Người dưng còn yêu thương, máu mủ ruột rà sao nỡ hại nhau?

08:30 | 27/01/2022

193 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng loạt vụ bạo hành gia đình xảy ra, hành động ấm áp giữa những người xa lạ khiến ta thêm tin rằng, yêu thương sẽ xua đi giá lạnh, cả trong tâm hồn...
Người dưng còn yêu thương, máu mủ ruột rà sao nỡ hại nhau? - 1
Người đàn ông dũng cảm lao vào đám cháy để cứu bé gái mắc kẹt (ảnh cắt từ clip).

Trong những ngày qua, một đoạn clip ghi lại hành động đẹp của một cô gái ở TP HCM được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Trong clip, cô gái tên Trần Bích cầm chiếc chăn mỏng tiến đến đắp cho một người vô gia cư đang co ro dưới tấm ni lông mỏng giữa đêm. Cô gái này đã có gần 10 năm làm thiện nguyện bằng chính một phần thu nhập của mình và vận động thêm nguồn hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với người vô gia cư và những phận đời khốn khó.

Hành động của Trần Bích không chỉ sưởi ấm người vô gia cư nọ mà khiến những người chứng kiến hành động đẹp này trực tiếp hay gián tiếp đều thấy ấm lòng, bởi tình yêu thương và sẻ chia vẫn luôn đầy ắp trong lòng mỗi người và trong xã hội.

Không chỉ có Trần Bích và những người bạn của cô mà trong thời gian qua, nhiều cá nhân và nhóm thiện nguyện đã và đang bằng nhiều cách hỗ trợ, giúp đỡ, san sẻ yêu thương tới những mảnh đời khó khăn, bệnh tật dù rằng họ không phải máu mủ ruột rà. Một chiếc bánh mỳ nóng hổi, một suất cơm, một manh áo hay một tấm chăn… không chỉ giúp người nghèo khó, cơ nhỡ ấm lòng, mà họ được cảm nhận nhiều hơn sự yêu thương, chia sẻ, để biết rằng mình không hề đơn độc trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn trước mặt.

Thật cảm động khi gần 20 năm qua, Quỹ Tấm lòng Nhân ái của báo Dân trí chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Hàng chục cây cầu, điểm trường đã được xây dựng cùng với hàng ngàn những hoàn cảnh khó khăn được bạn đọc sẻ chia, giúp đỡ…

Không chỉ hỗ trợ bằng vật chất, chúng ta hẳn không quên anh thợ sửa điều hòa Trung Văn Nam sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống để cứu một bé gái mắc kẹt trong đám cháy. Hay người tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh, bằng sự nỗ lực một cách thần kỳ đã hứng đỡ một đứa trẻ đang rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống… Điều gì khiến họ trở nên phi thường như thế? Tôi nghĩ rằng, đó là tình yêu đồng loại, yêu thương con người…

Tình yêu thương luôn tạo ra sức mạnh thần kỳ!.

Người dưng nước lã yêu nhau đến như vậy, sao máu mủ ruột rà lại có thể đối xử tàn nhẫn, thậm chí là tàn độc với nhau?

Những ngày qua, dư luận hết sức phẫn nộ bởi hàng loạt vụ bạo hành gia đình. Vụ việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị mẹ kế tương lai đánh dẫn đến tử vong chưa kịp lắng xuống thì người dân cả nước đau đớn, căm phẫn khi cô bé 3 tuổi ở Hà Nội bị bạn trai của mẹ "đóng" 9 chiếc đinh vào đầu.

Cái ác chưa dừng lại ở đó. Một người cha ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị chính cô con gái ruột đầu độc bằng chất kịch độc xyanua rồi xây mộ giấu xác trước khi phóng hỏa đốt nhà. Những cái chết tức tưởi và đau đớn bằng cách mà con người văn minh khó có thể tưởng tượng ra.

Nạn nhân trong những vụ bạo hành kể trên là những đứa trẻ non nớt hay những người già cả, yếu thế, không có khả năng chống đỡ. Phẫn nộ hơn, người gây bạo hành là người thân, người quen, thậm chí là bố, là mẹ và cả chính đứa con mà nạn nhân đã đứt ruột đẻ ra, nuôi khôn lớn.

Tất nhiên, những kẻ gieo rắc tội ác sẽ bị xử lý bằng cả bản án của pháp luật và bản án của lương tâm. Nhưng đó không còn là câu chuyện của một cá nhân hay một gia đình cụ thể nào nữa, mà đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Các chuyên gia tâm lý đã cố gắng tìm nguyên nhân để "giải mã" các vụ bạo hành. Đạo đức suy đồi, giá trị văn hóa cốt lõi bị lãng quên... là những nguyên nhân được nghĩ đến. Nhưng một điểm chung dễ nhận thấy trong những vụ việc đau lòng kể trên là sự thiếu vắng tình yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu lẫn nhau - cốt lõi tạo nên một mái ấm đúng nghĩa.

John Robert Wooden - một vận động viên, huấn luyện viên môn bóng rổ người Mỹ nổi tiếng với những thông điệp ngắn gọn và đơn giản truyền động lực đã từng nói: "Điều quan trọng nhất trên thế gian là gia đình và tình yêu thương". Và khi yêu thương vắng bóng trong gia đình, thì đó là bi kịch và là mầm mống của mọi tội ác.

Khi những người xa lạ có thể bao bọc, yêu thương lẫn nhau, tại sao máu mủ ruột rà lại hắt hủi, thù ghét và oán hận, để rồi gieo đau đớn cho chính người thân và khiến mình phải trả giá?

Theo Dân trí

Bị đóng đinh vào đầu - Trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng nặng nề đến trẻBị đóng đinh vào đầu - Trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng nặng nề đến trẻ
Chuyên gia Chuyên gia "giải mã" tâm lý bạo hành tàn độc con riêng của người tình
Bạo hành trẻ em: Cần đánh thức trách nhiệm và lòng nhân ái trong cuộc sốngBạo hành trẻ em: Cần đánh thức trách nhiệm và lòng nhân ái trong cuộc sống

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc