Bạo hành trẻ mầm non: Còn lo lắng đến bao giờ?

07:00 | 01/04/2017

1,128 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin cô Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) dốc ngược đầu trẻ xuống máy vặt lông gà dọa để cháu nín khóc còn chưa khiến dư luận hết bàng hoàng thì việc cô giáo Trường Mầm non Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) phạt trẻ, nhốt trong nhà vệ sinh rồi… bỏ quên lại một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ về nạn bạo hành trẻ em đang diễn biến phức tạp.

Quá nhức nhối

Sự việc xảy ra ngày 21-3 vừa qua, cô giáo mầm non tên Hương đã nhốt cháu Mai Thị Yến trong nhà vệ sinh để phạt, nhưng sau đó bỏ quên luôn cháu Yến gây bức xúc trong dư luận. Theo chị Nguyễn Thị Thùy Dương, mẹ cháu Yến, nguyên nhân sự việc là do cháu cùng một bạn trong lớp đùa nhau. Cháu kia xô bé Yến nên bé cũng quay lại đẩy bạn. Đúng lúc đó, cô Vương Thị Hương - cô giáo trực tiếp dạy cháu Yến nhìn thấy nên đã phạt cháu vào đứng trong nhà vệ sinh. Đến khi tan học, bà nội của bé đến đón nhưng không thấy cháu đâu đã vội vã về nhà xem có ai đón cháu chưa nhưng chưa ai đón.

bao hanh tre mam non con lo lang den bao gio
Ông Nguyễn Trọng An

Không thấy cháu Yến đâu, gia đình đã huy động mọi người tìm nhưng không được. Mãi đến 20 giờ, gia đình đã phải nhờ UBND xã Hương Sơn thông báo trên loa phát thanh về sự việc cháu bị mất tích. Lúc sau, có người dân trong làng đi qua trường, nghe thấy tiếng gào khóc của cháu trong trường đã trèo qua tường vào thì thấy cháu Yến đang khóc gọi bà trong nhà vệ sinh. Sau đó, người này đã gọi gia đình chị Dương đến đón cháu về nhà.

Theo bản tường trình ngày 28-3 của Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hương Sơn, cô giáo Hương chỉ phạt cháu Yến đứng góc lớp, rồi khi tan học thì cháu chạy ra ngoài chơi nên cô giáo không để ý. Sự thật thế nào đang được cơ quan chức năng làm rõ. Nhưng rõ ràng, sự việc cháu Yến bị cô giáo bỏ quên trong nhà vệ sinh hay chỉ bị phạt đứng góc lớp nhưng việc cháu trốn ra ngoài cô không biết cũng thể hiện sự tắc trách của giáo viên.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên giáo viên mầm non bị đình chỉ vì tắc trách trong giảng dạy, hành xử không đúng mực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất cũng như tinh thần học sinh. Ngay trong những tháng đầu năm 2017, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra. Ngày 6-2-2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng đình chỉ việc đứng lớp của hai cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng và giải thể trường này, cũng bởi hai cô giáo của trường này đã cầm dép đập thẳng vào đầu, vào mặt… thậm chí là lên gối thúc vào bụng trẻ.

Những hành động “côn đồ” này thật không thể chấp nhận, nhất lại ở môi trường giáo dục. Chưa kể, hình ảnh những đứa trẻ bị dọa thả vào thùng nước, bị lăn tuột trên sàn nhà tắm, bị nhồi thức ăn vào miệng như nhồi gia cầm... của cô giáo mầm non đối với trẻ đã khiến dư luận sục sôi. Dù các cô giáo đã bị đình chỉ giảng dạy, có cô cũng đã phải ngồi tù cho hành vi của mình, thế nhưng vẫn liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát giác. Điều này đang khiến các bậc phụ huynh rất bất an cho số phận của con cái mình.

Chung sống với bất an

Sự việc như trên có thể chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Vậy thực tế còn bao nhiêu sự việc không được biết đến? Xã hội cũng nhiều lần lên tiếng, thế nhưng sự việc vẫn xảy ra, mức độ ngày càng trở nên trầm trọng. Và câu chuyện về trình độ của giáo viên mầm non cũng không còn là mới, nhưng dường như vẫn chưa có cách nào để cải thiện. Không thể phủ nhận nhu cầu trường mầm non đang rất lớn. Vì thế, nên việc mở trường mầm non tư thục ồ ạt, chạy theo lợi nhuận kéo theo việc tuyển chọn giáo viên không kỹ, thậm chí tuyển người không đủ chuyên môn vào dạy trẻ là có.

Điều lệ trường mầm non quy định: Các trường mầm non công lập có thể nhận trẻ từ 3 tháng tới 6 tuổi, trong trường hợp các bé không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm. Thế nhưng, rất nhiều trường mầm non công lập nói không với việc tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Ngay cả ở các thành phố trung tâm, các trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, trình độ để chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi.

bao hanh tre mam non con lo lang den bao gio
Hình ảnh trẻ bị cô giáo dốc ngược vào máy vặt lông gà được chính phụ huynh ghi lại tại Trường Mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai)

Đây được xem là một phần nguyên nhân để các cơ sở chăm nuôi trẻ nhỏ không có giấy phép, không đủ điều kiện chất lượng ra đời. Các trường này đa phần chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến chất lượng giáo dục sư phạm, dẫn tới việc liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhưng một vấn đề chính yếu vẫn là đạo đức nghề nghiệp của các cô giáo mầm non. Vẫn biết công việc của một cô giáo mầm non gặp nhiều áp lực, nhưng không lẽ vì những áp lực ấy mà các cô giáo lại được phép dùng bạo lực để hành xử với trẻ. Điều này đã được ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng khẳng định: “Những vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian vừa qua khiến ai cũng phải rùng mình vì mức độ tàn ác của những cô giáo mầm non. Thật khó có thể chấp nhận rằng đó là hành vi của những cô giáo”.

Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, ông An nói: “Hệ thống giám sát của chúng ta còn kém. Những hành vi bạo lực trẻ vừa qua chủ yếu là do báo chí phát hiện đưa lên thì mọi người mới biết, mà như thế thì sự việc đã muộn”.

Theo ông An, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hành động bạo hành tương tự để chấm dứt bạo lực học đường. Việc đầu tiên là thắt chặt các quy chế mở trường mầm non tư thục. Hiện nay, có vẻ như những quy chế của chúng ta còn quá lỏng lẻo nên việc nhiều trường mầm non tư mọc lên dễ dàng? Đặc biệt, khi đã cấp phép cho các trường thì các cơ quan lại phải tăng cường công tác giám sát sau cấp phép để kịp thời phát hiện sai phạm.

Thứ hai là cần tạo môi trường sư phạm tốt cho giáo viên. Nghĩa là giáo viên mầm non phải được đào tạo chính quy chứ không phải làm ngang, làm tắt. Ngành giáo dục cần thường xuyên nâng cao kỹ năng, sàng lọc kỹ những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực. Đã là giáo viên cần phải hiểu rõ chuẩn mực, nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non và chắc chắn phải có lương tâm nghề nghiệp.

Trước tình trạng như hiện nay, ông An khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Cần tỉnh táo chọn cho con một ngôi trường có đầy đủ các điều kiện vật chất, chương trình học và giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn. Trước khi gửi con cần tìm hiểu kỹ về ngôi trường, tiếp xúc với các thầy, cô giáo trong trường, nhất là những người trực tiếp trông con mình để có cách nhìn nhận sát thực nhất, phải thực sự yên tâm thì phụ huynh mới nên gửi con vào trường. Trong quá trình con đi học, phụ huynh cũng cần phải quan tâm sát sao tới con, thường xuyên nói chuyện với con, trao đổi thông tin với cô giáo, để nắm được tình hình của con. Nắm bắt rõ tâm lý tình cảm của con, chú ý cơ thể con để có thể phát hiện kịp thời những thay đổi, xử lý cho phù hợp…”.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc