Thưởng Tết và công bằng xã hội

10:23 | 14/01/2012

2,354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tết đến, các cơ quan, xí nghiệp tìm cách thưởng cho người lao động là việc làm tốt đẹp, hợp đạo lý. Nhưng không thể không suy nghĩ trước một thực tế: mức thưởng ở các nơi quá chênh lệch.

Năm nay chưa rõ thế nào, chỉ xin nói năm ngoái, ở TP HCM, mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 400 triệu đồng. Ở Hà Nội, tương đương như vậy là 200.000 đồng và 72 triệu đồng. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, càng ngày càng có khuynh hướng nới rộng khoảng cách chênh lệch.

Vị trí làm việc khác nhau thì thưởng Tết khác nhau

Lãnh đạo tìm mọi cách tăng mức thưởng cho các nhân viên đương nhiên là việc làm cần thiết. Nhưng trên mặt bằng chung mà mức độ quá hơn, kém đến mức gần 1.000 lần như đã dẫn (ở TP HCM) thì quả là khó chấp nhận, khi năng lực và hiệu quả cống hiến của người lao động không chênh lệch ở mức tương đương.

Xã hội hôm nay đã phát triển, đã lùi vào dĩ vãng một thời kỳ lạc hậu với quan niệm sai lầm về công bằng: mọi thành viên đều hưởng thụ như nhau, mặc dù tài năng và cống hiến khác nhau. Người thủ trưởng lao tâm khổ tứ, làm việc không kể thời gian đưa cơ quan phát triển cũng chỉ lĩnh lương cao gấp vài ba lần so với một nhân viên hành chính. Một văn nghệ sĩ có tài, được công chúng ái mộ có khi lương còn thấp hơn một trưởng phòng hành chính. Không ít người tài, hữu ích cho xã hội lại có cuộc sống chật vật hơn người bất tài nhưng khéo xoay xở (không đàng hoàng). Cũng thời ấy, khi thưởng Tết, người ta đã chia đều cho tất thảy mọi thành viên. Công bằng đã đồng nghĩa với cào bằng. Và chính sự cào bằng này lại là bất công vậy.

Nay, tình hình trên đã được chấm dứt. Nhưng lại rơi vào một thái cực khác: thu nhập, hưởng thụ của người lao động, của các đối tượng làm công ăn lương Nhà nước quá chênh lệch, mà thưởng Tết như đã dẫn là một minh chứng cụ thể. Cùng một thế hệ (cùng tuổi, cùng học một trường, cùng bằng cấp, năng lực và hiệu quả công tác tương đương) nhưng do làm việc ở các nơi khác nhau mà người thì lương chỉ vài ba triệu đồng một tháng, trong khi người khác gấp 10 lần, có khi hơn. Đây là nói cùng trong cơ quan Nhà nước, chứ không nói khu vực tư nhân.

Đã đành là cần khuyến khích mọi năng động, nhưng nếu mức thu nhập, thưởng quá khác biệt trên cùng một mặt bằng xã hội thì là hiện tượng không bình thường, buộc những người có trách nhiệm phải để tâm. Cũng từ hiện trạng này mà dẫn đến “chảy máu chất xám” ở nhiều cơ quan. Người ta sẽ nghĩ tới việc bỏ chỗ này để đến chỗ khác làm việc có thu nhập cao hơn.

Thử hình dung, cơ quan mà khủng hoảng lao động, chỉ toàn những người do kém năng lực, không thể tìm được nơi khác có thu nhập cao hơn, buộc phải ở lại làm việc thì sẽ ra sao? Cũng từ sự thiếu công bằng xã hội mà nhiều hệ lụy sẽ xuất hiện mất cân đối lao động, vô tình khuyến khích tiêu cực, thậm chí là gia tăng tội phạm.

Vậy nên, việc thưởng Tết gắn với công bằng xã hôi cần được đặc biệt lưu tâm, xử lý sao cho ổn thỏa, thấu đáo.

Ninh Bình