Tổng thống Brazil bị phế truất?

17:34 | 18/04/2016

4,721 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm qua, Hạ viện Brazil thông qua việc miễn nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff. Trong 10 ngày tới, Thượng viện nước này sẽ quyết định việc bà Rousseff đi hay ở. Tuy nhiên, ngay cả khi bà Rousseff bị phế truất thì liệu Brazil có thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay?
tong thong brazil bi phe truat
Tổng thống Dilma Rousseff đang đứng trước nguy cơ bị phế truất

Ngày 17/4, hai phần ba số thành viên của Hạ viện Quốc hội Brazil  (342 người) đã thông qua việc miễn nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff.

Từng người một, 513 đại biểu Hạ viện đứng dậy công bố quyết định của mình trước micro, với những tiếng reo hò và đôi khi nhạo báng đáp lại từ những thành viên còn lại.

Khi cuộc biểu quyết tiến gần tới 342 người ủng hộ việc luận tội, lãnh đạo Đảng Lao động trong Hạ viện Jose Guimaraes nói: "Những kẻ âm mưu đảo chính đã thắng". Ông ta gọi đó là một "thất bại tạm thời" và cho biết điều đó không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc.

Ý tưởng về miễn nhiệm đã được các hạ nghị sĩ phê duyệt, và bây giờ quyết định cuối cùng sẽ do Thượng viện. Trong thời hạn 10 ngày, một ủy ban đặc biệt phải được lập ra và sau đó các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu về vấn đề từ chức của tổng thống.

Sự chống đối bà Rousseff gia tăng trong mấy tháng qua, với những cáo buộc nói rằng bà đã che giấu tình trạng thâm thủng ngân sách chính phủ một cách bất hợp pháp để tăng cơ may tái đắc cử vào năm 2014. Bà Rousseff bác bỏ mọi cáo buộc.

Những người chỉ trích quy trách bà về cuộc khủng hoảng kinh tế của Brazil và một vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn liên quan đến công ty dầu khí nhà nước Petrobas.

Nhà lãnh đạo 68 tuổi này được bầu làm tổng thống lần đầu vào năm 2010, và tái đắc cử lần thứ nhì vào năm 2014, tiếp nối 13 năm cầm quyền của Đảng Công nhân cánh tả.

Người đứng đầu danh sách lên thay bà trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ là Phó Tổng thống Michael Temer thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil, người mà bà Rousseff đã cáo buộc tham giam âm mưu lật đổ bà.

Trong lịch sử Brazil cũng đã từng xảy ra việc phế trất tổng thống như hiện nay. Năm 1992, Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống Fernando Collor de Mello với cáo trạng nhận hối lộ, nhưng ông Collor đã từ chức trước khi Thượng viện có thể xét xử ông ta, và Phó Tổng thống Itamar Franco lên thay.

Theo Reuters, những động thái mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị của Brazil đã đưa quốc gia này đến bờ vực khủng hoảng. Tuy nhiên đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng của chính phủ mà là một sự suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Sự hỗn loạn chính trị tại thủ đô Brasilia diễn ra trong khoảng 100 ngày trước khi quốc gia này đóng vai trò chủ nhà cho Thế vận hội Olympic đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ – sự kiện sẽ thu hút ánh nhìn của thế giới về Brazil.

H.Phan

Theo AFP. AP, Reuters, CNN