Từ 1/11: Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

09:12 | 21/09/2011

518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16/9, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2011/NĐCP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo đó, từ 01/11/2011, người bị thi hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc gây mê, thuốc làm liệt hệ thần kinh, cơ bắp và thuốc ngừng hoạt động của tim.

Theo chương II của nghị định, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride). Nghị định 82 cũng quy định: một liều gồm cả 3 loại thuốc nêu trên. Tất cả các loại thuốc sử dụng cho công tác thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Trang bị, phương tiên phục vụ cho thi hành án tử hình gồm có giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án. Ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển. Máy kiểm tra nhịp đập của tim. Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án. Các dụng cụ và trang thiết bị khác.

Từ 1/11/2011, người bị kết án tử hình sẽ chịu thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc

Nghị định cũng ghi rõ, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:

- Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng);

- Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm, trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sỹ hỗ trợ xác định tĩnh mạch.

- Đưa kim tiếm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự sau: Bước 1: tiêm 5 grams Sodium thiopental, sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu thấy chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê; Bước 2: tiêm 100mg Pancuronium bromide; Bước 3: tiêm 100 grams Potassium chloride.

Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng và hưởng tiêu chuẩn ăn uống bằng 5 lần của ngày Lễ, Tết với người tạm giam. Sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo Chủ tịch hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện lần 2, lần 3.

Theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an), đề án tiêm thuốc độc với tử tù đã được nghiên cứu kỹ, có tiếp thu có chọn lọc pháp luật, kinh nghiệm của nước ngoài, phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Người bị thi hành án tử hình sẽ ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn.

Về chế độ mai táng cho người bị thi hành án tử hình, nghị định cũng quy định rõ: người bị thi hành án tử hình được hỗ trợ 1 bộ quan tài bằng gỗ, 1 bộ quần áo vải, 4 mét vải liệm….Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải chịu chi phí đưa di chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự. Trong trường hợp không có ai đến nhận, người chết được cơ quan thi hành án cấp tỉnh tổ chức an táng, vẽ sơ đồ đặt bia mộ…

Cán bộ tham gia thi hành án tử hình là một công việc mang tính đặc biệt, bởi vậy Chính phủ cũng có những chế độ, chính sách đãi ngộ đối với bộ phận những cán bộ trực tiếp tham gia vào công việc này.

T. M