Trung Quốc đã làm gì từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra?

11:56 | 03/03/2022

1,238 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kể từ khi xung đột nổ ra, Trung Quốc hầu như không nêu rõ lập trường. Trung Quốc không muốn đối đầu trực diện với đồng minh Nga, đồng thời cũng không muốn bị phương Tây thêm chỉ trích.
Trung Quốc đã làm gì từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra?

Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ hiểu các yêu cầu an ninh hợp lý của Nga, thông cảm với những bất bình của Moscow đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.

Vào tuần trước, phái đoàn Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết cáo buộc Nga tấn công Ukraine. Dự thảo do Mỹ và Albania thực hiện, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moscow lập tức rút quân.

Trước đó vài giờ, một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy sự bất an của Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông ủng hộ giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao. Những lời lẽ này khác hẳn với nội dung bản tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga - Trung ở Bắc Kinh đầu tháng 2: “Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga không có giới hạn và không có lĩnh vực hợp tác nào là cấm kỵ”.

Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và châu Âu khi phương Tây muốn nước này nêu rõ lập trường của mình và lên tiếng chống lại việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Việc Bắc Kinh từ chối giúp xoa dịu xung đột có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch của phương Tây đối với Trung Quốc trong trung hạn. Điều này có thể làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, làm cho mối liên kết giữa Mỹ - châu Âu khăng khít hơn và chống lại Trung Quốc.

Theo giới phân tích, vốn rất thực dụng, bản thân Bắc Kinh cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có thể gây tác hại đến lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, làm xáo trộn nền kinh tế, cũng như khiến cho quan hệ với châu Âu và Mỹ thêm xấu đi. Nên nhớ rằng Trung Quốc có rất nhiều lợi ích kinh tế ở Ukraine, quốc gia được xem là một ngã tư chiến lược trên “Những con đường tơ lụa mới”, dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đấy là chưa kể đến việc thái độ của Bắc Kinh hiện nay gây nguy hiểm cho các công dân Trung Quốc đang ở Ukraine. Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev đã phải khuyến cáo công dân của họ nên thật kín đáo, giấu quốc kỳ Trung Quốc đi, để không làm phức tạp việc di tản ra khỏi Ukraine. Theo báo chí Trung Quốc, cuộc di tản này đã bắt đầu từ hôm 28/2.

Thành ra không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang cố thúc đẩy Moscow và Kiev thương lượng với nhau. Nếu hai bên đạt được một hiệp ước về trung lập thì điều này sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi tình thế khó xử. Trước mắt, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang quan sát việc phương Tây ban hành các trừng phạt đối với Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh điều kiện hóa giải xung đột ở UkraineTổng thống Putin nhấn mạnh điều kiện hóa giải xung đột ở Ukraine
Nga đặt điều kiện với Ukraine để hạ nhiệt căng thẳng chiến sựNga đặt điều kiện với Ukraine để hạ nhiệt căng thẳng chiến sự
Ukraine đàm phán lần hai với Nga, tuyên bố không chấp nhận tối hậu thưUkraine đàm phán lần hai với Nga, tuyên bố không chấp nhận tối hậu thư
EU loại 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFTEU loại 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT
Giá dầu tăng vọt lên mức 110 USD/thùngGiá dầu tăng vọt lên mức 110 USD/thùng

Nh.Thạch

AFP