Thụy Điển trở lại với điện hạt nhân

09:03 | 12/01/2023

404 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết Chính phủ nước này đang đề xuất những thay đổi trong luật hiện hành để cho phép xây dựng và vận hành thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân nhằm tăng cường an ninh năng lượng.
Thụy Điển trở lại với điện hạt nhân

Ông Kristersson nói: "Chúng tôi hiện đang thay đổi luật, giúp xây dựng nhiều lò phản ứng hơn ở nhiều nơi hơn so với hiện nay".

Bất kỳ thay đổi nào đối với luật hiện hành, giới hạn số lượng lò phản ứng xuống còn 10 và không cho phép xây dựng địa điểm mới để đặt lò phản ứng hạt nhân, cần phải được Quốc hội Thụy Điển thông qua.

Mở rộng sản xuất điện hạt nhân là mục tiêu chiến dịch chính của Ông Kristersson vào năm ngoái và ông đã nói rằng mục tiêu sản xuất điện "100% tái tạo" của Thụy Điển sẽ chuyển thành sản xuất điện "100% không sử dụng hóa thạch".

Hiện tại, Thụy Điển có 3 nhà máy hạt nhân với tổng cộng 6 lò phản ứng đang hoạt động, trong khi năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng 1/3 lượng điện của nước này.

43% điện năng khác của Thụy Điển đến từ thủy điện, 16% từ năng lượng gió và khoảng 9% sản lượng điện đến từ các nhà máy nhiệt điện kết hợp (CHP), chủ yếu chạy bằng nhiên liệu sinh học.

Thụy Điển là quốc gia dẫn đầu EU về phát điện tái tạo. Vào năm 2021, khoảng 60% sản lượng điện của Thụy Điển đến từ các nguồn tái tạo.

Mặc dù Thụy Điển ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn trên thị trường năng lượng hơn nhiều nước EU khác, kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, nhưng nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ và EU đã tăng cường nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng và ít phụ thuộc hơn vào các mặt hàng năng lượng.

Ngay cả Nhật Bản cũng đang đưa năng lượng hạt nhân trở lại như một nguồn năng lượng chính, tìm cách bảo vệ an ninh năng lượng của mình trong cuộc khủng hoảng dẫn đến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Hồi tháng 12 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã xác nhận về một chính sách mới đối với năng lượng hạt nhân mà nước này gần như đã từ bỏ kể từ thảm họa Fukushima năm 2011.

Một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã quyết định rằng Nhật Bản sẽ cho phép phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới và cho phép các lò phản ứng hiện có hoạt động sau thời hạn hiện tại là 60 năm.

Bình An