Trẻ hóa bệnh trầm cảm

14:04 | 02/08/2017

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo BS Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thanh niên tuổi từ 18-45 bị trầm cảm ngày một gia tăng. Đây thực sự là vấn đề lớn mà xã hội cần quan tâm.   

Trẻ dễ stress

Em L.T.N ở Hà Nội có mẹ là giáo viên, bố làm kỹ sư nên luôn mong con mình theo nghề. N không thích làm giáo viên, cũng không thích theo nghề bố nên chống đối chuyện học hành một cách kịch liệt. Bố mẹ em thất vọng, mắng nhiếc thậm tệ đến nỗi mỗi khi đi học về, N chỉ biết chui vào phòng riêng và chốt chặt cửa lại. Không muốn gặp mặt và chia sẻ với bố mẹ. Một lần, thấy bạn kể lấy dao tự rạch tay sẽ hết “đau”, N làm theo và thấy… dễ chịu. Sau đó, mỗi lần căng thẳng, N lại làm cách này để “giải thoát” bản thân.

Tương tự, em L.D.P, cũng ở Hà Nội, đang tuổi “dở dở ương ương”, biến động tâm lý mạnh nên rất cần sự quan tâm của bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ mải lo làm ăn, kiếm tiền nên P lủi thủi một mình. Em rất tủi thân, dần dần ít nói, không chia sẻ với ai nên mắc chứng trầm cảm nặng. Qua mạng, P thấy nhiều bạn đồng lứa mỗi khi mệt mỏi, chán chường thường rạch, cứa cổ tay để giải tỏa stress. Em đã làm cách này và thấy “dễ chịu” hơn.

tre hoa benh tram cam
Nữ sinh ở Nghệ An tự rạch tay sau khi người yêu bỏ

Một trường hợp khác, cũng được bác sĩ Thiện đề cập, đó là nữ sinh ở Nghệ An đã rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Sau khi đăng hình ảnh này lên facebook, chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và chia sẻ đã chạm mốc 30.000 lượt.

Bác sĩ Thiện cho rằng, tất cả những ca trầm cảm chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy đều chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Không thiếu người âm thầm hành xác hoặc tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mà không thông báo cho người thân.

Đau về thể xác, “nhẹ” về tinh thần?

TS Ngô Thanh Hồi, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, tự làm tổn thương mình được gọi là hội chứng "Emo", một hội chứng bắt nguồn từ việc giới trẻ hâm mộ ban nhạc Emo chuyên hát nhạc buồn ở châu Âu. Nhóm trẻ hâm mộ thành lập ban nhạc nhằm giúp các thành viên san sẻ nỗi buồn nhưng nó lại truyền cảm xúc buồn chán cùng những cách thức đối phó, trải nghiệm về cách "chữa" như cứa tay, cơ thể để giải tỏa nỗi buồn. Bên cạnh cách này thì còn có cách đập đầu vào cửa kính, sàn nhà, tường, rứt tóc liên tục, tát, đấm vào mặt…

Theo bác sĩ Thiện, các hệ lụy của trầm cảm ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số lượng những người tử vong do trầm cảm. Tuy nhiên, tại Mỹ (theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Colorado Anschutz), hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại bang Colorado (Hoa Kỳ) từ khoảng năm 2004 đến 2014, đứng trước cả các nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn xe cộ, điều kiện y tế và bị sát hại.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, tỷ lệ thanh niên và trẻ vị thành niên đến khám và điều trị gia tăng. Trong năm qua, viện khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Theo Th.S tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Khi đó, những khủng hoảng vẫn còn ở mức đơn thuần và có thể kiểm soát, như khủng hoảng ước mơ (không biết mình muốn gì để chọn trường, chọn nghề), khủng hoảng giao tiếp (không được nhiều người yêu quý), khủng hoảng giới tính v.v…

Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể biến thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì “hậu quả khôn lường”.

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng, BV Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí “đua đòi”, muốn chứng tỏ mình “ngầu”… khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi từ 13-19. Đây là giai đoạn quá độ giữa “thiếu niên” và “trưởng thành”, thuật ngữ tâm lý học gọi là thời kỳ “giông bão và stress”. Một bệnh nhân kể rằng, cậu chỉ cảm thấy mình “có ý nghĩa” khi bắt đầu dùng dao rạch lên cơ thể. Trước đó bệnh nhân thi trượt cấp 3 và mong ước đi du học Mỹ nhưng gia đình không đáp ứng.

Ngoài ra, BS Lê Công Thiện cho biết: “Nhiều bệnh nhân có nguyên nhân phát bệnh rất bất ngờ, ví dụ như: cãi nhau trên facebook, bị người yêu chụp ảnh nude tống tình, thi trượt, đổ vỡ thần tượng v.v… Nếu bình thường, biết cách xử lý thì nó chỉ là một sang chấn tinh thần nho nhỏ. Nhưng nếu người nhà không kịp thời phát hiện và can thiệp, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc cả đời hoặc tự vẫn. Đối với tất cả mọi triệu chứng trầm cảm, thời gian phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan”.

Chữa bệnh không dùng thuốc

Để điều trị trầm cảm, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, có những cách rất đơn giảm mà hiệu quả như đi du lịch, tự tách mình khỏi môi trường tù túng và ngột ngạt. Có đến gần 50% bệnh nhân của bác sĩ Phượng đã hết stress nhờ vào phương pháp này mà không cần dùng thuốc. Hơn nữa, đi xa một chuyến, có điều kiện cho những căng thẳng lắng lại, sẽ thấy thế giới bên ngoài rộng lớn - tác động tới tâm lý, cách nhìn, quan niệm v.v…

Một cách khác, để giải tỏa tâm trạng xấu là tìm một thú vui nào đó mà bản thân say mê để “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm. Có thể là chơi nhạc, vẽ, nhảy múa, tập võ, tập nấu ăn, pha chế đồ uống, tập viết văn, nuôi thú cưng v.v… Trong trường hợp những cố gắng thay đổi lối sống không giải quyết được vấn đề, vậy khi đó mới tìm đến bác sĩ tâm lý để được trợ giúp.

Chuyên gia tâm lý Lã Thị Linh Nga, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: “Hành động tự rạch tay ở trẻ là do thiếu hụt về kỹ năng sống. Nguyên nhân là do các em có nhiều áp lực trong khi thiếu sự chia sẻ. Tự làm tổn thương là để thể hiện bản thân nhưng một số khác lại là do cô đơn, bị cô lập. Đây không phải là một dạng của tự sát, nhưng dễ trở thành thói tật không sửa được, nguy hiểm đến tính mạng”.

Hạnh Anh