TP HCM: Hiểm họa cháy chợ luôn rình rập

16:32 | 20/02/2012

2,265 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phổ biến nhất là việc thiếu trang thiết bị PCCC, hệ thống điện không an toàn, bày hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm, các tiểu thương có thói quen đốt nhang đèn, thờ cúng nơi buôn bán.

TP HCM hiện có mật độ chợ và trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, với hơn 350 chợ và trung tâm thương mại, trong đó có 161 chợ, hàng ngày có lượng lớn người dân đến đây tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo lắng hiện nay luôn đe dọa mất an toàn PCCC tại các chợ ở TP HCM, đó là quầy sạp nhỏ, hàng hóa chất quá nhiều, lối thoát hiểm bị che chắn, trang thiết bị PCCC tại chỗ thiếu, thậm chí không hoạt động. Điển hình như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có khoảng 1.500 quầy sạp, tính bình quân mỗi quầy sạp chỉ rộng khoảng từ 1,2 đến 1,5 m2.

Hàng hóa mua bán tràn đầy lối đi (ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu)

Tương tự, chợ Tân Bình (quận Tân Bình) cũng thuộc vào loại nhiều quầy sạp (2.825 sạp), hay chợ Dân Sinh (quận 1) là loại chợ nhỏ ở trung tâm thành phố, nhưng có đến khoảng 6.500 quầy sạp chen chúc nhau.

Những bình chữa cháy được cất kĩ trong hốc nhỏ (chợ Bà Chiểu)

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, qua kiểm tra cho thấy tại các chợ, trung tâm thương mại không chỉ thiếu các trang thiết bị PCCC mà việc thực hiện các quy định an toàn PCCC cũng chưa được đảm bảo. Đặc biệt là hệ thống đường dây điện trong nhiều chợ, trung tâm thương mại, siêu thị không đảm bảo an toàn. Tình trạng này hiện vẫn đang xảy ra tại chợ Tân Bình, Dân Sinh, Bà Chiểu, Trung tâm thương mại – dịch vụ An Đông…

Trước cửa chính chợ Dân Sinh là bãi giữ xe chiếm gần hết lối vào, lỡ khi bên trong chợ xảy ra hỏa hoạn thì bãi xe phía trước có cản trở việc PCCC ?

Qua đợt kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ mới đây, Sở Cảnh sát PCCC TP HCM đánh giá hiện còn khoảng 80 chợ lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường làm chợ, càng làm tăng nguy cơ cháy lan từ chợ sang khu dân cư hoặc ngược lại. Mặt khác, hiện một số chợ như Bình Tây, Tân Hương, Tân Bình, Tân Phú… còn để các hộ tận dụng lòng lề đường để kinh doanh, lập bãi giữ xe, chiếm phần lớn đường giao thông xung quanh chợ, cản trở lưu thông của xe chữa cháy khi cần thiết.

“Trong các hành vi vi phạm về an toàn PCCC xảy ra nhiều nhất tại các chợ, đó là lấn chiếm lối đi, bày hàng hóa tràn lan, chiếm cả lối thoát hiểm. Bà con vẫn còn những thói quen như đốt nhang đèn, thờ cúng nơi buôn bán, các nguồn nhiệt để gần hàng hóa dễ cháy, câu móc điện không đúng quy chuẩn vi phạm về an toàn PCCC…”, Đại tá Lê Tấn Bửu nói.

Hàng hóa treo chung cùng dây điện (chợ Dân Sinh)

Đại tá Bửu, người chỉ huy chữa cháy hàng loạt vụ hỏa hoạn lớn ở TP HCM băn khoăn rằng điều mà thành phố quan tâm hơn cả sau vụ cháy thảm khốc tại Trung tâm thương mại Quốc tế ITC (quận 1) vào năm 2002 là việc nâng cao ý thức của từng hộ tiểu thương buôn bán tại các chợ và trung tâm thương mại về công tác PCCC, vì hậu quả nếu xảy ra cháy tại đây thường gây ra những thiệt hại khôn lường.

Hộp đựng cuộn dây chữa cháy nhưng đã mất đi cái vòi (chợ Dân Sinh)

Bản nội qui PCCC treo trong chợ Dân Sinh đã không còn đọc được chữ

Do vậy, không những xử phạt hành chính những hành vi vi phạm, Sở Cảnh sát PCCC TP HCM còn tham mưu cho UBND TP HCM chỉ đạo đến từng địa phương, quan tâm đến việc PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ một cách bài bản và sẵn sàng ứng phó với tất cả các tình huống nếu xảy ra cháy nổ.

N.Đức – N.Hiển