Kịch bản Hy Lạp rời Eurozone sẽ diễn ra như thế nào?

06:59 | 14/07/2015

2,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châu Âu đã ra “tối hậu thư” cho Hy Lạp: Hoặc sẽ phải bán tài sản nhà nước, chấp nhận để các chủ nợ nước ngoài kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động tài chính; Hoặc sẽ bị tống khứ khỏi Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mặc dù Athens vẫn còn thời gian để quyết định ngả theo lựa chọn nào, nhưng vấn đề Grexit - rời khỏi Eurozone đã được gợi lên rất nhiều. Nếu khả năng đó xảy ra, thì kịch bản Grexit sẽ diễn ra như thế nào? Tờ Les Echos (Pháp) đã đặt ra một số câu hỏi - đáp bao quát kịch bản này.  

Cánh cửa lại mở cho Hy Lạp?

Cánh cửa lại mở cho Hy Lạp?

Cả thế giới như được trút đi một gánh nặng và tiếp tục theo dõi trong sự hoang mang về tình hình Hy Lạp khi lãnh đạo hai nước Đức, Pháp và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đang nỗ lực chừa lại một cánh cửa, chừa lại một hi vọng cho Athens sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý với những lá phiếu “Không” đầy bất ngờ.

1. Việc Hy Lạp rời Eurozone có thể diễn ra trong trật tự ?

Việc ra khỏi Eurozone không được dự trù trong các hiệp ước châu Âu, vốn quy định là tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền riêng của các nước đã gia nhập khối euro với đồng euro được ấn định từ đầu và “không thể hủy bỏ”. Trong trường hợp này, Eurozone sẽ khó có thể trục xuất một thành viên khi họ không muốn bỏ khối. Athens thậm chí có thể viện tới hành động pháp lý để đối chọi với Eurozone.

Kịch bản Hy Lạp rời Eurozone sẽ diễn ra như thế nào?
Biếm họa “con nợ” Hy Lạp bị “đá” khỏi Eurozone

Trong kịch bản “dã man” nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đóng ngay lập tức các kênh cung cấp thanh khoản cuối cùng cho các ngân hàng Hy Lạp, làm sụp đổ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của Athens trong tức thời.

Tuy nhiên, rất có khả năng là các cơ quan tiền tệ châu Âu sẽ tìm kiếm một giải pháp chuyển tiếp nhẹ nhàng hơn bằng cách vừa viện trợ nhân đạo, vừa tiếp tục bảo đảm tính thanh khoản tài chính cho Hy Lạp trong suốt thời gian nước này thiết lập một đồng tiền mới. Nhưng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu Athens vẫn muốn ở lại Eurozone một cách hợp pháp.

2. Ngân hàng Hy Lạp sẽ ra sao nếu bị ECB cắt hỗ trợ?

Khi đó, nguồn euro giúp cho các ngân hàng Hy Lạp hoạt động sẽ bị đóng lại, đồng thời với việc chấm dứt chương trình trợ giúp khẩn cấp (ELA) lên đến 89 tỉ euro do ECB cung ứng, kiểm soát đối với Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, với một số bảo đảm thích hợp.

Để giúp các ngân hàng trong nước tồn tại, Hy Lạp có thể tài trợ bằng cách phát hành một loại tiền tệ song song với đồng euro. Điều này sẽ cho pháp các ngân hàng Hy Lạp tái cơ cấu vốn - điều kiện tiên quyết cho họ có thể mở cửa hoạt động trở lại. Việc làm này sẽ được tiến hành song song với việc quốc hữu hóa 4 ngân hàng lớn của Hy Lạp (Alpha Bank, Piraeus Bank, Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp và Eurobank). Bốn ngân hàng này đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của Quỹ Ổn định Tài chính Hy Lạp (FHSF) và bộ ba chủ nợ của Hy Lạp vào năm 2012.

3. Chính quyền Hy Lạp sẽ có những công cụ tiền tệ nào?

Để đảm bảo hoạt động của các dịch vụ thanh toán trong nước và duy trì hoạt động của chính phủ, Nhà nước Hy Lạp có thể xem xét lưu hành ngay một loại tiền tệ mới song song với đồng euro. Loại tiền “tạm” này, còn được gọi là “IOU” (“Tôi nợ bạn”) sẽ được sử dụng như một loại giấy vay nợ để thay thế cho lượng euro sẽ ít dần. Cụ thể, công chức cũng sẽ được trả lương bằng tiền “tạm” và có thể dùng nó để trả tiền thuế và Nhà nước buộc phải chấp nhận phương tiện thanh toán đó. Các tờ giấy vay nợ cũng có thể được sử dụng cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như tiếp nhiên liệu, nhưng có lẽ với giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Do việc loại tiền tạm này sẽ nhanh chóng bị mất giá, Nhà nước sẽ phải phát hành ngày càng nhiều “IOU”. Để thoát khỏi tình trạng nói trên, Athens sẽ phải quay trở lại chế độ 100% euro, hoặc là - nhiều khả năng phải phát hành một đồng tiền quốc gia đúng nghĩa. Khi đồng tiền quốc gia mới được lưu hành, người Hy Lạp có thể đổi tiền “tạm” để lấy tiền thực.

Cũng có khả năng hai loại “tiền tệ” cùng tồn tại ở Hy Lạp, đồng euro vẫn sẽ là đồng tiền có giá trị ổn định để tham khảo và đồng IOU, hoặc đồng tiền quốc gia mới dùng để trả lương, nhưng sẽ tiếp tục mất giá.

4. Hậu quả xã hội sẽ ra sao?

Cơn chấn động của việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone đối với dân Hy Lạp sẽ còn tệ hại hơn những gì mà họ đã chịu đựng trong những năm qua khi phải cùng chính phủ thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để chỉnh đốn kinh tế. Suy thoái kinh tế ở Hy Lạp dự báo có thể ở mức hai con số trong nhiều năm.

Đã có gần 4 triệu người Hy Lạp, tức 1/3 dân số, sống dưới mức nghèo khổ vào năm 2013 với thu nhập dưới 4.068 euro/năm. Trước khi có thể tái lập một thế cân bằng nào với một đồng tiền mới bị mất giá, Hy Lạp sẽ cần châu Âu trợ giúp “nhân đạo” để đáp ứng các nhu cầu sơ đẳng nhất. Vì hiện nay, ở Hy Lạp, đến báo cũng phải in giảm trang vì thiếu giấy.

5. Hậu quả địa chính trị là thế nào?

Vấn đề “Grexit” không đơn thuần là những con số về nợ công và tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thừa hiểu điều này. Nhưng châu Âu sẽ giải thích thế nào với các đối tác quốc tế khi bỏ rơi Hy Lạp trong lúc lại đổ tiền đấu tranh cho Ukraina ở sườn phía đông lục địa? Đó là một nghịch lý khó có thể bảo vệ, sẽ làm cho châu Âu suy yếu trong cuộc đối đầu với Nga.

Ngoài ra, hơn bao giờ hết, châu Âu đang cần đến Hy Lạp để quản lý vấn đề di dân, nhập cư bất hợp pháp. Bởi, theo một báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn vừa được công bố, ngày càng có nhiều người vượt Địa Trung Hải chọn lối qua Hy Lạp thay vì chọn đường ở chính giữa và qua Italia.

Một vấn đề quan trọng không kém là trước tình hình bất ổn ở khu vực bờ biển phía nam Địa Trung Hải, Hy Lạp là điểm trung tâm trong hệ thống phòng vệ của NATO. Đại bản doanh Hạm đội 6 của Mỹ còn đang đóng tại đảo Crete của Hy Lạp, không xa bờ biển Syria. Nếu cộng thêm vào yếu tố ổn định của Athens trước các láng giềng vùng Balkan luôn bất ổn, thì việc cần phải duy trì Hy Lạp trong Liên minh châu Âu là tất yếu.

6. Rời Eurozone, Hy Lạp có phải trả nợ?

Nếu bị đuổi ra khỏi Eurozone, khó có khả năng là Hy Lạp sẽ thanh toán các món nợ mà 80% là nợ công. Chỉ riêng các nước thành viên của Eurozone và Quỹ Ổn định châu Âu (EFSF) hoạt động dưới sự bảo đảm của chính các nước này, hiện đang nắm giữ 131 tỉ euro công trái Hy Lạp, tức là một nửa trên tổng số nợ. Phần còn lại treo lơ lửng ở ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hầu như chưa có tiền lệ bị quỵt nợ.

Gilles Moec, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc chi nhánh châu Âu của Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) giải thích: “Nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ toàn diện đối với Hy Lạp, thì các bên sẽ phải đối mặt với nhiều năm tranh cãi pháp lý trong tương lai”. Do đó, có rất nhiều khả năng là ngay sau khi Hy Lạp rời khỏi Eurozone, các chủ nợ và con nợ sẽ lại ngồi vào bàn để thương lượng một kế hoạch tái triển hạn nợ cho Hy Lạp.

7. Các nước châu Âu khác sẽ gánh phí tổn thế nào?

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) cho thấy, phí tổn của “Grexit” có thể lên đến 237 tỉ euro, tương đương với 2,3% GDP của khu vực đồng euro. Để so sánh, việc giảm nợ cho Hy Lạp từ mức 180% GDP hiện nay xuống còn 100% GDP sẽ tốn tới 140 tỉ euro. Đức và Pháp là hai nước sẽ mất nhiều nhất. Đức sẽ mất đi hơn 55 tỉ euro trên các khoản vay song phương và thông qua Quỹ Cứu trợ châu Âu (EFSF) còn Pháp cũng sẽ bị mất 42,3 tỉ euro.

Ngoài ra, cơ chế Eurosystem, gồm ECB và Ngân hàng Trung ương các nước thành viên Eurozone sẽ mất tổng cộng 27,2 tỉ euro, do nắm giữ một lượng lớn công trái Hy Lạp đã mua trong hai chương trình mua lại công trái Chính phủ Hy Lạp SMP và ANFA hồi 2011-2012.

Ngân Chi

Năng lượng Mới số 439

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc