Tin Thị trường: Nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm kỷ lục

14:28 | 25/01/2024

1,288 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhập khẩu LNG của Nhật Bản ghi nhận mức giảm kỷ lục trong năm 2023; Các nhà giao dịch bi quan với dầu Mỹ...
Tin Thị trường: Nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm kỷ lục

Nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm kỷ lục

Dữ liệu chính thức của Nhật Bản cho thấy nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tại Nhật Bản, một trong những nước mua LNG hàng đầu thế giới, đã giảm trong năm 2023 xuống mức thấp nhất trong 14 năm.

Năm ngoái, Nhật Bản đã nhập khẩu 66,15 triệu tấn LNG, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước đó và là lượng nhập khẩu thấp nhất kể từ năm 2009, theo dữ liệu tạm thời từ Bộ Tài chính Nhật Bản.

Kim ngạch nhập khẩu bằng đồng Yên đã giảm 22,6% trong năm ngoái, trong bối cảnh nhập khẩu thấp hơn và giá LNG giao ngay giảm, đặc biệt là vào cuối năm 2023, so với mức kỷ lục được thấy vào năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo dữ liệu từ nhà chức trách Nhật Bản, nhập khẩu LNG vào nước này tăng 33,6% về khối lượng từ Mỹ, trong khi lượng mua từ các nước Châu Á khác, Trung Đông và Nga đều giảm.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân và đã thúc đẩy sản xuất điện tái tạo, cho phép nước này nhập khẩu khối lượng LNG thấp hơn so với một thập kỷ trước.

Trên thực tế, nhập khẩu LNG hàng năm của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 88,5 triệu tấn trong năm 2014.

Nhu cầu LNG của Châu Á đã phục hồi trong mùa đông này, sau khi con số này yếu hơn dự kiến trong giai đoạn 2022/2023, trong khi dự trữ khí đốt trong khu vực tương đối cao. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ giúp các khách hàng châu Á lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua rủi ro nguồn cung LNG toàn cầu trong mùa sưởi ấm này.

Theo ước tính, nhập khẩu LNG của Nhật Bản đã tăng vọt trong tháng 12 năm 2023 lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023.Bất chấp nhập khẩu LNG tăng vọt, giá LNG giao ngay tại Châu Á vẫn tiếp tục giảm, xuống dưới ngưỡng 10 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào tuần trước, lần đầu tiên sau gần 8 tháng.

Các nhà giao dịch bi quan với dầu Mỹ

Các nhà giao dịch đang bán hợp đồng tương lai dầu WTI với dự đoán sản lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Kết quả là, giá cả ngày càng suy yếu.

Trên thực tế, dự báo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) là tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ chậm hơn nhiều trong năm nay. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến động thái của nhà giao dịch.

Nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters mới đây nói rằng, các quỹ phòng hộ và các nhà giao dịch đã bán ra số lượng tương đương 24 triệu thùng dầu thô Mỹ trong tuần tính đến ngày 16/1. Kemp lưu ý rằng con số này so với lượng mua Brent tương đương 18 triệu thùng.

Các nhà giao dịch kỳ vọng giá dầu của Mỹ thậm chí còn thấp hơn vào cuối năm nay. Và chỉ có một lý do duy nhất khiến họ mong đợi điều này: tăng trưởng bùng nổ hơn mức đã ghi nhận vào năm ngoái. Có vẻ như các nhà giao dịch không muốn có thêm bất ngờ nào nữa.

Trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn mới nhất, Cơ quan Thông tin Năng lượng dự đoán sản lượng năm nay có thể đạt 13,2 triệu thùng mỗi ngày. Điều quan trọng là con số dự kiến của năm 2024 chỉ cao hơn khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức trung bình hàng ngày của năm 2023. Mức trung bình hàng ngày của năm 2023 thể hiện mức tăng hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình năm 2022.

Một điều bất ngờ đối ngành này là năng suất từ nhiều giếng cao hơn dự kiến. Điều này cũng góp phần vào sự tăng trưởng sản lượng vốn gây sốc cho thị trường dầu mỏ và khiến các nhà giao dịch phải bán tháo.

Câu hỏi năm nay sẽ là liệu ngành dầu mỏ Mỹ có thể và quan trọng hơn là có muốn lặp lại thành tích của năm cũ hay không.

Cuộc khảo sát mới nhất của Fed tại Dallas, được công bố vào tháng 12, cho thấy rất ít công ty trong lĩnh vực dầu mỏ có bất kỳ kế hoạch tăng chi tiêu lớn nào. Hầu hết họ vẫn tỏ ra thận trọng với kế hoạch tăng trưởng sản lượng và tiết kiệm tiền mặt của họ.

Baker Hughes báo cáo tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhu cầu LNG

Nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các dịch vụ của hãng từ lĩnh vực LNG.

Baker Hughes báo cáo thu nhập ròng của công ty là 439 triệu USD trong thời gian ba tháng, cao hơn 257 triệu USD so với một năm trước đó.

Hãng dịch vụ mỏ dầu này cũng tự hào về dòng tiền tự do hơn 2 tỷ USD vào cuối năm 2023, lưu ý rằng nó thể hiện tỷ lệ chuyển đổi 54% từ thu nhập được điều chỉnh trước lãi vay, thuế, và khấu hao.

Doanh thu quốc tế là yếu tố đóng góp lớn nhất vào kết quả hoạt động tốt của công ty, tăng 15% trong năm trong khi doanh thu ở Bắc Mỹ chỉ nhích lên 1%. Các đối thủ cạnh tranh của Baker Hughes cũng đã báo cáo xu hướng tương tự, với nhu cầu quốc tế đối với dịch vụ của họ mạnh hơn nhiều so với nhu cầu trong nước.

Một dự án LNG đặc biệt đã đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của Baker Hughes đó là dự án Ruwais LNG ở UAE. Dự án Ruwais sẽ chạy hoàn toàn bằng điện và có công suất 9,6 triệu tấn khí hóa lỏng hàng năm.

Việc mở rộng LNG trong nước cũng góp phần vào kết quả tài chính của công ty trong năm ngoái khi một số dự án đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, nhằm tăng cường đáng kể công suất xuất khẩu LNG của Mỹ trong vài năm tới.

Các đối thủ cạnh tranh của Baker Hughes, SLB, trước đây là Schlumberger và Halliburton, cũng báo cáo số liệu vượt dự báo cho năm 2023, đóng góp cho hiệu quả hoạt động tốt là nhờ nhu cầu quốc tế hơn là trong nước.

SLB cho biết doanh thu quốc tế đã tăng 18% trong Quý IV/2023 trong khi doanh thu nội địa không thay đổi. Về phần mình, Halliburton báo cáo doanh thu ở Bắc Mỹ giảm 7% hàng quý, đây là khu vực đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của hãng.

Bình An