Toàn cảnh cuộc tranh giành dầu khí giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp

10:13 | 18/06/2019

4,325 lượt xem
|
(PetroTimes) - Việc phát hiện ra các mỏ khí khổng lồ ở biển Địa Trung Hải đang làm phát sinh những mâu thuẫn ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 16/6 cho biết Ankara sẽ không dừng kế hoạch khoan thăm dò dầu khí tại đảo Síp, bất chấp lời cảnh báo từ Mỹ và các nước châu Âu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục kế hoạch khoan thăm dò ở các khu vực thuộc chủ quyền của chúng tôi", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Istanbul. "Ai đó đã ra lệnh cho chúng tôi. Dường như họ muốn bắt thuyền viên trên tàu khoan và thăm dò dầu khí của chúng tôi. Điều đó sẽ không có tác dụng gì", ông Erdogan cảnh báo. Theo AFP, Síp đã ban hành lệnh bắt giữ đối với các thuyền viên trên tàu khoan và thăm dò Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.

toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sip
Bản đồ tranh chấp giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ

Trước đó, tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh của 7 quốc gia Nam Âu tại Malta ngày 14/6, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ "chấm dứt các hoạt động phi pháp" tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Síp. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng Ankara đã không đáp lại những lời kêu gọi liên tục từ EU khi lên án các hành động phi pháp của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực EEZ của Síp. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng ngay các hành động phi pháp của mình, chúng tôi sẽ yêu cầu EU xem xét các biện pháp đáp trả thích hợp", tuyên bố chung nói thêm. "EU sẽ không thể hiện bất kỳ sự nhượng bộ nào về vấn đề này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói sau hội nghị thượng đỉnh. "Thổ Nhĩ Kỳ đang vi phạm luật pháp quốc tế, đó là một cuộc xâm lược vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Tôi hài lòng với thông điệp mạnh mẽ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Síp Nicos Anastasiades nói. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/6 cho biết rằng tuyên bố này là "thiên vị" và trái với luật pháp quốc tế.

Đây là "lần thứ n" châu Âu lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành các hành động khiêu khích và vi phạm chủ quyền Síp. Lần gần đây nhất là vào ngày 20/5, EU nhắc lại lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng "quyền chủ quyền" của Síp và "kiềm chế" mọi "hành động phi pháp", liên quan đến ý định của Ankara trong việc thực hiện khoan thăm dò khí đốt trong EEZ của Síp. "Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm sâu sắc" và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự kiềm chế, tôn trọng các quyền chủ quyền của Síp (...) và kiềm chế hành động phi pháp đó”, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier nói trong chuyến thăm đảo Síp ngày 20/5. Trong trường hợp Ankara vẫn kiên trì với ý định của mình, EU "sẽ có biện pháp đáp trả", ông Barnier nói thêm. Trước đó vào ngày 4/5, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini, đã tuyên bố quan ngại sâu sắc trước ý định của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trong thông điệp này, bà Mogherini cũng nhắc lại là vào tháng 3/2018, Hội đồng châu Âu đã lên án mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các hành động phi pháp ở phía đông Địa Trung Hải.

Mọi việc bắt đầu từ mấy năm gần đây khi Síp phát hiện nhiều mỏ khí khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải. Síp sau đó đã ký hợp đồng thăm dò với những tập đoàn lớn như ENI của Ý, Total của Pháp hay ExxonMobil của Mỹ. Nhưng Ankara kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc thăm dò, chừng nào giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Síp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa được tìm ra. Ankara cho rằng chính quyền đảo Síp (ở phần phía nam, thân Hy Lạp) đã không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tài nguyên thiên nhiên của bên Síp Thổ Nhĩ Kỳ (miền Bắc ly khai, thân Thổ Nhĩ Kỳ). Cộng hòa Síp trên nguyên tắc bao trùm toàn bộ đảo này, nhưng vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo này đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Cộng hòa Síp vẫn tiếp tục khuyến khích việc thăm dò các nguồn năng lượng. Và điều này được EU và Mỹ ủng hộ. Cũng như EU, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bênh vực các hoạt động thăm dò khí đốt của Síp ở Địa Trung Hải và không ngần ngại cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ về những hành động khiêu khích. Thậm chí vào cuối tháng 5/2019, cộng với chuyện Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, Hoa Kỳ bất ngờ quyết định giao cho Hy Lạp 70 máy bay trực thăng quân sự đa năng hạng nhẹ OH-58 Kiowa và 1 máy bay trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook. Nhà phân tích quân sự người Serbia Miroslav Lazanski giải thích “lòng nhân từ” bất ngờ của Washington đối với Athens như sau: "Trong quá khứ, mỗi khi mối quan hệ giữa Washington với Ankara hay Athens gặp khủng hoảng là Hoa Kỳ không trì hoãn việc giao vũ khí cho bên không gặp vấn đề với Mỹ và thông báo trực tiếp cho cả hai". Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, liên quan vấn đề đảo Síp với những mâu thuẫn giữa hai cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp gốc Hy Lạp, cũng như chủ quyền đối với không phận và lãnh hải ở biển Aegea. Năm 1996, tranh chấp dai dẳng từng đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh. Mặc dù cả hai cùng là thành viên của NATO nhưng hai nước gần như không có quan hệ. Cuối năm 2017, ông Recep Tayyip Erdogan là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đến thăm Hy Lạp trong hơn 6 thập niên. Ông Lazanski lưu ý thêm rằng, việc bán hoặc cho vũ khí là một trong những đòn bẩy của chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ. Một chút cho người Hy Lạp, một chút cho người Thổ Nhĩ Kỳ tùy theo thái độ của họ với của Washington.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn gọi các tập đoàn dầu mỏ của EU và Mỹ là "hải tặc" khi họ đang cố gắng thăm dò các mỏ dầu ngoài khơi ngoài khơi đảo Síp. Năm ngoái, một tàu thăm dò của ENI đã phải quay trở lại sau khi bị các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn.

Khi phản đối và ngăn chặn không phát huy hiệu quả, Ankara quay sang tuyên bố “vậy thì họ cũng sẽ thăm dò và khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải”. Trong một thông điệp được công bố vào đầu tháng 5/2019, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ý định tiến hành các hoạt động khoan thăm dò khí đốt cho đến tháng 9/2019 tại một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp lấn vào EEZ của nước này. Theo Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động này sẽ được thực hiện bởi tàu khoan thăm dò Fatih ("Kẻ chinh phục", theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận phân định trên biển giữa Cộng hòa Síp và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải khác và họ có toàn quyền trên thềm lục địa của mình.

Không những thế, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 5/2019 còn tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại các vùng biển Địa Trung Hải, Aegea và Biển Đen nhằm phô trương "cơ bắp".

Trước tình hình này, Ai Cập, quốc gia từng ký một thỏa thuận khí đốt với Síp vào năm 2018, bao gồm cả việc xây dựng một đường ống dẫn dầu khí dưới biển, cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ những diễn biến sau khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố ý định bắt đầu các hoạt động khoan trong một khu vực ở phía tây đảo Síp". Cairo cũng đang lo ngại về "tác động của các biện pháp đơn phương đối với an ninh và ổn định của Địa Trung Hải".

H.Phan (Theo AFP)

toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sipTổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ cảnh báo của Mỹ và châu Âu
toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sipXuất hiện thêm điểm nóng về tranh chấp dầu khí
toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sipSíp đàm phán lại hợp đồng khai thác mỏ khí Aphrodite
toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sipEU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng "chủ quyền" của Síp
toan canh cuoc tranh gianh dau khi giua tho nhi ky va sipCăng thẳng về thăm dò khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ tập trận hải quân cực lớn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc