Tìm sự công bằng cho ngành điện

07:05 | 19/05/2014

530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, mặc dù ngành điện đã có rất nhiều cố gắng nhằm công khai, minh bạch hoạt động của ngành cũng như cách tính giá điện mỗi lần điều chỉnh tăng, hay giảm nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, với Chỉ thị 11/CT-BCT, khi người dân và xã hội tham gia giám sát giá điện, hoạt động của ngành điện, ngành điện kỳ vọng sẽ được nhìn nhận một cách công bằng hơn.

Năng lượng Mới số 322

“Nóng” là do nhận thức

Chuyện giá điện tăng hay giảm trong những năm gần đây luôn là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội, là “điểm nóng” của nền kinh tế. Và dù ngành điện đã không ít lần lên tiếng khẳng định, giá điện và các phương án điều chỉnh giá điện được xây dựng trên các quy định pháp luật hiện hành. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi còn là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng không ít lần khẳng định với báo chí rằng, giá điện theo cơ chế thị trường (tức là dựa theo các tính toán chi phí đầu vào, đầu ra - PV) là định hướng, là chủ trương của Đảng, Chính phủ. Giá điện theo giá thị trường cũng là điều kiện kiên quyết để khuyến khích, để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển nguồn và hệ thống lưới điện…

Ngành điện đã lên tiếng, đại diện các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương cũng không ít lần khẳng định, nhưng rồi, hoạt động của ngành điện và đặc biệt những quyết định điều chỉnh giá điện đã không được người dân, nền kinh tế chia sẻ. Và rồi, người ta lại lên án, lại phê phán ngành điện là độc quyền, là không vì lợi ích chung của nền kinh tế…

Kiểm tra thiết bị trước khi đóng điện tại TBA Sơn La

Người tiêu dùng không hiểu hay cố tình không hiểu những áp lực, khó khăn mà ngành điện phải đối diện trong những năm qua? Trả lời câu hỏi này, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho rằng, người ta phản đối việc tăng giá điện vì họ đã quá quen dùng điện theo cơ chế bao cấp, giá rẻ.

Qua đó để thấy rằng, điện trở thành “điểm nóng”, là tâm điểm thu hút của dư luận xã hội trong những năm qua mang nặng yếu tố nhận thức, hay nói thẳng ra đó là sự ích kỷ, từ sự tham lam, không biết chia sẻ của người tiêu dùng điện. Chẳng đâu xa, tháng 6/2013, mặc dù giá điện chưa được công bố tăng và thực tế sau đó cũng không được điều chỉnh tăng nhưng ngành điện vẫn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của từ phía dư luận xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp. Theo những quan điểm này thì việc tăng giá điện sẽ “giết chết” ngành xi măng, sắt thép… bởi nó sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng. Một loạt các phân tích sau đó như tồn kho tăng, nợ xấu cũng tăng… đã được đưa ra sau đó.

Giá điện chưa được vận hành theo cơ chế thị trường khiến khả năng tích lũy vốn của ngành điện cũng rất thấp. Trong khi đó, theo một tính toán của EVN, từ ngay đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hằng năm của nền kinh tế, mỗi năm ngành điện sẽ cần khoảng 5-6 tỉ USD để đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện. Đây có thể xem là con số cực lớn, nếu không muốn nói là vượt quá sức của ngành điện.

Cái khó của ngành điện là vậy nhưng trong những năm qua, theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngành điện luôn hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh hàng năm, thực hiện tốt định hướng “điện đi trước một bước” cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Điều này một lần nữa đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” rằng: Chưa có lúc nào ngành điện được vận hành trong một trạng thái tốt như thế này: Chúng ta có dự phòng, bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% tổng nhu cầu điện. Và như vậy, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân 10-11% thì ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu này. Điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả 2015.

Xóa rào cản tâm lý bằng cơ chế giám sát

Như đã đề cập tới ở trên, ngành điện cũng như các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã không ít lần giải thích, công khai, minh bạch về cách tính giá điện nhưng rồi, ngành điện vẫn không được người dân, được cộng động doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ. Và dù các cơ quan chức năng quản lý cũng đã ban hành không ít quy định nguyên tắc, cách tính giá điện… và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có không ít ý kiến cho rằng, những quy định này vẫn không công bằng, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch và vẫn ưu tiên cho ngành điện. Từ thực tế trên, ngày 22/4/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc công khai, minh bạch giá điện cũng như hoạt động của ngành điện.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, công khai, minh bạch giá điện là chủ trương chung, từ Quốc hội đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì nó liên quan đến quyền lợi của người sử dụng. Chỉ thị 11 có 3 nội dung chính: Một là, phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với vấn đề giá điện, giá xăng dầu, cơ chế, biện pháp để điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với giá điện, giá xăng dầu. Thứ hai, công khai về chi phí của ngành điện, trong đó có cả về cơ cấu giá thành, có cả những biến động của thị trường và cả những thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện. Thứ ba, quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa nhằm thông tin đó có thể đến với người dân một cách rộng rãi nhất, phổ cập nhất, thường xuyên nhất.

Bộ trưởng khẳng định: Với 3 nội dung của Chỉ thị 11, người dân biết được quy định pháp luật, qua đó sẽ có điều kiện kiểm tra, giám sát xem ngành điện có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Và một trong những mục tiêu của việc ban hành Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương đó là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất điện cũng như kể cả giám sát hoạt động quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Việc ban hành Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai, minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện và đặc biệt là biết được là vì sao phải mua điện với giá đó?” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Nói như vậy để thấy rằng, người dân sẽ được quyền giám sát giá điện, cũng như hoạt động của ngành điện, nắm được những quy định của pháp luật hiện hành với hoạt động của ngành điện, và sẽ hiểu vì sao giá điện lại được quy định ở mức như vậy. Đây chính là cơ sở để ngành điện hy vọng, những cách hiểu sai lệch, không đúng bản chất, thậm chí là ác ý, ích kỷ của một bộ phận đối tượng tiêu thụ điện sẽ không còn.

Và khi yếu tố tâm lý, nhận thức được giải quyết, ngành điện vì thế sẽ được nhìn nhận một cách công bằng hơn!

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chưa có lúc nào ngành điện vận hành trong trạng thái tốt như thế này, tốt nghĩa là chúng ta có dự phòng. Bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa rằng, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.

Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu chẳng may nó xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn. Vừa qua, do sự cố của mỏ khí ở phía ngoài khơi vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, cho nên việc cung cấp khí cho sản xuất điện có bị ảnh hưởng.

Và đứng trước tình hình này, ngành điện cũng đã có những phương án để ứng phó, trong đó đặc biệt là đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là nguồn điện 500kV thứ hai để cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Ngày 5-5 vừa qua đã vận hành rồi và vận hành rất tốt, đảm bảo cho việc cung ứng điện cho mùa khô này của khu vực phía nam.


Thanh Ngọc