Trung Quốc chà đạp lên "thế giới phẳng"

11:18 | 28/05/2014

2,440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong một thế giới phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa và ngày càng trở nên liên đới, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, bất cứ một hành vi chà đạp lên luật pháp quốc tế nào cũng gây tác động xấu tới không chỉ nạn nhân trực tiếp mà còn tạo ra hệ lụy khôn lường tới cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc gây bức xúc cả thế giới bằng việc kéo giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển Viêt Nam đã đặt ra một thách thức lớn cho xu hướng toàn cầu hóa và thách thức luật pháp quốc tế.

Thế giới không bình yên

Cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, thế giới đang dấn ngày một sâu hơn vào quá trình biến đổi để tìm kiếm một mô hình trật tự quốc tế mới trong điều kiện phải đối mặt với vô vàn những thách thức to lớn. Thiên nhiên và môi trường sống đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn đối với cuộc sống của nhân loại. Những biến đổi khí hậu không gì có thể cưỡng nổi trong tương lai không xa sẽ làm thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và chất lượng môi sinh ở nhiều quốc gia, cản trở và thậm chí làm đình trệ nhịp điệu phát triển tự nhiên…

Và theo đúng quy luật muôn đời, một khi kinh tế bị tổn thất, đời sống trở nên khó khăn thiếu thốn hơn thì tất yếu sẽ nảy sinh tình trạng kém an cư và từ đó sẽ bùng nổ những bất ổn chính trị và xã hội…

Ảnh minh hoạ

Những nguy cơ an ninh trên trường quốc tế vẫn tiếp tục trở nên gay gắt hơn. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế xem ra vẫn không suy giảm mà trái lại, đang lan rộng hơn về địa lý và cũng trở nên quyết liệt và tuyệt vọng hơn. Những cuộc bình định mà phương Tây đã phát động với vai trò “chủ xị” của Washington tới những miền đất lạ như Iraq hay Afghanistan thực chất đã không triệt được gốc rễ căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Đơn giản như là ở trong trường hợp có vẻ như khả quan nhất, NATO mới chỉ loại bỏ được một số lực lượng khủng bố hoặc bị họ coi là khủng bố ở dạng thức cũ nhưng lại làm nảy nòi thêm những trào lưu khủng bố quốc tế mới. Bởi lẽ, những yếu tố khách quan làm xuất hiện tâm trạng cố cùng thì vùng lên làm khủng bố trong đời sống quốc tế hiện nay vẫn tiếp tục tồn tại. Tâm thế li khai ở một số quốc gia cũng góp phần làm cho thảm trạng khủng bố quốc tế trở nên trầm trọng hơn.

Cán cân lực lượng tại nhiều khu vực trên thế giới dưới tác động của nhiều sức ép bắt buộc phải thay đổi như và như thực tế cho thấy, không phải ở đâu và vào lúc nào cũng theo hướng tích cực. Điều này đã làm xuất hiện ngày một nhiều hơn thực trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, khi những nhân tố mới hơn hóa ra lại vẫn gây nên những tai họa cũ… Luật pháp quốc tế ở nhiều nơi bị ngang nhiên chà đạp bởi những quốc gia mà lẽ ra với tiềm năng mọi mặt vượt trội của mình, cần phải đóng những vai trò chính nhân và mang tính xây dựng hơn… Trong lúc còn nhiều những điểm nóng kinh niên vẫn chưa hạ nhiệt thì lại xuất hiện thêm nhiều địa danh xung đột vũ trang mới và nhiều hơn nữa là những “ứng cử viên” tiềm tàng nguy cơ trở thành chiến trường mới trong tương lai.

Thực tế cho thấy, ở đại đa số những nơi bị ép buộc theo mô hình phát triển kiểu phương Tây thông qua các cuộc cách mạng sắc màu hay “mùa xuân Arab”, mọi sự theo dòng thời gian không những không được cải thiện mà còn ngày một trở nên phức tạp và căng thẳng hơn. Những gì đang diễn ra ở Libia hay Ai Cập… là những thí dụ nhỡn tiền. Tình hình ở một số nước cộng hòa trong không gian Xôviết cũ cũng gây nên nhiều nỗi lo lắng lớn vì một khi cái bình Pandora mẫu thuẫn quyền lợi và sắc tộc bị đập vỡ, sẽ không ai lường trước được những tất cả những sự quá đà và cực đoan có thể nảy sinh trong tâm lý và hành xử của những người cộng đồng cư dân bị dồn vào tình thế tuyệt vọng về những cơ hội tồn tại và phát triển trong tương lai…

Đang xuất hiện cái gọi là “vành đai hỗn loạn” có nguy cơ thu hút ngày một nhiều hơn những nước cộng hòa cũ từng là thành viên của Liên bang Xôviết… Thảm trạng như những gì đang diễn ra ở Ukraina có thể sẽ đe dọa cả Azerbaijan, Kazakhstan…

Việc trỗi dậy của một số cường quốc và những mô thức hợp tác mới của họ trên trường quốc tế, xét theo cách hành xử thực tế của họ, không phải là đóng góp vào sự nghiệp củng cố hòa bình ổn định chung, mà trái lại, chất chứa nhiều biểu hiện của tư tưởng sô vanh, bành trướng mới… Và mặc nhiên họ không trở thành các nhân tố mang tính tích cực mà lại hóa thành những mối đe dọa mới đối với quốc gia nhỏ bé hơn nhưng không may lại phải trở thành láng giềng vĩnh cửu của họ…

Tất cả những sự việc trên đang làm nhiệt độ địa chính trị trên toàn cầu không ngừng gia tăng. Xuất hiện và ngày một trở nên sâu sắc tình trạng khủng hoảng niềm tin vào công pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó mỗi một quốc gia càng cần phải tự tìm cách để tự củng cố và nâng cao trí lực để bảo vệ một cách xứng đáng vị thế quốc tế của mình. Cần tìm kiếm những phương thức mới để xây dựng những mối quan hệ đối tác mới tin cậy và hiệu quả hơn để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình…

Chủ quyền thiêng liêng

Cách hành xử ngang ngược như Trung Quốc trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay là một thí dụ. Chính Bắc Kinh với những hoạt động thô bạo tại Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế và đặc biệt là những quốc gia trong khu vực lo ngại và công phẫn. Và trong cuộc đấu tranh sinh tồn để bảo vệ nền độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, những nạn nhân bất đắc dĩ  của các cường quốc bắt buộc phải tìm mọi phương thức đấu tranh để thoát khỏi thế cây muốn lặng mà gió chẳng đừng.

Ngày 22-5, phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng, hòa bình và ổn định là điều kiện không thể thiếu cho phát triển, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Và Thủ tướng đã đặc biệt lưu ý về tình hình rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, nơi 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của thế giới đi qua, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại với Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Về việc một số người lợi dụng biểu tình của người dân phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã có những hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lí nghiêm khắc, đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường…

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, ngày 12-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc.

Không tai họa nào của riêng ai. Những hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế tại biển Đông của phía Trung Quốc đã gây nên làn sóng phản đối và công phẫn trên khắp thế giới. Và cũng chính vì thế nên rất nhiều lực lượng quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông, lên án Bắc Kinh hành xử quan phương ngạo ngược, hung hăng, hiếu chiến…

Tại những cuộc tiếp xúc với những nhà lãnh đạo Philippines trong chuyến thăm và làm việc chính thức vừa qua tại đảo quốc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cùng chia sẻ những quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm như hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đồng thời, ngày 21-5, cũng tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của Hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng các biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ. Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình.

Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa so với những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kì nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở đảm bảo độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Có lẽ, như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lí, theo luật pháp quốc tế…”.

Theo ANTG cuối tháng