Trách nhiệm... vô hạn (?)

06:50 | 11/03/2013

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cung cách làm ăn gian dối, lừa đảo của một số doanh nghiệp đã làm hại nông dân, đưa bà con vào cảnh khốn cùng. Việc làm bất nhân của họ vi phạm đạo đức con người, vi phạm pháp luật.

Từ ngày đất nước đổi mới, kinh tế thị trường phát triển, theo đó là hàng loạt công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho một lực lượng lớn lao động của xã hội có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong số đó có những công ty làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nặng nề mà người dân lại là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Bằng nhiều thủ đoạn làm ăn phi pháp và lừa đảo, các công ty này liên kết với các công ty Nhà nước rồi giả danh, đội lốt bằng những nhãn mác chính hiệu để tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng. Họ đã được gán cho danh hiệu “công ty trách nhiệm vô hạn”.

Một lần tôi về làm việc ở tỉnh lúa Đồng bằng sông Hồng, gặp một nông dân, ông bức xúc nói: “Gia đình tôi vụ này cấy 7 sào ruộng. Lúa bị sâu bệnh, tôi phun thuốc mấy lần mà sâu thì không chết, lúa chết sạch”. Rồi ông dẫn tôi ra đồng. Quả thật, cả 7 sào ruộng lúa chết khô. Ông nhăn nhó nói: “Thế là vụ này cả nhà tôi đói rồi”. Hỏi nguyên nhân lúa chết, ông bảo, do phun phải thuốc trừ sâu rởm. Cán bộ khuyến nông khuyến cáo bà con nông dân phải mua thuốc của các công ty bảo vệ thực vật. Ai ngờ rằng, thuốc của các công ty ấy cũng bị làm giả. Bà con kéo đến kiện thì các cửa hàng bán thuốc không chịu trách nhiệm vì không có chứng cứ gì bắt bẻ được họ. Thuốc phun xong, bao bì chai lọ đã bị vứt bỏ lâu rồi.

Tiếp đó, công an tỉnh bắt quả tang 2 vụ sản xuất phân lân giả. Lợi dụng thời kỳ bón phân lân cho cây trồng để tăng năng suất củ quả, những kẻ hám lợi đã mua phân lân chính hiệu của nhà máy trộn lẫn với bột đá để bán cho bà con nông dân. Bột đá được xay từ đá vôi, có trọng lượng lớn. Bón loại phân lân có bột đá này, nông dân bị hai lần thiệt thòi: Giá thành đắt hơn, ruộng đồng sẽ bị vôi hóa, đất đai khô cằn mà năng suất cây trồng giảm sút.

Một công ty khác chuyên thu mua ớt về xay thành ớt bột rồi đóng gói, xuất khẩu sang châu Âu theo một hợp đồng lớn, dài hạn. Được vài vụ làm ăn nghiêm chỉnh, lấy lòng khách hàng, một số nhân viên của công ty đã nghĩ ra cách làm bậy để thu lời cao hơn. Họ lấy gạch non xay nhỏ thành bột có màu giống ớt rồi trộn lẫn với ớt bột. Những lô hàng này sang tới châu Âu đã bị bạn hàng phát hiện, tố giác. Kẻ làm ăn gian dối đã cao chạy xa bay, trốn tránh pháp luật. Hợp đồng kinh tế bị cắt bỏ. Sản lượng lớn ớt của nông dân thu hoạch không biết tiêu thụ đi đâu. Bà con lại là người chịu thiệt. Trò gian lận tương tự này cũng từng diễn ra với vùng trồng nhãn lồng mấy năm trước khi kẻ buôn long nhãn xuất khẩu trộn bột đá vào long nhãn, bị bạn hàng phát hiện và trừng phạt đích đáng.

Thông thường, nông dân là người sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp, nguồn thu chính để duy trì cuộc sống sinh hoạt tối thiểu của mình. Một nắng hai sương trên đồng ruộng, bao nỗi vất vả chất chồng, hết thiên tai lại dịch bệnh hoành hành. Thiếu thông tin, thiếu khoa học kỹ thuật, bà con trông chờ vào cán bộ, kỹ sư nông nghiệp tư vấn để nuôi trồng; nhờ sự hướng dẫn của các nhà doanh nghiệp để chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nếu quy trình ấy diễn ra trôi chảy, thuận lợi thì cả hai bên cùng có lợi. Thậm chí có lúc thiếu vốn, doanh nghiệp có thể đầu tư bằng cách cho nông dân vay vốn, sau đó khấu trừ thông qua thu mua sản phẩm của bà con. Hiệu quả kinh tế cuối cùng bao giờ doanh nghiệp cũng được nhiều hơn mất vì họ “nắm đằng chuôi”. Vậy mà thực tế, cung cách làm ăn gian dối, lừa đảo của một số doanh nghiệp đã làm hại nông dân, đưa bà con vào cảnh khốn cùng. Việc làm bất nhân của họ vi phạm đạo đức con người, vi phạm pháp luật.

Trong sản xuất kinh doanh, người ta đặt chữ tín lên hàng đầu. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Vậy mà lợi dụng chữ tín của bạn hàng để trục lợi, họ không chỉ gây ra hậu quả về kinh tế mà còn gây hậu họa cho sức khỏe và tính mạng con người - những người tiêu dùng sử dụng phải sản phẩm rởm.

Trong lĩnh vực xây dựng cũng không hiếm những vụ làm ăn gian dối làm xôn xao dư luận. Cầu Nhật Tân là cầu dây văng lớn nhất nước ta đang xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Các nhà chức trách vừa bắt được mấy kỹ sư tham gia xây dựng công trình này lấy cắp cọc bê tông móng đi bán, chia nhau tiền. Từ mấy năm trước, chuyện rút ruột công trình xây dựng nhà cao tầng, đường giao thông, cầu cống đã từng xôn xao dư luận. Cọc bê tông làm rào phân cách trên quốc lộ được thiết kế là bê tông cốt thép nhưng đã bị biến hóa thành bê tông cốt tre. Cọc móng xây nhà cao tầng bị giảm bớt số lượng cốt sắt, giảm bớt số lượng cọc cần phải đóng. Như vậy, chất lượng công trình đã mất độ an toàn và bền vững.

Gian, tham và vô trách nhiệm như vậy, đúng là lũ mọt dân, hại nước, cần phải lên án và có sự trừng trị thích đáng của pháp luật!

Bùi Đức