Tính thời sự của báo chí – thách thức mới cho người phát ngôn

11:00 | 09/05/2013

6,504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thừa nhận việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, song Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho rằng, đây cũng là cái khó của người phát ngôn.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.

Trong trường hợp đột xuất, bất thường phải chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thời hạn chậm nhất 1 ngày từ khi vụ việc xảy ra.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng quy định rút ngắn thời gian tối thiểu chậm nhất một ngày phải cung cấp thông tin cho báo chí sẽ “đáp ứng được nhu cầu thông tin” trong bối cảnh hiện nay. Việc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công luận, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Nhưng theo ông Long việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời không dễ thực hiện. Vì người phát ngôn hay bận việc nọ việc kia. Hơn nữa quy chế phát ngôn hiện cũng chưa rõ ràng. 

 Ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

 

Ông ví dụ một vấn đề A đang được báo chí rất quan tâm. Thế là các báo cứ thi nhau hỏi liên tục, người phát ngôn sẽ không làm được việc gì khác. Vì thế nó đòi hỏi người có chức năng, nhiệm vụ, hoặc người được ủy quyền cung cấp thông tin phải thực sự cố gắng, bằng hình thức nào đó đáp ứng được nhu cầu của báo chí theo quy định.

Cái khó khác là: “Phần lớn những vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn của báo chí và công luận thường nhạy cảm. Nhưng cũng vào thời điểm đó lại có những thông tin chưa thể cung cấp cho báo chí được. Thậm chí có thông tin còn nằm ở ranh giới giữa được cung cấp và không được cung cấp”.

Trên thực tế có những việc “nóng hổi” nhưng vẫn phải bỏ ngỏ, chờ ý kiến. “Tôi lấy ví dụ như câu chuyện về việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều và vẫn chưa có kết luận cụ thể. Nếu báo chí hỏi người phát ngôn sẽ không biết trả lời ra sao”.

Ngay cả với việc giao ban báo chí hàng tuần mà Hà Nội đang thực hiện, mặc dù là định kỳ chứ không phải đột xuất nhưng ông Long cũng cho biết còn thấy khó khăn vì “không biết những thông tin gì báo chí đang cần”.

Mặc dù vậy, ông Phan Đăng Long cũng kiến nghị cần có quy ước về phát ngôn khi xảy ra những sự việc đột xuất để việc gì cần thông tin luôn thì phải thực hiện ngay. Quy định đã ban hành thì các bộ ban ngành phải thực hiện nghiêm túc.

Đánh giá về nhiệm vụ cung cấp thông tin của Hà Nội trong thời gian qua, ông Long cho biết từ trước tới giờ Hà Nội vẫn chủ động cung cấp thông tin công khai cho báo chí. Điển hình là trong 12 năm qua Hà Nội vẫn tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần cho các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội trước đây là đồng chí Nguyễn Phú Trọng và đến bây giờ là đồng chí Phạm Quang Nghị đều luôn coi báo chí là một “kênh” giúp cho công tác lãnh đạo, điều hành của thành phố. Thực tế nhiều vấn đề báo chí phản ánh thành phố đều nắm bắt và chỉ đạo kịp thời.

“Báo chí luôn là kênh giúp công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành của thành phố. Ngoại trừ những vấn đề thuộc thông tin mật, còn những thông tin có thể cung cấp thì đều được cung cấp đầy đủ cho báo chí” – Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết.

Quy chế phát ngôn nêu rõ: Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.

Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.


Nhất Mai