Tình cảnh éo le của những dự án lọc dầu tại châu Phi

07:49 | 18/07/2023

131 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi lục địa này không ngừng giành quyền tiếp tục được khai thác những nguồn năng lượng hóa thạch khổng lồ của mình giữa thời đại thế giới đấu tranh vì khí hậu, ngành công nghiệp lọc dầu của Châu Phi lại chịu thiệt hại do bị ảnh hưởng từ quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn thế giới.
Tình cảnh éo le của những dự án lọc dầu tại châu Phi
Một nhà máy lọc dầu ở Nam Phi

Theo một báo cáo do cơ quan thông tin kinh tế Ecofin Pro công bố vào ngày 17/7, ngành công nghiệp lọc dầu ở châu Phi đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng gia tăng ở lục địa này. Một phần nguyên nhân là do quá trình chuyển dịch năng lượng đang tăng tốc, phần khác là do tình trạng dư thừa lọc dầu trên toàn cầu và tình trạng xói mòn lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu.

Với tiêu đề “Phương trình đầy thách thức của ngành công nghiệp lọc dầu của châu Phi”, báo cáo nêu rõ: Ngoại trừ Nam Phi, những công suất lọc dầu lớn nhất ở châu Phi đều nằm trong tay những nước khai thác dầu mỏ lớn của lục địa. Với 833.000 thùng/ngày, Ai Cập là nước có công suất lọc dầu lớn nhất trên lục địa vào năm 2021, vượt qua Algeria (677.000), Libya (634.000), Nam Phi (520.000) và Nigeria (486.000).

Vào năm 2020, tổng khối lượng sản phẩm dầu mỏ tinh chế của châu Phi là 1,8 triệu thùng/ngày, chiếm 2,4% tổng sản phẩm dầu mỏ tinh chế trên toàn thế giới trong năm. Do đó, từ năm 2009 đến năm 2019, sản xuất sản phẩm dầu mỏ của châu Phi đã giảm 1,2%, do cơ sở hạ tầng cũ kỹ và tình trạng thiếu đầu tư vào phân khúc này.

Tuy nhiên, châu Phi chiếm 4% nhu cầu toàn cầu về tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Thậm chí, vào năm 2021, châu lục này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ tinh chế toàn cầu (+7,8%), với hai nước đạt mức đỉnh là Ai Cập (+9,5%) và Nam Phi (+8,6%).

Với mức 173 triệu tấn dầu tương đương (toe), Nigeria là nước tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ tinh chế hàng đầu châu Phi, vượt xa Nam Phi (137 triệu), Ai Cập (101 triệu) và Algeria (61 triệu).

Một cuộc tranh luận sôi nổi

Báo cáo cũng nhấn mạnh: Phần lớn nhà máy lọc dầu còn đang mở tại châu Phi hoạt động dưới công suất thực, do có công nghệ lỗi thời, thiếu bảo trì và đầu tư hạn chế.

Do tình trạng hoạt động này, châu Phi xuất khẩu phần lớn sản lượng dầu thô của mình sang các nước ở Trung Đông và châu Âu. Ở những khu vực này, dầu được lọc với chi phí phải chăng hơn so với ở Châu Phi. Xét thấy tình trạng này, các chính phủ châu Phi ủng hộ nhập khẩu và trợ cấp nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng đối với những sản phẩm dầu mỏ tinh chế, dù rằng sản lượng dầu thô của châu Phi là quá đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thành phẩm từ dầu mỏ.

Theo báo cáo, chuyển dịch năng lượng toàn cầu là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự xuất hiện của những khoản đầu tư vào hoạt động lọc dầu. Đặc biệt, quá trình chuyển dịch đã áp đặt một số hạn chế lên ngành, chủ yếu là hạn chế trong việc định hướng chi phí. Trên thực tế, hoạt động lọc dầu chiếm khoảng 5% lượng khí thải carbon của ngành dầu khí toàn cầu, vì quá trình lọc dầu sử dụng nhiều năng lượng. Để thay đổi tình trạng này, châu Phi cần giới thiệu những công nghệ lưu trữ và thu hồi carbon, điện khí hóa nhiều thiết bị và sử dụng nguồn năng lượng sạch. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này vẫn đang tranh luận sôi nổi nhằm xác định rõ: Trách nhiệm phát thải carbon từ sản phẩm dầu mỏ tinh chế thuộc về ai? Doanh nghiệp lọc dầu mỏ hay người tiêu dùng cuối cùng? Ngoài ra, thế giới đang xuất hiện thêm nhiều tiếng nói về việc bảo vệ quyền sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch khổng lồ của châu Phi để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì tại lục địa này, gần một nửa dân số vẫn chưa được tiếp cận điện.

Lợi nhuận giảm

Thách thức lớn thứ hai mà ngành lọc dầu châu Phi phải đối mặt là tình trạng dư thừa công suất lọc dầu trên toàn cầu, mặc dù một số nhà máy lọc dầu đã đóng cửa. Tuy công suất lọc dầu thực tế toàn cầu là trên 75% vào năm 2021, thế giới vẫn ghi nhận có 20 nhà máy lọc dầu đang hoạt động kém hiệu quả (ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ). Dự kiến những nhà máy trên ​​sẽ phải đóng cửa trong vài năm tới. Từ năm 2030 trở đi, dự kiến công suất lọc dầu thực của thế giới sẽ giảm 10% so với năm 2019. Đến năm 2050, công suất lọc dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 1/3 mức hiện nay, còn số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động dự kiến ​​sẽ giảm từ khoảng 700 cơ sở (năm 2023) xuống còn dưới 150.

Chưa kể, tình trạng giảm tỷ suất lợi nhuận lọc dầu không giúp thêm được gì. Theo dữ liệu mà báo cáo trích dẫn từ công ty tư vấn Wood Mackenzie, tổng biên lợi nhuận lọc dầu toàn cầu cho năm 2021 có mức bình quân là 1,8 USD/thùng, thấp hơn một nửa so với mức bình quân trong giai đoạn năm 2015-2019 là 4,25 USD/thùng.

Với những cơn gió ngược chiều này, IEA dự kiến tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu của châu Phi vẫn sẽ ở mức thấp, trừ khi châu Phi có thêm đầu tư vào việc kéo dài hoạt động và mở rộng hoạt động lọc dầu. Nhiều dự án nhà máy lọc dầu mới đã được công bố tại nhiều quốc gia: Nigeria, Ai Cập, Angola, Chad, Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nam Phi, Nam Sudan và Uganda. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng thành công của những dự án này, nhất là khi các chính phủ châu Phi tiếp tục ủng hộ phương án trợ cấp nhiên liệu, vốn không phải lúc nào cũng phù hợp với lĩnh vực tư nhân. Hơn nữa, ngoại trừ một số ít dự án, bao gồm dự án nhà máy lọc dầu do tỷ phú người Nigeria Aliko Dangote xây dựng ở khu vực tự do Lekki, nhiều dự án nhà máy lọc dầu không còn thu hút đầu tư từ giới tư nhân.

Đại gia Thái muốn tăng vốn, lùi tiến độ dự án lọc dầu tỷ đôĐại gia Thái muốn tăng vốn, lùi tiến độ dự án lọc dầu tỷ đô
Saudi Aramco rút khỏi dự án lọc dầu tại IndonesiaSaudi Aramco rút khỏi dự án lọc dầu tại Indonesia
“Lời nguyền” về sự thất bại của các dự án lọc dầu tại Indonesia“Lời nguyền” về sự thất bại của các dự án lọc dầu tại Indonesia

Ngọc Duyên

AFP