Tin Thị trường: Các gã khổng lồ vận tải khôi phục hoạt động đi qua kênh đào Suez

15:06 | 28/12/2023

1,744 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hầu hết lượng dầu và nhiên liệu xuất khẩu của Nga; Các gã khổng lồ vận tải khôi phục hoạt động đi qua kênh đào Suez...
Tin Thị trường: Các gã khổng lồ vận tải khôi phục hoạt động đi qua kênh đào Suez

Các gã khổng lồ vận tải khôi phục hoạt động đi qua kênh đào Suez

Hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch, và nhiều công ty vận tải biển hàng đầu khác đã bắt đầu cho tàu đi qua Kênh đào Suez vài tuần sau khi tránh tuyến đường then chốt này sau liên tiếp các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.

Vào đêm Giáng sinh, Maersk thông báo hãng đang chuẩn bị quay trở lại Biển Đỏ vì đã có lực lượng do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ các tàu khỏi các cuộc tấn công. Hãng Reuters đưa tin gã khổng lồ vận tải biển này đã lên kế hoạch cho hàng chục chuyến tàu đi qua Kênh đào Suez, Biển Đỏ.

Kể từ giữa tháng 11, phiến quân Houthi ở Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các tàu vận tải thương mại đang quá cảnh qua hạ lưu Biển Đỏ - liên quan đến cuộc xung đột Israel -Hamas. Các tàu đi qua Biển Đỏ và Eo biển Bab al-Mandab đã phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục của phiến quân, làm tăng đáng kể nguy cơ cho các tàu đi qua Kênh đào Suez.

Biển Đỏ là tuyến đường thủy quan trọng nhất nối châu Âu với châu Á và Đông Phi và cũng là một trong những tuyến đường biển có mật độ vận chuyển dày đặc nhất thế giới. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, bao gồm 30% lưu lượng container toàn cầu, đi qua Biển Đỏ.

Hai tuần trước, Goldman Sachs đã nhận định rằng sự gián đoạn LNG qua Kênh Suez sẽ có tác động hạn chế đến thị trường toàn cầu nhưng thừa nhận điều đó sẽ dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn cho các tuyến đường cụ thể. Giá cước vận chuyển dầu đã bị ảnh hưởng, với phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng gấp 5 lần từ 2.000 USD lên 10.000 USD, trong khi giá thuê tàu Suezmax để vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu tăng 25%.

Trong khi đó, chi phí kinh tế thực sự của sự gián đoạn này có thể rất lớn. Lloyd's List ước tính rằng Ever Given bị trì hoãn 9,6 tỷ USD giao dịch hàng ngày trong sáu ngày tàu của hãng bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez.

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hầu hết lượng dầu và nhiên liệu xuất khẩu của Nga

Phó Thủ tướng Alexander Novak mới đây cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu một nửa trong tổng lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu trong năm nay, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai.

Ông Novak nói, Trung Quốc hiện chiếm 45 - 50% lượng xuất khẩu dầu và nhiên liệu của Nga, trong khi Ấn Độ chiếm khoảng 40%. Sự gia tăng này đặc biệt đáng chú ý đối với Ấn Độ, nơi Nga hầu như không xuất khẩu dầu cho đến năm 2022. Nga hiện là nhà cung cấp hàng đầu cho tiểu lục địa này.

Ông Novak cho hay: "Nếu trước đó chúng tôi xuất khẩu khoảng 40 - 45% tổng lượng dầu thô và các sản phẩm đã lọc sang châu Âu thì đến cuối năm nay, chúng tôi dự đoán tỷ lệ này giảm còn 4 - 5%".

Trung Quốc về cơ bản đã thay thế châu Âu để trở thành điểm đến cho các sản phẩm dầu tinh chế và dầu thô của Nga. Tuần trước, Phó Thủ tướng Andrei Belousov cho biết xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ tăng 7% trong năm nay so với mức của năm 2021.

Cũng trong tuần trước, người đứng đầu Transneft, Nikolay Tokarev, báo cáo rằng khối lượng vận chuyển dầu của Nga sang Trung Quốc trong năm nay đã tăng lên khoảng 100 triệu tấn, tương đương khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày.

"Khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ tăng đáng kể. Tôi có thể nói rằng khoảng 70 triệu tấn dầu đã được cung cấp cho Ấn Độ trong năm nay, trong khi khoảng 100 triệu tấn dầu đã đến Trung Quốc", ông Tokarev nói.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Nga vào Ấn Độ đạt mức cao nhất 4 tháng trong tháng 11, ở mức 1,6 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu mà Reuters thu được từ các nguồn thương mại. Nhập khẩu tháng 11 cao hơn 3,1% so với lượng dầu thô Nga nhập vào Ấn Độ trong tháng 10 và chiếm hơn 1/3 tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng trước.

Chatterjee Fund Management tăng cổ phần tại Tellurian

Chatterjee Fund Management đã tăng cổ phần của mình tại công ty phát triển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Tellurian Inc của Mỹ lên 7,3%, hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch hôm 27/12 cho thấy, tăng từ 5,2% trước đó.

Công ty đầu tư của Quần đảo Marshall mô tả việc mua cổ phiếu Tellurian mới nhất là một khoản đầu tư chứ không phải nỗ lực kiểm soát công ty.

Chatterjee đã mua gần 13 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 12, vài ngày sau khi Tellurian sa thải chủ tịch kiêm đồng sáng lập Charif Souki. Động thái này đã nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ của công ty lên 46,1 triệu cổ phiếu.

Một số giao dịch mua diễn ra vài tuần sau khi các kiểm toán viên bày tỏ nghi ngờ về khả năng trang trải chi phí trong tương lai của Tellurian.

Souki đã giúp tạo ra thị trường xuất khẩu LNG của Mỹ vào năm 1996 sau khi nắm bắt được thông tin phát hiện ra một lượng lớn khí đá phiến. Ông đã biến công ty cũ Cheniere Energy (LNG.A) từ một nhà nhập khẩu LNG thành một nhà xuất khẩu lớn, nhưng không thể lặp lại thành công tương tự tại Tellurian.

Vị trí của ông Souki đã được thay thế bởi người đồng sáng lập Martin Houston.

Chatterjee được thành lập vào năm 1989 bởi Purnendu Chatterjee, cựu cố vấn đầu tư cho các đơn vị trong Nhóm Quỹ Quantum.

Theo trang web của công ty, công ty cổ phần tư nhân này đầu tư vào hóa dầu, dược phẩm, công nghệ sinh học, dịch vụ tài chính và bất động sản.

Bình An