu của Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, tàu Hải Cảnh 2102, 2305 và 2350 đã hoạt động trong vùng lãnh hải Nhật Bản và đây là lần thứ 13 kể từ đầu năm đến nay tàu Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển kể trên. Trước đó (30-4), 3 tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (Hải cảnh 2101, 2102 và 2307) đã xâm nhập vùng lãnh hải xung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hãng Reuters từng dẫn nguồn tin từ Mỹ và Nhật Bản cho biết, Tokyo đang xem xét tuần tra chung trên Biển Đông với Washington nhằm phản ứng trước sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này. Và thông qua hành động của mình, Nhật Bản muốn để Trung Quốc hiểu rằng, Bắc Kinh không sở hữu Biển Đông theo cách mà họ muốn.

Ngày 5-5, 11 nghị sĩ Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại Bắc Kinh và đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang. Trong khi ông Trương Đức Giang coi quan hệ Trung - Nhật đã có những bước tiến triển ban đầu đáng hoan nghênh, thì ông Masahiko Komura, Phó chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền cho biết, 2 nước nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện quan hệ song phương. Sau khi ông Trương Đức Giang kêu gọi Tokyo tham gia Ngân hàng AIIB vào cuối năm 2015, ông Masahiko Komura cho biết, Nhật Bản sẽ cân nhắc để gia nhập AIIB nếu các lo ngại của họ về tính minh bạch và cách quản lý ngân hàng này được làm rõ. Có tin nói rằng, Nhật Bản lo lắng về hợp đồng S-400 giữa Nga và Trung Quốc. Bởi trước đó (27-4), tờ Nekkei của Nhật Bản từng dẫn xác nhận của Giám đốc điều hành Hãng Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin: Trung Quốc đã mua được hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại của Nga. Và với hệ thống S-400 có tầm bắn 400km, Trung Quốc có thể tấn công bất kỳ mục tiêu bay nào ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 4-5, khi viện dẫn bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã hối thúc ông Shinzo Abe phải đối diện với quá khứ quân phiệt và đưa ra lời xin lỗi trước những hành vi tàn bạo trong thời chiến của Tokyo. Bà Park Geun-hye còn cho rằng, Nhật Bản đang bị “chôn vùi trong quá khứ” khi Thủ tướng Shinzo Abe cùng nội các không đối diện với lịch sử và tiến hành hòa giải với các nước láng giềng, đồng thời nhấn mạnh Seoul sẽ thúc đẩy chiến lược “ngoại giao kênh 2” với Tokyo. Điều này chứng tỏ Tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng gặp Thủ tướng Nhật Bản. Cũng trong ngày 4-5, cả đảng Saenuri cầm quyền và Liên minh chính trị Mới vì Dân chủ ở Hàn Quốc đều phê phán Ngoại trưởng Yun Byung-se đã không giải quyết tốt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Thậm chí có một số nghị sĩ còn yêu cầu ông Yun Byung-se phải từ chức để nhận trách nhiệm về chính sách ngoại giao không hiệu quả.

Trước đó (21-4), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il và người phát Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích việc Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ lễ tới đền Yasukuni. Ngày 14-4, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khi tiếp cựu Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yohei Kono, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến những vấn đề lịch sử, chiến tranh và trách nhiệm của Nhật Bản. Cũng trong ngày 14-4, với 181 phiếu thuận trong tổng số 182 nghị sĩ tham dự, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết lên án những tuyên bố chủ quyền gần đây của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Ngày 23-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản đối các thành viên nội các Nhật Bản viếng đền Yasukuni. Trước đó (22-4), 106 nghị sĩ đã viếng đền Yasukuni. Cũng trong ngày 22-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc đối thoại kéo dài 30 phút bên lề Hội nghị Á - Phi ở Indonesia.

Mỹ cũng từng nhiều lần hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản giải quyết những bất đồng để cải thiện mối quan hệ vốn chịu nhiều căng thẳng liên quan đến các vấn đề lịch sử. Bởi Washington thực sự quan ngại trước mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul, 2 đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Á, vì việc này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Nhà Trắng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani từng thông báo, Tokyo và Washington đã nhất trí kêu gọi Seoul tổ chức cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật - Hàn nhằm xử lý hiệu quả hơn các vấn đề cùng quan tâm.

Tuấn Quỳnh