Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

08:00 | 18/10/2012

821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ của Hà Nội.

Chiều 16/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII.

Đa số cử tri vui mừng nhận thấy hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, các kỳ họp, các phiên chất vấn công khai của Quốc hội đã đề cập nhiều vấn đề xã hội bức xúc, có ý nghĩa thiết thân đối với đời sống nhân dân. Công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường tiếp xúc ngay tại các khu, cụm dân cư...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Cử tri đề nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, bảo đảm để các luật được ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác giám sát tối cao, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các chủ trương quyết sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân hàng...; kiên quyết xử lý các trường hợp để xảy ra thất thoát, tham nhũng.

Ông Phan Đức Thắng, cử tri phường Quán Thánh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, nhưng việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Thắng cho rằng kết quả thực hiện sau chất vấn chưa rõ, nhiều việc chưa đạt yêu cầu. Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn phải được thực hiện quyết liệt, tiến hành theo định kỳ.

Nhiều cử tri đánh giá cao kết quả hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Tại Hội nghị này, Trung ương đã bàn thảo, cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Cử tri hoan nghênh kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, mang lại niềm tin, niềm hi vọng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để trong thời gian tới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cần tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, bởi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng, sự hưng vượng của dân tộc.

Tổng Bí thư ghi nhận và hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trí tuệ và xây dựng của cử tri, đề cập nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều công việc của Đảng, của Quốc hội. Về việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội nói riêng và mọi mặt hoạt động của đất nước nói chung, Tổng Bí thư chỉ rõ: Quốc hội, toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làm sao phát huy dân chủ thực sự, đồng thời nâng cao vai trò lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Vừa qua, Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, có nhiều đổi mới, cải tiến, tăng cường lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học...

Tuy vậy, thời gian tới, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực: công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, để đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của nhân dân. Quốc hội ta có 2/3 số đại biểu là kiêm nhiệm, kinh nghiệm làm luật chưa nhiều; trong khi đó, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, thực tiễn đang vận động, có những vấn đề chưa thể quy định cứng trong luật, vì vậy phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Công tác giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn... ngày càng được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Lần này có điểm mới, cũng là thực hiện nghị quyết Trung ương 4, là Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Vấn đề đặt ra là phải quy định thế nào cho chặt chẽ, khách quan.

Tổng Bí thư cũng thông báo với cử tri những nội dung cơ bản đã được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, trong đó có nhiều vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm, đó là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc, nổi cộm về giá đất, việc thu hồi đất, quản lý, sử dụng đất; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...

Về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri cho rằng đây mới là kết quả bước đầu, kiểm điểm tự phê bình và phê bình chỉ là một nội dung, sắp tới cần tiếp tục triển khai các công việc theo ba nhóm vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra.

Tổng Bí thư mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, ý kiến đóng góp xây dựng của cử tri, coi đây là nguồn động viên to lớn, là chỗ dựa vững chắc, để mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân.

Ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ của Hà Nội.

Đa số cử tri bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với nội dung, chương trình kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XIII, nhất là việc xem xét thông qua Luật Thủ đô; sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng... Cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về nhiều vấn đề như đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; quy hoạch, quản lý đô thị...

Cử tri Nguyễn Văn Lịch, phường Thụy Khuê cho biết qua báo, đài, ông rất thấm thía những nội dung mà Hội nghị Trung ương 6 đưa ra bàn vào dịp này và phẩn khởi nhận thấy bước đầu Trung ương đã có biện pháp cứng rắn. Trước nhiều vấn đề bức xúc xã hội, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhân dân mong muốn Đảng sẽ làm đến nơi đến chốn, kiên quyết từ trên xuống dưới, để cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cử tri Bùi Thị Cương cho rằng mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Chương trình, nội dung đào tạo hiện còn nặng về lý thuyết, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, việc ngăn chặn gian dối trong học tập, thi cử, bệnh thành tích chưa có chuyển biến... cần cải cách triệt để từ cấp phổ thông đến đại học.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)


Nhiều cử tri đề nghị Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò giám sát tối cao, nhất là với những vấn đề liên quan sát sườn đến đời sống của nhân dân như tái định cư, quản lý và sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; hiệu quả sử dụng vốn vay, tỷ lệ nợ xấu, nợ công lớn; việc xây dựng các công trình quan trọng quốc gia, vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các đại biểu Quốc hội có mặt, tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri về nhiều vấn đề quốc kế dân sinh; trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội; đồng thời, đôn đốc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề cử tri nêu.

Xung quanh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản..., Tổng Bí thư nêu rõ: nhiều nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, nhưng khâu tổ chức, chỉ đạo thực hiện vẫn là khâu yếu kém, chưa ráo riết quyết liệt cụ thể hóa, thể chế hóa, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giám sát, tổng kết, phát hiện vấn đề và chỉ đạo thực hiện, nên chủ trương, nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là do bố trí cán bộ có nơi, có chỗ không đúng, chưa đủ năng lực, chưa đủ tầm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng; chưa phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về vấn đề đất đai, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng đất đai là nguồn lực vô cùng quí báu, là tài sản quốc gia, là nguồn sống của nhân dân. Đất là mẹ, lao động là cha, để sản xuất ra của cải vật chất. Đất là nguồn lực không thể tái tạo ra được, nên phải bồi dưỡng, khai thác đất sao cho hiệu quả. Trước đây, Việt Nam có hơn 30 triệu dân mà không đủ ăn, bây giờ 86 triệu dân, vẫn đất ấy thôi mà làm đủ ăn, lại xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Bước sang cơ chế thị trường, đất đai càng quí giá, nhưng vì sao hơn 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, thậm chí tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm... cũng bị chi phối bởi đất đai. Hai kỳ hội nghị Trung ương vừa rồi đã bàn rất kỹ về đất đai, những quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, trong đó khẳng định rõ: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, giao đất cho nông dân sử dụng lâu dài, Nhà nước định giá đất, không để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đất.

Tổng Bí thư cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri quan tâm, đặc biệt là về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; những công việc cần tiếp tục thực hiện tốt, quyết tâm làm trong thời gian tới, nhằm tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 4, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế cuộc sống. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, không chỉ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn nhiều việc phải tiếp tục làm lâu dài, thường xuyên, kiên trì như “đánh răng rửa mặt hàng ngày,” từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mà cốt để cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa. Tổng Bí thư mong rằng, bằng sự chân thành, tâm huyết và trách nhiệm, mỗi tổ chức, cá nhân cần nghiêm túc kiểm điểm, tự giác nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm của chính mình để sửa chữa, khắc phục.

TTXVN