Vô trách nhiệm và vô lương tâm

21:12 | 15/09/2013

1,033 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì quá vô cảm, vô trách nhiệm nên các quan ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa mới có thể thờ ơ với lời kêu cứu của người dân trước một tội ác kinh hoàng: chôn hàng tấn thuốc trừ sâu xuống lòng đất!

Tuần qua, người dân Thanh Hóa nói riêng và dư luận cả nước nói chung không khỏi bàng hoàng về tội ác với con người mà nguyên nhân của nó cũng là vì đồng tiền! Đó là chuyện Công ty CP Nicotex Thanh Thái, đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã chôn thuốc trừ sâu và các chế phẩm hóa học độc hại xuống đất. Báo chí cho biết, công ty này đã chôn khoảng 5 tấn thuốc xuống nhiều địa điểm, kéo dài cả chục năm nay. Trong đó có những điểm chôn đã lộ thiên, thùng thuốc đã mục ruỗng và thuốc độc đã hòa vào dòng nước sinh hoạt của người dân.

Người ta phẫn nộ bởi thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người từ hàng tấn thuốc trừ sâu này là quá khủng khiếp, nó được ví là đáng sợ hơn gấp nhiều lần so với chuyện Vedan từng “đầu độc” sông Thị Vải.

Người dân phát hiện ra nhiều địa điểm Công ty Nicotex đã chôn thuốc trừ sâu

“Đầu độc” con người, dù gián tiếp hay trực tiếp đó cũng là một tội ác khôn cùng. Chắc chắn những ông chủ Công ty Thanh Thái phải là những người biết rất rõ sự độc hại của những tấn thuốc trừ sâu đó với môi trường sống và con người như thế nào nếu chôn xuống lòng đất. Các nhà chuyên môn cho biết, việc rò rỉ của những lọ thuốc này sẽ làm nhiễm độc nguồn nước ngầm rồi lan vào nguồn nước sinh hoạt của người dân; người nhiễm độc thuốc sâu sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng và kéo dài nhiều thế hệ.

Nhưng thật ghê rợn khi họ biết thế nhưng vẫn nhẫn tâm để làm. Tất cả cũng chỉ vì đồng tiền. Vì đồng tiền mà công ty này thay vì phải xử lý tiêu hủy những tấn thuốc sâu hết hạn sử dụng theo đúng quy định về xử lý chất thải độc hại của Luật Bảo vệ môi trường thì họ lại chôn nó xuống đất để “tiết kiệm” được một khoảng chi phí lớn. Có thể khẳng định họ đã coi đồng tiền lớn hơn sinh mạng con người.

Hiện tại, chưa có kết luận về rất nhiều cái chết bất thường của người dân vì bệnh ung thư, hay những người đang bị bệnh hiểm nghèo khác ở địa phương quanh “hố tử thần” này. Nhưng tránh sao chuyện có liên quan đến những dòng thuốc độc này đang len lỏi trong lòng đất, trong dòng nước những năm qua!

Đồng tiền dễ tạo ra lòng tham và tội ác của con người, đó là chuyện xảy ra ở bất cứ xã hội nào. Nhưng khi các ông chủ doanh nghiệp lại tận dụng những cơ hội cho lợi ích của mình mà không quan tâm đến thiệt hại cho con người, cho cộng đồng mình đang sống thì đó không phải là một tội ác mà là một tội ác tột cùng, là biểu hiện của một mối nguy hại lớn của xã hội!

Song, để lòng tham và tội ác ấy diễn ra lâu dài cả chục năm nay thì đó còn là một mối nguy hại đáng báo động về tình trạng các thiết chế bảo vệ môi trường, các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống giám sát các hoạt động đã không hiệu quả. Hay nói chính xác nhất đó là sự vô cảm của quan chức địa phương.

Rõ ràng, tội ác “đầu độc” con người của Công ty Thanh Thái là chuyện “ngủ quên”, chuyện làm ngơ hay sự tắc trách của những ông quan địa phương sau cả chục năm người dân kêu cứu! Nhiều năm qua, đã có rất nhiều những cuộc kiểm tra diễn ra nhưng đoàn chỉ quanh quẩn bên ngoài nhà máy mà không quan tâm sâu sát đến những lời tố cáo của người dân. Hay chính họ đã có những cái bắt tay trong “bóng tối” với công ty này để cho qua sự việc?

Mới đây, một lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa trả lời phỏng vấn báo chí một cách hết sức vô cảm rằng: Sở đã nhiều lần kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn công ty giấu giếm thì phải nhờ sự phát hiện của công nhân, người dân… Nhưng sau hơn chục năm, người dân đã phát hiện, đã tố cáo rồi đến cả kêu cứu nhưng các ông vẫn không hề hay biết là vì đâu?!

Chính ông Chánh Văn phòng UBND huyện Cẩm Thủy cũng đã tự vạch ra sự tắc trách của cơ quan chức năng rằng sự việc đã làm người dân bức xúc lâu nay, nhưng các cơ quan có chuyên môn đều báo cáo là môi trường tốt!

Hiện tại, người dân địa phương đã mất hết niềm tin vào lực lượng công vụ là bảo vệ sự an toàn, đảm bảo sự công bằng, minh bạch bằng công cụ pháp lý. Họ buộc tự phòng vệ, tự cứu mình bằng cách tự lấy mẫu đi giám định để có kết quả đối chứng với kết quả của cơ quan chức năng. Đó cũng là một dấu hiệu bất ổn của xã hội, là hệ quả của sự vô cảm và thiếu trách nhiệm của những ông quan vốn là công bộc của dân.

Hàng chục người đã chết vì ung thư và rất nhiều người đang mắc những căn bệnh quái ác không biết do đâu? Đó không chỉ là câu hỏi dành cho những lãnh đạo của công ty này mà còn là câu hỏi dành các quan chức địa phương, khi mà họ đã bỏ ngoài tai một tội ác kinh hoàng như thế.

Lê Trúc