Tin nóng thế giới hôm nay - 23/1

18:25 | 23/01/2019

217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm về "vùng an ninh" ở Syria. Thượng viện Mỹ công bố phương án mở cửa trở lại toàn bộ chính phủ. Venezuela tiến hành rà soát tổng thể quan hệ ngoại giao với Mỹ.
tin nong the gioi hom nay 231Thế giới đêm qua - 22/1
tin nong the gioi hom nay 231Tin nóng thế giới hôm nay - 22/1
tin nong the gioi hom nay 231
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP)

1. Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm về "vùng an ninh" ở Syria

AFP đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tổ chức hội đàm về Syria tại Moskva trong ngày 23/1, trong đó sẽ tập trung vào cái gọi là "khu vực an ninh" của Ankara ở miền Bắc Syria.

Trong bài phát biểu hôm 21/1, Tổng thống Erdogan cho biết ông sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Nga Putin về việc thiết lập một "khu vực an ninh" do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền Bắc Syria, theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lực lượng người Kurd đồng minh với Mỹ, hiện đang kiểm soát phần lớn miền Bắc Syria, đã phản đối ý tưởng này do lo sợ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát. Moskva cũng có khả năng phản đối kế hoạch này, với việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tuần tuyên bố rằng Damascus phải giành quyền kiểm soát miền Bắc Syria.

2. Thượng viện Mỹ công bố phương án mở cửa trở lại toàn bộ chính phủ

Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp trong nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc chính phủ đóng cửa một phần, ngày 22/1, Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố hai đảng đã thống nhất tiến hành cuộc biểu quyết đối với hai phương án mở cửa một phần chính phủ vào ngày mai (24/1).

Phương án thứ nhất là một bước đi mang tính thủ tục cho phép mọi nhánh chính quyền đang bị đóng cửa được cấp ngân sách đến tháng Chín tới. Kế hoạch này bao gồm cả đề nghị cấp tiền xây tường biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề xuất của ông chủ Nhà Trắng về chính sách nhập cư.

Cuộc biểu quyết thứ hai dành cho phương án "tạm nghỉ" của đảng Dân chủ, theo đó cấp ngân sách chính phủ đến ngày 8/2 tới để các bên có thêm thời gian thảo luận về an ninh biên giới và nhập cư, trong khi cho phép Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ. Biện pháp này cũng sẽ bao gồm một khoản tiền cứu trợ thiên tai đã được Hạ viện thông qua trước đó.

Mỗi phương án muốn được thông qua đòi hỏi phải đạt được sự ủng hộ của tối thiểu 60/100 Thượng nghị sỹ. Mức phiếu tối thiểu này là khá cao nếu xét đến tình trạng chia rẽ đảng phái tại Thượng viện hiện nay.

3. Venezuela tiến hành rà soát tổng thể quan hệ ngoại giao với Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trong một chương trình phát thanh và truyền hình ngày 22/1, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thông báo đã ra lệnh tiến hành “rà soát tổng thể và tuyệt đối quan hệ ngoại giao với Chính phủ Mỹ”, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp “mang tính chính trị và ngoại giao” đối với Washington. Tổng thống Venezuela nhấn mạnh ông đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Jorge Arreaza tập trung vào nhiệm vụ rà soát nói trên.

Thông báo của Tổng thống Maduro được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công bố một đoạn băng ghi hình xúc phạm danh dự của nhà lãnh đạo Venezuela, một ngày trước khi dự kiến diễn ra cuộc tuần hành phản đối chính phủ mà Quốc hội do phe đối lập kiểm soát phát động.

Tổng thống Maduro nhấn mạnh “chưa bao giờ một quan chức cấp cao nhất đại diện cho một chính phủ lại nói rằng tại Venezuela, phe đối lập phải lật đổ chính phủ bằng mọi cách”, đồng thời tố cáo Washington “muốn bạo lực diễn ra tại Venezuela". Do đó, nhà lãnh đạo Venezuela tuyên bố Caracas “sẽ đối phó” với những âm mưu này.

4. Thái Lan ban hành sắc lệnh hoàng gia về tổng tuyển cử

Ngày 23/1, Thái Lan đã ban hành sắc lệnh hoàng gia về tổng tuyển cử trước khi chính thức thông báo thời điểm tổ chức. Trong 5 ngày tới, Ủy ban bầu cử quốc gia sẽ chính thức thông báo ngày bầu cử, theo luật tổ chức liên quan đến bầu cử được quy định trong Hiến pháp nước này. Nhiều khả năng tổng tuyển cử tại Thái Lan có thể được tổ chức vào ngày 24/3 tới, chậm 1 tháng so với kế hoạch đưa ra trước đây.

Cùng ngày, truyền thông Thái Lan dẫn lời Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha cho biết ông sẽ xem xét gia nhập đảng nào cam kết tiếp tục thực hiện những chính sách của chính phủ hiện tại.

Trước đó, đảng ủng hộ chính phủ Phalang Pracharath (PPRP) tiết lộ với công chúng rằng Tướng Prayut là một trong những ứng cử viên thủ tướng hàng đầu của đảng này trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội sau bầu cử. Tuy nhiên, ông Prayut cho biết PPRP chưa tiếp cận mời ông gia nhập đảng này. Đến nay đã có một số đảng lựa chọn ứng cử viên thủ tướng của mình, trong đó có đảng Niềm tự hào nước Thái, đảng Dân chủ, đảng Vì nước Thái.

5. Một công dân Australia mất tích bí ẩn tại Trung Quốc

AFP dẫn nguồn giới chức địa phương Australia ngày 23/1 cho biết nước này đang đang điều tra thông tin về sự mất tích của một công dân gốc Trung Quốc. Hoạt động điều tra được tiến hành sau khi có tin ông Yang Hengjun mất tích ngay sau khi trở về thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc vào tuần trước.

Khi được hỏi về trường hợp của ông Yang Hengjun, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia chỉ đáp rằng đang "tìm kiếm thông tin về một công dân Australia được cho là mất tích tại Trung Quốc". Trong khi đó, một nguồn tin nói với hãng AFP rằng "do các quy định về bảo mật thông tin nên chúng tôi sẽ không cung cấp thêm bình luận (về vụ việc)". Chính quyền Australia được cho là đang liên lạc với bàn bè và gia đình của ông Yang Hengjun.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc