TP HCM: Hỗ trợ giáo dục mầm non

06:47 | 26/06/2014

1,672 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bạo hành trẻ em ở các điểm giữ trẻ hoạt động không phép vẫn thường xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng chú ý, đây hầu hết là con em công nhân, người lao động nghèo không có đủ điều kiện để vào học ở các cơ sở mầm non đảm bảo chất lượng bởi nhiều rào cản. Chính vì vậy vừa qua, khi HĐND TP HCM thông qua đề án “Hỗ trợ giáo dục mầm non”, trong đó đặc biệt quan tâm đến con em công nhân lao động nghèo đã nhận được đồng thuận và sự đánh giá cao của người dân.

Năng lượng Mới số 333

Con công nhân thiệt thòi

Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có 15 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) tập trung gần 300.000 công nhân lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 70%, chủ yếu trong độ tuổi nuôi con nhỏ nên rất cần nơi gửi trẻ để yên tâm làm việc. Tuy nhiên, hiện nay thành phố chỉ có 1 trường mầm non cho con công nhân ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, phần đông công nhân là người nhập cư không có hộ khẩu TP HCM nên con họ khó được nhận vào các trường mầm non công lập trên địa bàn. Và do thu nhập thấp, công nhân không có khả năng gửi con vào các trường mầm non tư thục… buộc họ phải gửi con ở những nhóm trẻ gia đình hoạt động không phép, giá rẻ nằm trong các khu dân cư, mặc dù biết chất lượng không đảm bảo và đã xảy ra nhiều vụ việc người giữ trẻ có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em.

Toàn TP HCM hiện có 907 trường mầm non trong đó có 419 trường công lập và 488 trường ngoài công lập. Ngoài ra, còn có hơn 1.400 nhóm lớp ngoài công lập. Tổng số học sinh mầm non là 336.000 em. Số trường mầm non hiện không đáp ứng được nhu cầu trẻ đi học, trong đó trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 48% nhu cầu. Do đó, các trường công lập, chất lượng tốt, giá rẻ thường chỉ ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu tại TP HCM, con công nhân nhập cư khó có thể với tới. Đó là lý do, thành phố hiện vẫn còn tồn tại khoảng 520 nhóm trẻ hoạt động không phép, nhận giữ hơn 10.000 trẻ, phần lớn là con em công nhân, người lao động nghèo hoặc trẻ từ 6-18 tháng tuổi, chưa đến tuổi được nhận vào các trường mầm non.

Trẻ mầm non bị bạo hành ở một trường tư thục không phép

Việc các trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi và rất ít trường tư thục nhận giữ trẻ ở lứa tuổi này hoặc nhận giữ với giá rất cao cũng gây nhiều khó khăn cho người lao động. Bởi sau 6 tháng người mẹ đi làm trở lại thì rất nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc tìm nơi trông trẻ. Khó khăn hơn là công nhân sống xa nhà, thường không có người thân, ông bà để gửi trẻ. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho thấy, số lượng trẻ ở độ tuổi 6-18 tháng tuổi trên địa bàn TP HCM hiện khoảng 100.000 trẻ, trong đó phần lớn phải gửi ở các nhóm trẻ gia đình là con số rất đáng lo ngại.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, nhiều năm qua, thành phố luôn quan tâm, chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Công tác này cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do dân số cơ học của thành phố tăng nhanh, lượng dân nhập cư vào TP HCM ngày càng nhiều nên trường mầm non không đáp ứng được yêu cầu, thiếu trầm trọng trường mầm non cho con công nhân ở KCX - KCN. Bên cạnh đó, hiện thành phố chỉ có 18 trường mầm non tư thục và 39 nhóm trẻ gia đình nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, trong khi nhu cầu giữ trẻ ở nhóm tuổi này rất lớn nên cần có những chính sách quan tâm đến trẻ ở lứa tuổi này.

Đề án nhân văn

Để giải quyết những hạn chế trong giáo dục mầm non, UBND TP HCM đã thành lập đề án “Hỗ trợ giáo dục mầm non TP HCM” . Đề án vừa được HĐND TP HCM thông qua ngày 14-6 vừa qua, trong đó có việc tăng số cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn; tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi, ưu tiên cho con công nhân, hộ nghèo; tập trung vốn đầu tư xây dựng mới các trường mầm non công lập ở các KCX - KCN.

Theo đó, TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng thêm 3 trường mầm non tại: KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và khu Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi. Việc thí điểm thực hiện nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở các trường mầm non công lập sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2014-2015 tại 8 quận/huyện tập trung nhiều công nhân lao động và các KCX - KCN gồm: quận 5, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú,  Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Năm 2015-2016 sẽ thêm 4 quận: 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Đến năm 2016 mở rộng ra tất cả 24 quận huyện trên địa bàn.

Cùng với đề án này, TP HCM cũng tập trung giải quyết nguồn nhân lực để phục vụ đề án bởi hiện nay chương trình đào tạo của các trường sư phạm chưa chú trọng dạy giáo viên mầm non các kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi, đồng thời các trường mầm non cũng hạn chế nhận trẻ ở độ tuổi này nên sinh viên không có chỗ kiến tập, thực tập. Chính vì thế, giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Trước mắt, TP HCM sẽ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, đồng thời có chính sách ưu đãi cho cán bộ, giáo viên chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này để thu hút nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đạo tạo giáo viên chuyên biệt cho lứa tuổi này tại Trường đại học Sài Gòn.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhận định: Việc nhận trẻ 6 tháng tuổi vào các trường công lập nhằm phục vụ nhu cầu gởi con của công nhân lao động, công chức, viên chức không có điều kiện, hoặc không tìm được người giữ trẻ tại nhà là một chủ trương hết sức nhân văn của TP HCM. Ngành giáo dục thành phố sẽ làm hết sức để phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt đề án này. Bên cạnh đó, ngành giáo dục chủ trương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các gia đình nếu có điều kiện nên để trẻ nhỏ được chăm sóc tại nhà, bởi trẻ nhỏ được nuôi dưỡng trong vòng tay ông bà, người thân sẽ hình thành nhân cách tốt hơn.

Hai bảo mẫu trường mầm non tư thục Phương Anh (TP HCM) được đưa ra xét xử

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: “TP HCM không có tham vọng có thể đảm bảo lớp học cho tất cả các trẻ từ 6-18 tháng tuổi mà chủ yếu giải quyết nhu cầu giữ trẻ cho những gia đình không có điều kiện, buộc phải gửi con nhỏ và trên hết là để đảm bảo quyền lợi cho các em. Bởi những gia đình công nhân nghèo không có khả năng đưa trẻ đến những nhà trẻ tư thục nếu không có sự hỗ trợ thì các cháu không biết sẽ về đâu”.

Bậc học mầm non là bậc học hết sức quan trọng, là nền móng hình thành thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ của trẻ em. Con em công nhân nhập cư hiện phải chịu nhiều thiệt thòi khi không được nuôi dạy trong môi trường giáo dục tốt. Điều đó, không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của các em mà còn khiến cho những công nhân có con nhỏ không thể yên tâm lao động sản xuất. Hy vọng, những giải pháp tích cực sắp tới của TP HCM về giải quyết nhu cầu trường mầm non cho con công nhân sẽ nhanh chóng được đưa vào thực tiễn, đảm bảo quyền lợi cho con em công nhân, con em những người lao động đang gắn bó, đóng góp công sức cho sự phát triển của thành phố.

Mai Phương