TTCK có hấp thụ được vốn cổ phần hoá?
TTCK Việt Nam cần dòng vốn ngoại để hấp thụ vốn cổ phần hoá.
Cổ phần hoá là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu lớn mà Đảng, Chính phủ đặt ra đối với các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của cổ phần hóa là hướng tới sự thay đổi tư duy làm việc, nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Và theo nhận định của giới chuyên gia, để cụ thể hoá mục tiêu này, tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, có năng lực quản trị hiện đại, TTCK chính là kênh thoái vốn cổ phần hoá rất hiệu quả.
Thông tin tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho hay: Thông qua TTCK, năm 2014, các DNNN đã tổ chức đấu giá, thoái vốn thành công trên 11,4 ngàn tỉ đồng, lớn gấp 8 lần so với năm 2013 và gấp 3 lần so với tổng cộng 3 năm trước đó. Sang năm 2015, quý I/2015, chúng ta cũng đã đấu giá, thoái vốn được hơn 1,2 ngàn tỉ đồng, tỷ lệ thành công khoảng 44%. Qua đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH, thoái vốn, niêm yết trên TTCK từ năm 2011-2014, chúng tôi nhận thấy rất rõ một điều là hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn trước rất nhiều. Các công ty sau CPH, niêm yết trên TTCK thì tổng tài sản tăng bình quân mỗi năm khoảng 13%; vốn chủ sở hữu tăng bình quân mỗi năm 12%; lợi nhuận tăng bình quân mỗi năm 10%; còn doanh thu thì tăng bình quân 20%.
Nói như vậy để thấy rằng, sự tham gia của giới đầu tư trên sàn chứng khoán vào các DNNN khi cổ phần hoá đã mang lại hiệu quả rất tích cực và mở ra nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế, để hấp thụ được lượng vốn cổ phần hoá của hàng trăm DNNN sẽ thực hiện trong năm 2015 lại là cả một thách thức đối với TTCK Việt Nam.
Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Kiên-Nhóm Công tác Thị trường vốn Diễn đàn Doanh nghiệp 2015 (VBF 2015) đã thẳng thắn cho rằng, TTCK Việt nam không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hoá, thậm chí là đang đi thụt lùi, đặc biệt là với các nước trong khu vực ASEAN.
Phân tích rõ nhận định này, ông Kiên nêu rõ: TTCK Việt Nam với 91 triệu dân nhưng mức vốn hoá của TTCK chỉ vào khoảng 46 tỉ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines với 99 triệu dân nhưng vốn hoá trên TTCK là 184 triệu USD, tương đương 65% GDP; Thái Lan với 69 triệu dân nhưng vốn hoá trên TTCK là 418 tỉ USD, tương đương 112% GDP; Singapor với 5 triệu dân nhưng vốn hoá trên TTCK là 415 tỉ USD, tương đương 135% GDP...
Trong khi đó, theo tính toán của Nhóm Công tác Thị trường vốn, trong khoảng 3 năm tới, tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hoá ước tính vào khoảng 25 tỉ USD. Và với quy mô như hiện nay, ông Kiên nhận định, TTCK Việt Nam sẽ không đủ khả năng hấp thụ lượng cổ phần được Chính phủ chào bán, dự kiến là 15%, tức khoảng 3,75 tỉ USD. Để thực hiện được điều này, TTCK Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ ngày 1/1 đến 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ là 5 triệu USD và Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh là 113,3 triệu USD.
Từ thực tế trên, Nhóm Công tác Thị trường vốn kiến nghị Việt Nam cần cân nhắc vấn đề cổ phần hoá phải đi kèm với việc niêm yết các công ty đã được cổ phần. Đồng thời, để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25 đến 30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hoá thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.
Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)
-
Tin tức kinh tế ngày 4/7: Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục mới về kim ngạch
-
Tổng thống Trump gửi thông báo thuế quan cho các nước
-
Tin tức kinh tế ngày 3/7: Tăng trưởng GDP quý II cao nhất trong gần 20 năm
-
Phát động Giải thưởng Sao Đỏ 2025: Khẳng định vai trò doanh nhân trẻ đối với nền kinh tế
-
Giá xăng dầu giảm mạnh, xăng RON 95 xuống dưới 20.000 đồng/lít