Trung Quốc tổng kiểm tra các công ty khai thác dầu mỏ sau sự cố vịnh Bột Hải

09:23 | 14/09/2011

691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tổng kiểm tra tất cả các công ty khai thác dầu mỏ trên thềm lục địa trong thời gian 3 tháng.

Sự cố tràn dầu tại vịnh Bột Hải tiếp tục lan rộng

Theo kế hoạch, các công ty dầu mỏ cần phải giải quyết những trục trặc và khiếm khuyết tiềm ẩn trong thiết bị vào trước ngày 10/11, một tháng trước khi họ phải đáp ứng các tiêu chí của thanh tra Nhà nước.

Cuộc kiểm tra nói trên được triển khai sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến ConocoPhillips China, công ty con của Tập đoàn dầu mỏ Quốc tế ConocoPhillips. ConocoPhillips China và Tập đoàn dầu mỏ ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) liên kết khai thác dầu tại mỏ Bồng Lai 19/3. Tháng 6/2011, tại hai giàn khoan dầu trên biển đã bị rò rỉ nghiêm trọng, gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc liên quan đến ngành công nghiệp dầu mỏ.

Cho đến nay, tình trạng rò rỉ vẫn chưa bị chặn lại, bất chấp cảnh báo nghiêm khắc cuối cùng của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, trong đó buộc các nhà điều hành dự án khai thác phải ngăn chặn hoàn toàn các nguồn dầu tràn trước ngày 31/8. Đồng thời, ConocoPhillips cũng đang chuẩn bị đối mặt với vụ kiện đòi đền bù thiệt hại tại Trung Quốc. Số tiền đền bù hiện chưa được thông báo, vì thiệt hại của các công ty khai thác du lịch vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Hồi đầu mùa hè năm nay, dầu tràn đã lan đến những bãi biển của các tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh và Sơn Đông, khiến ngành du lịch-nghỉ dưỡng của các địa phương này thiệt hại đáng kể. Ngoài ra, nhiều cơ sở ngư nghiệp cũng đang tiến hành thủ tục yêu cầu bồi thường. Thảm họa sinh thái đã phá hủy môi trường tại vịnh Bột Hải, giết chết các loài cá và hải sản ngon vốn được dành cho xuất khẩu. Thiệt hại từ vụ tràn dầu lẽ ra có phạm vi và mức độ nhỏ hơn nhiều lần nếu ConocoPhillips China và CNOOC kịp thời thi hành các biện pháp khẩn cấp ngay sau khi xảy ra sự cố thứ nhất. Thế nhưng, cho đến nay người ta vẫn cố gắng che giấu.

Một thực tế đã trở thành lệ trên thế giới là khi mãi chạy theo lợi nhuận, các công ty khai thác dầu khí cố tình che giấu các tai nạn trên thềm lục địa, khiến cho quy mô và mức độ thảm họa sinh thái trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như vụ tràn dầu trên Vịnh Mehico và Biển Bắc thời gian gần đây.

Thảm họa môi trường ở Vịnh Bột Hải có quy mô khá lớn bởi vì hầu như người ta đã lãng quên thỏa thuận của các nhà lãnh đạo nhóm G20 ở Toronto. Khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngay sau thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề xuất thành lập quỹ bồi thường hoàn trả chi phí khắc phục tràn dầu.

Giả thiết là việc thành lập quỹ như vậy sẽ do các hãng dầu mỏ gánh vác, tuy nhiên, sáng kiến này vẫn chỉ là trên giấy. Trong khi đó, nếu như đã có quỹ như vậy thì ConocoPhillips China và CNOOC hẳn đã dễ dàng hơn khi khẩn trương liên hệ với quỹ để được trợ giúp, thay vì cố gắng che giấu thông tin về vụ tai nạn tại mỏ Bồng Lai 19/3.

Kiến Văn