Tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria như thế nào?

18:30 | 11/09/2013

364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Về nguyên tắc, đề xuất về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế để vô hiệu hóa đã được tất cả các bên liên qua chấp thuận. Vấn đề tiếp theo sẽ là xử lý hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học này như thế nào?

 

>> Giải mã vũ khí hóa học thế giới

Một nạn nhân của vũ khí hóa học tại Syria ngày 21/8

Sau khi Nga đề nghị chính quyền Syria giao kho vũ khí hóa học của mình cho quốc tế để đổi lại việc không bị Mỹ và đồng minh tấn công quân sự, phía chính quyền Syria đã chấp thuận(xem tại đây). Mỹ cũng đã đồng ý sáng kiến của Nga mặc dù còn chút “lăn tăn”. Liên hiệp quốc ngày hôm nay cũng đã đi theo đề xuất của Nga.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon nắm bắt ngay đề xuất của Nga đặt hệ vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc muốn tịch thu tất cả vũ khí hóa học của Syria rồi cho hủy toàn bộ. Ông cho biết sẽ trình Hội đồng Bảo an đề nghị này.

Ông Ban Ki-Moon đề nghị lập các vùng an toàn tại Syria để tập hợp các kho vũ khí hóa học vào đây, dưới sự kiểm soát của chuyên gia Liên Hiệp Quốc và sau đó, tiêu hủy các vũ khí này.

Giới phân tích cho biết để vô hiệu hóa các vũ khí hóa học của Syria, thì phải có sự hợp tác toàn diện của Damas, cho tới nay vẫn giữ bí mật về kho vũ khí của họ. Đây sẽ là một kế hoạch rất khó thực hiện trong bối cảnh nội chiến ác liệt tại nước này.

Bước đầu tiên sẽ phải là Damas ký ngay lập tức Công ước cấm vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997 và nay quy tụ gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Khi gia nhập Tổ chức Công ước cấm vũ khí hóa học, chính quyền Syria sẽ phải khai báo toàn bộ kho vũ khí của họ và chấp nhận cho các thanh tra quốc tế đến tận nơi để kiểm tra thật chi tiết.

Nhiệm vụ kiểm tra đó có thể được giao cho các thanh tra Liên Hiệp Quốc, như phái đoàn đã từng đến Syria vào tháng trước để điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hoặc như phái đoàn đã từng đến thanh tra Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Nhưng trước hết, chính quyền Damas phải bảo đảm an ninh cho các thanh tra viên quốc tế và bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hóa học trong thời gian giải trừ kho vũ khí này.

Các kho vũ khí hóa học ở Syria

Các cơ quan tình báo Pháp đánh giá kho vũ khí hóa học của Syria là một trong những kho vũ khí hóa học quan trọng nhất thế giới với hơn 1000 tấn. Các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua đều cho rằng rất khó mà phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria ngay giữa lúc nội chiến ác liệt như vậy. Cho dù trong điều kiện tối ưu, thực hiện việc này cần phải huy động rất nhiều người, chỉ để bảo vệ 24 giờ /24 mỗi cơ sở sản suất và tồn trữ vũ khí hóa học.

Ở Syria hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất và tồn trữ vũ khí hóa học, mà phần lớn vẫn chưa được xác định vị trí chính xác và các nước phương Tây vẫn rất sợ chính quyền Tổng thống Bachar al Assad mất sự kiểm soát những cơ sở đó và các vũ khí hóa học rơi vào tay quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan.

Cho dù diễn ra suôn sẻ, kế hoạch vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria sẽ kéo dài nhiều năm và tốn hàng tỷ USD: Mỹ đã chi ra gần 35 tỷ USD để phá hủy gần 90% kho vũ khí hóa học của họ và phải đến năm 2021 mới hoàn tất việc này. Nói chung, sản xuất vũ khí hóa học thì dễ, nhưng phá hủy chúng thì tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều.

Ấy là chưa kể việc vô hiệu hóa còn tùy thuộc vào yếu tố là tác nhân hóa học có đã được gắn vào các rocket hay các tên lửa (như trường hợp của Mỹ) hay vẫn còn được tàng trữ dưới dạng sẵn sàng được sử dụng (như trường hợp của Nga).

Trong trường hợp đầu tiên, các vũ khí hóa học sẽ được tiêu hủy trong các nhà máy thích hợp, còn trong trường hợp thứ hai, việc vô hiệu hóa sẽ được thực hiện bằng cách bơm vào một hợp chất hóa học để làm mất tác dụng của những vũ khí hóa học đó.

Theo tiết lộ của các cơ quan tình báo Pháp vào đầu tháng 9/2013, kho vũ khí hóa học của Syria một phần được tồn trữ dưới dạng kép, tức là dưới dạng hai sản phẩm hóa học được chế sẵn, để chờ trộn với nhau ngay trước khi được sử dụng. Phương pháp này gần với phương pháp của Nga.

H.Phan

AFP, AP