TP HCM: Bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng thừa nhận nhiều lần đánh trẻ

18:33 | 05/09/2024

42 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, N.T.N.C (bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) thừa nhận nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ tại mái ấm để làm các bé sợ, không quấy phá.

Ngày 5/9, Công an TP HCM đã có thông tin ban đầu về vụ “hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.

Theo nội dung vụ việc, sáng 4/9, Công an quận 12 tiếp nhận tin báo của anh T.D.K (sinh năm 2000, thường trú tỉnh Cà Mau) về sự việc “Hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.

Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an quận 12, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị, ban, ngành liên quan khẩn trương xác minh, điều tra xử lý.

Theo đó, Công an quận 12 đã mời chủ cơ sở và tất cả các nhân viên đang làm việc tại cơ sở về trụ sở cơ quan công an để làm việc. Đồng thời thu giữ một số tài liệu, vật chứng có liên quan.

Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại cơ sở gồm: N.T.N.C (sinh năm 1978, thường trú tỉnh Đồng Nai) và T.M.N (sinh năm 1953, thường trú tỉnh Cà Mau); 3 trường hợp không có mặt gồm: N.T.Q (sinh năm 1983, thường trú tỉnh Tiền Giang), Đ.T.K.L (sinh năm 1978, thường trú quận Bình Thạnh, TP HCM), D.N.T (sinh năm 1977, thường trú tỉnh Sóc Trăng).

Qua làm việc, N.T.N.C thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng, C. nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá.

TP HCM: Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng
Đối tượng N.T.N.C tại cơ quan công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 tiến hành thực nghiệm hiện trường. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của N.T.N.C đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự nên đã ra Quyết định tạm giữ đối với N.T.N.C để phục vụ điều tra. Đồng thời, các Tổ công tác của Công an quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng phối hợp công an các tỉnh, đưa 3 đối tượng còn lại về trụ sở để làm việc. Hiện Công an quận 12 đang khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.

Theo UBND quận 12, cơ sở trợ giúp xã hội Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), được thành lập theo Quyết định số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quận 12 với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ. Tuy nhiên, Mái ấm Hoa Hồng đã vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc là 86 trẻ (vượt 47 trẻ).

TP HCM: Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng
UBND quận 12 đã quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động được cấp ngày 7/7/2023 của Mái ấm Hoa Hồng.

Căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc, để đảm bảo an toàn cho trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, UBND quận đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, UBND phường Trung Mỹ Tây phối hợp Tổ công tác của Sở LĐTB&XH thực hiện phân loại trẻ và lập hồ sơ đưa 86 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng ngay trong ngày 4/9/2024; tiến hành đưa các trẻ về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở LĐTB&XH để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định, cụ thể: 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bào trợ trẻ em Tam Bình; 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức; 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ (2 tháng tuổi) đang điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện Nhi Đồng 2 do Hội Liên hiệp phụ nữ phường và Công an phường Trung Mỹ Tây chăm sóc, sau khi điều trị hết bệnh, trẻ sẽ được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình.

Đối với Mái ấm Hoa Hồng, UBND quận quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động được cấp ngày 7/7/2023.

Về trách nhiệm trong công tác quản lý, UBND quận tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em 2016, hành vi bạo lực trẻ em được xem là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Trường hợp có hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi cùng những người giúp sức sẽ bị xử lý theo các chế tài tương xứng.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, người thực hiện và người giúp sức cho các hành vi bạo lực với trẻ em có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời phải chịu tất cả các chi phí để khám chữa bệnh cho trẻ nếu có phát sinh trên thực tế.

Trong trường hợp hành vi bạo hành này gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ em thì người thực hiện hành vi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Đối với những người tham gia, giúp sức, những người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nêu trên với vai trò đồng phạm.

TP HCM thông tin vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa HồngTP HCM thông tin vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng
Bạo hành trẻ em: Cần đánh thức trách nhiệm và lòng nhân ái trong cuộc sốngBạo hành trẻ em: Cần đánh thức trách nhiệm và lòng nhân ái trong cuộc sống
Số trẻ em bị xâm hại trong 3 tháng đầu năm tăng so cùng kỳSố trẻ em bị xâm hại trong 3 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ

Phương Ngân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan