Ukraina - một “Hy Lạp” mới đang bị bỏ rơi?

07:00 | 20/07/2015

4,324 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có nhiều người lo ngại Ukraina sẽ trở thành một Hy Lạp thứ hai. Bản thân Kiev - trong lúc bị cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp làm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đã từng lên tiếng “cảnh báo” rằng nước này sẽ mất khả năng thanh khoản, vỡ nợ vào ngày 24/7 tới để kêu gọi sự quan tâm, cũng như nỗ lực giải cứu của phương Tây. Nhưng vấn đề là Ukraina khác với Hy Lạp, tình hình khác và thái độ của phương Tây với 2 nước này cũng khác.

THẾ GIỚI 24H: Vì sao Pháp, Đức muốn buông Ukraina?

THẾ GIỚI 24H: Vì sao Pháp, Đức muốn buông Ukraina?

Giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp còn đang “vật” các nước châu Âu lên xuống, tình hình căng thẳng kéo dài ở Ukraina càng khiến họ mệt mỏi và chán chường. Đức và Pháp bất ngờ kêu chính quyền Kiev trao quyền tự trị cho các tỉnh miền đông Ukraina.

Mặc dù cả Hy Lạp và Ukraina đều đang đánh đu trên bờ vực phá sản và phải tìm kiếm cứu trợ từ các chủ nợ nước ngoài, nhưng tình hình tài chính khó khăn của 2 nước này vẫn có những sự khác biệt. Ít nhất, thái độ của Kiev cũng khác với Athens. Ukraina đã cam kết thúc đẩy thông qua các biện pháp cải cách, kể cả các cải cách lập pháp để đổi lấy viện trợ của phương Tây. Kiev đã đáp ứng các yêu cầu của chủ nợ phương Tây bằng cách tăng thuế năng lượng và cơ cấu lại ngành ngân hàng.

Chính phủ Ukraina còn kêu gọi các nhà lập pháp nước này chấp nhận những cải cách về luật pháp cần thiết để đảm bảo tiếp tục nhận được nguồn tài chính từ phương Tây, bao gồm cả các biện pháp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, nỗ lực chống tham nhũng, điều tiết các dịch vụ công cộng và cải tổ Công ty Khí đốt Naftogaz.

Ukraina - một “Hy Lạp” mới đang bị bỏ rơi?
Biếm họa châu Âu loay hoay “chống đỡ” 2 mối họa Hy Lạp và Ukraina

Ngược lại, đảng Syriza cực tả của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngay từ khi tranh cử vào tháng 1/2015 đã thể hiện lập trường phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy khoản vay cứu trợ tài chính của phương Tây. Thậm chí, việc đa số cử tri Hy Lạp nói “không” với các chủ nợ châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7 vừa qua còn được coi là một “thắng lợi” của Thủ tướng Tsipras. Mặc dù sau đó Athens tỏ thái độ “ăn năn” bằng cách đã đệ trình đề xuất cải cách kinh tế để bảo đảm cho một gói cứu trợ 55 tỉ USD từ các chủ nợ châu Âu nhưng sự “đầu hàng” của Hy Lạp vẫn là điều gì đó không chắc chắn.

Thứ hai là về cơ cấu nợ. Ukraina phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay chủ yếu liên quan đến các chủ nợ tư nhân quốc tế. Ước tính Ukraina đang nợ 50 tỉ USD, trong đó có 30 tỉ USD là nợ quốc tế, bao gồm cả khoản nợ 3 tỉ USD của Nga. Bốn trong số những chủ nợ của Kiev là các quỹ đầu tư của Mỹ nắm giữ khoảng 8,9 tỉ USD nợ của Ukraina và sẽ đàm phán về việc giảm nợ cho Kiev trước thời hạn trả lãi vào ngày 24/7 tới.

Trong khi đó, trong cơ cấu nợ chính thức của Hy Lạp - tổng cộng khoảng 242,8 tỉ euro - theo một phân tích tháng trước của Reuters, nợ các quốc gia châu Âu chiếm phần lớn. Đức là chủ nợ lớn nhất của Athens, với 57,23 tỉ euro. Đó chính là một trong những lý do khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ thái độ rất cứng rắn với Hy Lạp, buộc Athens phải “tái cơ cấu các khoản nợ” và dư luận Đức thì phản đối mạnh mẽ các nhượng bộ dành cho Hy Lạp.

Thứ ba là thái độ của các chủ nợ đối với Kiev và Athens. Trong khi các chủ nợ quốc tế tiếp tục tin tưởng vào Chính phủ Ukraina, sẵn sàng cho vay thêm tiền, thậm chí thuyết phục các chủ nợ tư nhân để xóa nợ cho Kiev, thì họ lại gia tăng áp lực với Chính phủ Hy Lạp. Họ buộc Athens phải chấp nhận các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mạnh mẽ hơn nữa, liên quan đến thuế, lương hưu, việc làm và lĩnh vực kinh tế khác.

Giám đốc IMF Christine Lagarde còn từng tuyên bố Hy Lạp sẽ không được ân hạn nếu nước này mất khả năng thanh toán. Còn đối với Ukraina, IMF lại khẳng định có thể tiếp tục hỗ trợ cho nước này, ngay cả khi Kiev chưa kịp đạt được thỏa thuận thương lượng với các chủ nợ phù hợp với chương trình cho vay của IMF.

Cuối cùng, khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp xảy ra trong thời bình, ở một đất nước đã gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1982 và khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2001. Khó khăn hiện tại của Athens có một phần bắt nguồn từ việc vay nợ để mở rộng nền kinh tế, bao gồm cả các dự án liên quan đến Thế vận hội Olympic 2004, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, tựu chung lại, những món nợ khổng lồ đầu tiên của Athens được tích lại do các chính sách quan liêu quá mức của nhà nước từ chế độ lương hưu tương đối cao, thu thuế tệ và tham nhũng. Đây là lỗi hệ thống rất nghiêm trọng, nhưng một chính phủ có trách nhiệm và dũng cảm hơn có thể loại bỏ chúng sớm hơn so với những vấn đề đã “ăn sâu, bám rễ” ở Ukraina.

Nền kinh tế lạc hậu của Ukraina, với hiệu quả sử dụng năng lượng thấp và gánh nặng chi tiêu quốc phòng cao, sẽ cần ít nhất một vài thập niên để có thể đứng được cùng cấp với các nước châu Âu. Hy Lạp có thể tiết kiệm rất nhiều tiền bằng cách hạ thấp tiền lương, phúc lợi và chi tiêu khác nhưng việc cắt giảm tương tự khó có thể xảy ra ở Ukraina. Thậm chí, “ở Ukraina, tiền chỉ có thể được lấy đi từ giới đầu sỏ chính trị” - cây bút bình luận Vladimír Diviš của tờ Právo viết.

Đó là chưa kể kinh tế của Kiev nhanh chóng bị suy sụp bởi nội chiến kéo dài hơn 1 qua ở miền Đông Ukraina. Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4/2015 đã dự báo nền kinh tế của Ukraina sẽ giảm 7,5% trong năm nay và có thể tăng trưởng 2% trong năm 2016, nhưng chỉ khi xung đột không trầm trọng thêm, khu vực ngân hàng ổn định và chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách.

Nếu không kể đến các lý do liên quan đến việc Ukraina chưa gia nhập Liên minh châu Âu mà chỉ mới đứng “vai” một anh lính tiền tiêu chống Nga, thì những lý do kể trên cũng phần nào giải thích vì sao không giống như trong trường hợp của Hy Lạp, châu Âu dường như không thực sự lo lắng về tác động tiêu cực đối với Eurozone, Liên minh châu Âu hay NATO, một khi Ukraina vỡ nợ. Nói cách khác, dân số của Ukraina nhiều hơn 4 lần so với Hy Lạp nhưng không có nghĩa là tác động của việc Kiev vỡ nợ sẽ nghiêm trọng hơn là Athens phá sản. Thực tế là vậy. Bộ trưởng Tài chính Ukraina Natalie Jaresko từng tuyên bố việc Kiev mất khả năng thanh khoản chỉ là một tính toán kỹ thuật, thậm chí sẽ không gây tổn hại cho hầu hết người dân Ukraina.

Hy Lạp lại rơi vào bất ổn mới

Hy Lạp lại rơi vào bất ổn mới

Người dân Hy Lạp lại đổ xuống đường biều tình rậm rộ chống chính phủ và các điều kiện khắc nghiệt của châu Âu. Xem ra gói cứu trợ của EU nhằm tránh cho Athens bị vỡ nợ, lại đang đẩy Hy Lạp vào một cuộc khủng hoảng khác.

Hy Lạp và những câu chuyện cười ra nước mắt

Hy Lạp và những câu chuyện cười ra nước mắt

Trong cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp kéo dài 6 tháng qua, người ta đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ phía người dân nước này.

Kịch bản Hy Lạp rời Eurozone sẽ diễn ra như thế nào?

Kịch bản Hy Lạp rời Eurozone sẽ diễn ra như thế nào?

Châu Âu đã ra “tối hậu thư” cho Hy Lạp: Hoặc sẽ phải bán tài sản nhà nước, chấp nhận để các chủ nợ nước ngoài kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động tài chính; Hoặc sẽ bị tống khứ khỏi Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mặc dù Athens vẫn còn thời gian để quyết định ngả theo lựa chọn nào, nhưng vấn đề Grexit - rời khỏi Eurozone đã được gợi lên rất nhiều. Nếu khả năng đó xảy ra, thì kịch bản Grexit sẽ diễn ra như thế nào? Tờ Les Echos (Pháp) đã đặt ra một số câu hỏi - đáp bao quát kịch bản này.

Linh Phương

Năng lượng Mới 440