Du lịch có trách nhiệm

Trải nghiệm văn hóa bản địa

07:00 | 26/04/2018

1,824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hàng chục năm qua, anh Quảng Đại Tuyên (hiện là nghiên cứu sinh Khoa Nhân học, Đại học Queensland, Australia) đã không ngừng tìm cách hỗ trợ cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận thay đổi phương thức sinh kế, bằng cách vận dụng văn hóa độc đáo của dân tộc mình vào phát triển du lịch bền vững, thông qua Dự án du lịch sinh thái Sen Charaih. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với anh Quảng Đại Tuyên về dự án này.

PV: Anh đã ấp ủ Dự án Sen Charaih trong bao lâu trước khi triển khai thành khu du lịch sinh thái thu hút du khách như hiện nay?

trai nghiem van hoa ban dia
Anh Quảng Đại Tuyên trên cánh đồng sen quê mình

Anh Quảng Đại Tuyên: Thật ra, khi đang là sinh viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tôi từng ước muốn ngày nào đó sẽ tham gia vào mảng du lịch, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp quê hương Ninh Thuận.

Trên đường thiên lý từ miền Trung vào miền Nam, bạn sẽ thấy những ngọn tháp Chăm trên những ngọn đồi, những cồn cát trải dài, những cánh đồng khô cằn sỏi đá và những đàn cừu khát nước giữa trưa hè…, cảm tưởng như đây là vùng đất khô cằn và thiếu sức sống? Nhưng vào sâu trong tỉnh Ninh Thuận, các khu vực nông thôn, tin chắc mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ. Ninh Thuận, đằng sau sự khắc nghiệt của thời tiết là vùng đất xanh với cánh đồng lúa, cánh đồng táo, nho, sen, nha đam… và hàng nghìn đàn dê, cừu. Bên cạnh đó, Ninh Thuận có rất nhiều thắng cảnh đẹp mà nhiều tour chưa đưa vào khai thác. Vì thế, từ khi còn là sinh viên, tôi từng ấp ủ sẽ xây dựng một điểm đến chính trên quê hương mình, từ đó sẽ giới thiệu nhiều thắng cảnh tự nhiên, di tích văn hóa của con người và Ninh Thuận.

Nhà tôi vốn trồng sen, lấy ngó và hạt để bán. Tuy sen cho hiệu quả rất tốt nhưng luôn bị tư thương ép giá sau khi thu hoạch, nên nhiều gia đình chán nản và định từ bỏ trồng sen. Trong những lần về với gia đình, ngồi giữa cánh đồng sen và hiểu những trăn trở của ba mẹ, nên tôi nghĩ đến việc phát triển khu này thành điểm đến du lịch.

Charaih trong tiếng Chăm có nghĩa là sen. Sen cũng có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa tôn giáo của người Chăm từ xa xưa, nhất là khi người Chăm theo Phật giáo.

Sau bao năm ấp ủ, tháng 9-2017, Khu du lịch văn hóa sinh thái Sen Charaih chính thức đi vào hoạt động, tạo một làn gió mới cho du lịch Ninh Thuận khi mà hàng nghìn lượt khách ở địa phương và các tỉnh lân cận đến tham quan. Điều này làm cho ba mẹ tôi - những nông dân chỉ biết trồng sen và bán cho tư thương thấy rất vui, vì du lịch từ sen mang lợi nhuận nhiều gấp hàng chục lần so với việc trồng, bán sen thông thường. Đấy là một tín hiệu “xanh” để người nông dân Ninh Thuận quê tôi dám thử sức với loại hình du lịch mới này ở tỉnh nhà.

PV: Bên cạnh cây sen thì những giá trị văn hóa nào của dân tộc Chăm được đưa vào Sen Charaih?

Anh Quảng Đại Tuyên: Nếu như các trung tâm du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… vốn cực kỳ phát triển và thu hút lượng du khách đến tham quan thường xuyên thì Ninh Thuận vẫn là một vùng đất đầy bí ẩn và ít được biết đến. Điểm nhấn nổi bật nhất của Ninh Thuận chính là văn hóa Chăm. Nhiều câu hỏi hẳn khiến du khách tò mò: Người Chăm ở Ninh Thuận hiện nay như thế nào? Văn hóa dân tộc Chăm có những gì? Di sản dân tộc Chăm được bảo tồn ra sao? Cuộc sống hằng ngày diễn ra thế nào? Ẩm thực Chăm có gì đặc biệt? Và rất nhiều bí ẩn khác về cuộc sống của người Chăm. Chính vì vậy, khi hình thành khu du lịch này, tôi muốn mang văn hóa Chăm vào trong các hoạt động để du khách hiểu thêm về vùng đất Ninh Thuận và văn hóa nơi đây.

trai nghiem van hoa ban dia

Về tên gọi Khu du lịch văn hóa sinh thái Sen Charaih, tôi muốn mang dấu ấn văn hóa Chăm vào trong hoạt động quảng bá điểm đến này. Bên cạnh đó, điểm du lịch này nằm trong làng dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp và cũng gần với làng gốm cổ truyền Bàu Trúc của người Chăm. Chính vì thế, đây là một vị trí rất thuận lợi để thu hút du khách không chỉ với khu du lịch mà còn kết nối với hai làng nghề truyền thống nói riêng cũng như giá trị văn hóa Chăm nói chung.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mang đến những khám phá mới về văn hóa Chăm: Kut - tộc họ Mẫu hệ Chăm, khuôn viên gia đình truyền thống Chăm, dấu ấn di tích cổ ở làng Chăm và nhiều điều thú vị khác mà nhiều tour hiện nay chưa chú ý đến. Những tài nguyên du lịch này hiện hữu tại nơi Sen Charaih tọa lạc.

trai nghiem van hoa ban dia
Người bản địa Hawaii ở Khu du lịch Polynesian Cultural Center

PV: Có dịp đi nhiều nước trên thế giới, anh thấy cách họ đưa văn hóa bản địa vào phát triển du lịch như thế nào?

Anh Quảng Đại Tuyên: Phải công nhận là nhiều quốc gia, tri thức bản địa nói riêng và văn hóa bản địa nói chung được áp dụng để tạo sản phẩm du lịch và được nhiều nhà phát triển du lịch tiến hành rất chuyên nghiệp. Tôi có dịp trải nghiệm cuộc sống ở nhiều quốc gia, tuy nhiên gần gũi nhất là với người bản địa ở Hawaii (Hoa Kỳ) và ở Queensland (Australia). Tôi quan tâm nhất là sản phẩm du lịch văn hóa ở đây được phát triển ra sao. Ở các nước này, bảo tàng chính là điểm lựa chọn đầu tiên của du khách. Tôi có dịp làm việc trực tiếp với Bảo tàng Bishop (Hawaii) và Bảo tàng Nhân học (Queensland), chính vì thế cũng học hỏi được rất nhiều từ cách họ khai thác văn hóa bản địa.

trai nghiem van hoa ban dia
Anh Quảng Đại Tuyên (đứng giữa) cùng người bản địa Hawaii ở khu du lịch “Polynesian Cultural Center”

Về tri thức bản địa, bên cạnh lưu giữ những hiện vật liên quan đến săn bắn, hái lượm, làm tàu bè… cũng như tư liệu hóa và nghiên cứu sâu để hiểu về cuộc sống của người bản địa thì họ còn làm các phim phóng sự và sử dụng công nghệ để mô phỏng. Du khách đến được xem trực tiếp các hiện vật ấy và xem video mô phỏng chi tiết về những tri thức mà cộng đồng bản địa vận dụng.

Sen Charaih nằm trong làng dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp và cũng gần với làng gốm cổ truyền Bàu Trúc của người Chăm. Đây là một vị trí rất thuận lợi để thu hút du khách không chỉ với Sen Charaih mà kết nối với hai làng nghề truyền thống nói riêng, giá trị văn hóa Chăm nói chung.

Lấy một ví dụ về tri thức dân gian của người Hawaii về biển. Bảo tàng đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu sâu với người bản địa Hawaii để giúp du khách hiểu về phương thức làm tàu bè cho hợp với vùng biển, kinh nghiệm đi biển, cách xác định hướng, thời tiết dựa vào các vì sao... Đặc biệt, họ khai thác triệt để cách người Hawaii đã dựa vào các vì sao để đi biển bằng cách làm một phòng giống như không gian của những vì sao. Mỗi vì sao xuất hiện là một câu chuyện về cách người Hawaii phán đoán về thời tiết và hướng đi. Du khách sẽ có cảm tưởng như mình đang ngồi giữa vòm trời buổi tối và nhìn những vì sao di chuyển cùng với đó là những truyền thuyết, kinh nghiệm, văn hóa ứng xử với môi trường… của người Hawaii.

trai nghiem van hoa ban dia
Khu du lịch sinh thái Sen Charaih

Xin chia sẻ tiếp về Hawaii, ở đây có khu du lịch Polynesian Cultural Center để giới thiệu cho du khách hiểu rõ về văn hóa của người bản địa. Du khách sẽ có dịp gặp trực tiếp những người bản địa làm việc trong khu du lịch này, họ chính là những người giới thiệu về văn hóa dân tộc họ. Họ cũng chính là người kể chuyện và thực hành những tri thức đó. Khách sẽ cảm giác như đang ở trong chính ngôi làng của người bản địa Hawaii.

PV: Ngành nhân học đã giúp ích anh như thế nào khi thực hiện Dự án Sen Charaih?

Anh Quảng Đại Tuyên: Tính đến thời điểm này tôi đã có 15 năm gắn bó với ngành nhân học kể từ thời sinh viên. Hiện tại tôi đang làm nghiên cứu sinh và nghiên cứu chuyên về di sản và du lịch. Những trải nghiệm thực tế cũng như am hiểu về mảng này giúp tôi tự tin để mở ra mô hình Sen Charaih. Nhân học giúp tôi gần gũi hơn về con người và môi trường thiên nhiên mình đang sống. Đặc biệt, nhân học giúp tôi hiểu thêm về xu hướng du lịch hiện nay và giúp tôi tự tin khi xây dựng mô hình du lịch văn hóa sinh thái ngay trên quê hương. Câu chuyện cùng ăn, ở và sinh hoạt với cộng đồng chắc rất quen thuộc với sinh viên nhân học, nhưng vẫn còn lạ lẫm với du khách nói chung, nhưng đây là một xu hướng mới trong phát triển du lịch hiện nay khi mà du khách muốn có những trải nghiệm gần gũi nhất với cộng đồng người bản địa.

trai nghiem van hoa ban dia

PV: Cư dân địa phương có vai trò như thế nào trong việc phát triển Khu du lịch sinh thái Sen Charaih?

Anh Quảng Đại Tuyên: Trong thời gian gần đây, Sen Charaih đã tạo một luồng sinh khí mới về du lịch cộng đồng của tỉnh Ninh Thuận. Mọi người dường như quen dần với khách du lịch ra vào trong làng. Mục tiêu của tôi là phát triển du lịch bền vững, nghĩa là bền vững về môi trường tự nhiên, văn hóa và cộng đồng. Sen Charaih hiện tạo nhiều việc làm cho cư dân địa phương trực tiếp phục vụ trong khu du lịch. Bên cạnh đó, với việc đưa chương trình trình diễn nghệ thuật vào khu du lịch trong thời gian tới sẽ giúp những nghệ nhân về nhạc cụ, múa Chăm có thêm thu nhập khi trình diễn cho du khách, đồng thời là động lực trong việc bảo tồn và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ trong tương lai.

Hiện các hộ gia đình xung quanh cũng đã bắt đầu chuyển đổi mô hình từ lúa sang sen để làm du lịch. Có thể khẳng định rằng, đó là sự hình thành một mô hình du lịch cộng đồng với lợi ích tương hỗ khi các điểm đến đều tăng thêm lượng khách du lịch.

Với việc quảng bá rất rộng rãi trên mạng xã hội, Sen Charaih đang kích thích một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến thăm hai làng nghề truyền thống và các điểm du lịch sinh thái sen tại đây. Đó là việc mà các điểm du lịch sinh thái sen mới này được hưởng lợi từ việc chú trọng vào truyền thông của Sen Charaih.

PV: Tại sao Sen Charaih áp dụng hạn ngạch đối với khách du lịch?

Anh Quảng Đại Tuyên: Khi mới lên dự án, tôi luôn ưu tiên hàng đầu cho du lịch bền vững ở cộng đồng Chăm, đặc biệt là du lịch có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là việc khách du lịch tôn trọng nền văn hóa bản địa, sử dụng các dịch vụ của cộng đồng và ý thức bảo vệ môi trường để giúp người Chăm có thu nhập từ du lịch và cũng giữ được vệ sinh môi trường trong ngôi làng của mình.

Chính vì thế, chúng tôi có một “yêu cầu” nhất định với du khách và các công ty tổ chức tour phải có những quy định đó, vì nhiều trường hợp du khách không quan tâm điểm đến, coi điểm đến chỉ là trạm dừng chân để đi vệ sinh hay ghé xem chơi trong vài phút. Chưa kể có du khách thiếu tôn trọng người đang hoạt động du lịch ở đây, xem họ như là người phục vụ.

Điều tôi mong muốn là du khách đến vùng đất Ninh Thuận nói chung và chương trình tour của Sen Charaih nói riêng sẽ tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng, ý thức bảo vệ môi trường, tăng cường lao động, giúp phát triển kinh tế cộng đồng, cũng như mang đến cho du khách trải nghiệm cao hơn với cộng đồng Chăm để có sự tôn trọng lẫn nhau.

PV: Xin cảm ơn anh!

Du lịch có trách nhiệm đang là xu hướng mới ở trên thế giới và Việt Nam. Một bộ phận khách du lịch ngày nay cũng có những nhu cầu trải nghiệm sâu hơn văn hóa của các dân tộc thiểu số, có tinh thần và ý thức trách nhiệm với con người ở điểm đến mà họ ghé thăm. Những hoạt động như vậy sẽ làm thay đổi dần ý thức của nhiều người về du lịch có trách nhiệm chứ không chỉ riêng loại hình du lịch hưởng thụ. Sen Charaih sẽ hướng đến mục đích cao cả đó, dù mức độ phát triển không quá nhanh nhưng sẽ bảo đảm được tính bền vững cho văn hóa của Sen Charaih và cho cộng đồng người Chăm làm du lịch nơi đây

Ở Queensland và Hawaii, việc vào ngôi làng của người dân luôn được kiểm soát bởi Luật Bản địa của quốc gia để hạn chế việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ. Vì thế, để vào một ngôi làng của người Hawaii hay tộc người bản địa ở Queensland, du khách phải quen những người trong đó và được họ dẫn vào nhưng với tư cách là một người bạn ghé thăm chứ không phải là khách du lịch. Điều này có nghĩa là văn hóa bản địa luôn được bảo tồn và môi trường sống của người dân luôn được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh tác động không tốt từ bên ngoài vào cuộc sống đời thường của cộng đồng người bản địa.

Nhiều năm qua Ninh Thuận đặc biệt chú trọng bảo tồn văn hóa Chăm ở 2 hình thái là vật thể và phi vật thể. Ninh Thuận hiện có quần thể kiến trúc mang nét riêng độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XIII-XIV, trong đó có 3 cụm tháp nổi tiếng là Tháp Pôklong Garai, Po Rome và Hòa Lai, hầu như còn nguyên vẹn. Các cụm tháp này đều đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia và được trùng tu, tôn tạo từ năm 1990-1991. Sau khi trùng tu, những nơi này trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận vẫn đang tiếp tục trùng tu nhiều tượng đài, tháp cổ, nhà truyền thống bốn mái hoàn toàn bằng đất; xây dựng thêm các địa điểm hành lễ dưới chân tháp nhằm phát triển ngành du lịch tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với các tỉnh, thành phố ở miền Trung có di sản văn hóa Chăm như Bình Định, Nha Trang... xây dựng các chương trình du lịch về thăm làng Chăm, tham gia các lễ hội theo mùa; kết hợp du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác nhằm đưa du lịch văn hóa Chăm trở thành mắt xích quan trọng trong các sản phẩm du lịch ở Ninh Thuận.

Thiên Thanh