Tin Thị trường: Trung Quốc liệu có bỏ trần giá khí đốt tự nhiên

16:13 | 04/04/2024

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dầu thô Mỹ đang giành lấy thị phần từ liên minh OPEC+; Trung Quốc bỏ trần giá khí đốt tự nhiên để hỗ trợ các nhà phân phối;...
Tin Thị trường: Trung Quốc liệu có bỏ trần giá khí đốt tự nhiên

Thị trường dầu thắt chặt khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng

Giá dầu tăng khi các nhà máy lọc dầu của Nga cắt giảm nguồn cung nhiên liệu và trong bối cảnh lo ngại xung đột, có thể làm gián đoạn nguồn cung ở khu vực trọng điểm Trung Đông.

Liên minh OPEC+ dự kiến ​​sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng do Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của liên minh không khuyến nghị bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách sản lượng tại cuộc họp hôm 3/4.

Cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell tỏ ra thận trọng về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai vì dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm và lạm phát cao hơn dự kiến.

Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao của nhóm quản lý tài sản của U.S. Bank, cho biết những bình luận này mang tính tích cực đối với dầu vì chúng cho thấy sự tăng trưởng kinh tế vững chắc của Mỹ.

Sau cuộc họp của JMMC, Ole Hansen, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận xét: "Dầu thô Brent tăng 90 USD sau khi OPEC+ quyết định tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu trong nửa đầu năm 2024, khiến thị trường toàn cầu thắt chặt và có khả năng đẩy giá lên cao hơn nữa".

Dầu thô Brent đã tăng 0,73% ở mức 89,61 USD vào đầu ngày thứ Tư trước báo cáo tồn kho EIA hàng tuần.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu thay vì xuất khẩu trong Quý II năm 2024 để tất cả các thành viên OPEC+ đều đóng góp như nhau vào việc cắt giảm.

Dầu thô Mỹ đang giành lấy thị phần từ OPEC+

Sản lượng dầu của Mỹ tăng và dòng dầu toàn cầu dịch chuyển trong bối cảnh bùng nổ địa chính trị đã thúc đẩy xuất khẩu dầu thô của Mỹ lên mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây. Dầu thô của Mỹ hiện đang xâm nhập vào các thị trường trọng điểm của nhóm OPEC+, vốn đang hạn chế nguồn cung nhằm nỗ lực thúc đẩy giá dầu.

Từ Châu Âu đến Châu Á, nhiều khách hàng đang tiếp cận nguồn cung dầu thô của Mỹ nhiều hơn do các lệnh trừng phạt Nga và sự không chắc chắn về việc gia hạn nới lỏng lệnh trừng phạt của Venezuela đang khiến các nhà máy lọc dầu lo lắng.

Các nước Châu Âu cũng đã chuyển sang mua nhiều dầu của Mỹ hơn do các chuyến hàng từ Châu Á hiện mất nhiều thời gian hơn để vận chuyển. Do các cuộc tấn công của Houthi nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại, các tàu chở dầu chủ yếu đang tránh tuyến Biển Đỏ/Kênh Suez và đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng, Châu Phi.

Năm ngoái, Châu Âu đã trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Mỹ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga - liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Sau Hà Lan, thị trường dầu thô lớn thứ hai của Mỹ là Trung Quốc, với lượng nhập khẩu từ Mỹ đạt trung bình 452.000 thùng/ngày, nhiều hơn gấp đôi khối lượng năm 2022, theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Vào tháng 4, Ấn Độ dự kiến sẽ nhập khẩu lượng dầu cao nhất từ Mỹ trong 11 tháng do việc thực thi nghiêm ngặt hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đang làm chậm dòng chảy dầu thô của Nga sang nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới. Hầu hết dầu thô được mua vào tháng 3 để nạp vào tháng 4 là WTI Midland, mặc dù đắt hơn một số loại dầu thô Trung Đông, nhưng có thể so sánh với loại Sokol của Nga.

Ấn Độ và Châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung dầu thô của họ từ các nhà cung cấp OPEC+, và dầu thô của Mỹ được cho là sẽ giành lấy thị phần đó.

Trung Quốc bỏ trần giá khí đốt tự nhiên để hỗ trợ các nhà phân phối

Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã yêu cầu các nhà phân phối khí đốt tự nhiên và chính quyền địa phương bỏ trần giá cố định đối với các hộ gia đình vào tháng 9, các nguồn thạo tin nói với Bloomberg.

Động thái này nhằm hỗ trợ các nhà phân phối khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, nhiều trong số đó đã chứng kiến lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh giá nhập khẩu LNG cao nhưng lại bị giới hạn giá cho hộ gia đình. Cho đến nay, các nhà phân phối này vẫn chưa thể chuyển chi phí nhập khẩu khí đốt cao hơn sang người tiêu dùng. Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng việc bỏ trần giá sẽ kéo giá cả cao hơn cho các hộ gia đình.

Mặt khác, các ngành công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc bỏ giới hạn giá và cách tiếp cận định giá dựa trên thị trường hơn. Cho đến nay, các ngành công nghiệp đã phải trả mức giá cao hơn cho khí đốt tự nhiên mà họ tiêu thụ.

Steve Hill, Phó Chủ tịch Shell Energy, cho biết trong Báo cáo Triển vọng LNG 2024 của Shell: "Trung Quốc có khả năng chi phối tăng trưởng nhu cầu LNG trong thập kỷ này khi ngành công nghiệp của nước này tìm cách cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách chuyển từ than sang khí đốt".

Shell, hãng kinh doanh LNG hàng đầu thế giới, cho biết việc chuyển đổi từ than sang khí đốt công nghiệp đang tăng tốc ở Trung Quốc và sẽ hỗ trợ nhu cầu LNG toàn cầu ngày càng tăng.

Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục trong tháng 2, khi người mua tận dụng giá giao ngay giảm mạnh ở châu Á trong bối cảnh dự trữ dồi dào và nhu cầu yếu. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong tháng 2 đạt 5,5 triệu tấn, tăng 15% so với tháng 2 năm ngoái, dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp vào tháng trước cho thấy.

Bình An