Thu nhập của nhân viên ngành y cao hay thấp?

13:00 | 20/01/2013

2,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nếu những khoản tận thu hay còn gọi là “nặn bóp” một cách hợp pháp của bệnh viện chỉ giúp “cải thiện” thu nhập... thì những khoản “nặn bóp” mang tính cá nhân của bác sĩ, y tá... hay còn gọi là “làm tiền” bệnh nhân giúp họ giàu có, sung túc. Bởi hiếm ai có thể ngờ rằng, thu nhập đó có khi lên tới tiền tỉ, đặc biệt là đối với những người có quyền quyết định đồng ý hay không việc cho dược phẩm nào đó vào danh sách thuốc điều trị trong bệnh viện.

>> Thực và hư chuyện thu nhập của nhân viên y tế

Bài 2: Thu nhập càng cao, nhân tâm càng... tụt

Kê đơn - nhận chiết khấu

Có thể nói, trong những cách “làm tiền” bệnh nhân thì việc ăn hoa hồng từ việc kê đơn thuốc hoặc quyết định đưa thuốc vào danh mục điều trị của bệnh viện là lớn nhất và an toàn nhất cho bác sĩ. Bởi cách “làm tiền” gián tiếp đó diễn ra trong “một thế giới ngầm”, gần như không để lại “giấy trắng mực đen” hay vết tích nào để có thể lấy đó là chứng cớ. Thậm chí, nó được “chuẩn hóa” theo một quy trình hoặc “công nghệ” khép kín dưới công thức: Không cần biết giá thuốc ra sao, chỉ biết, chiết khấu cao, tiền “lobby” “nặng”, thuốc sẽ được đưa vào danh mục thuốc điều trị của bệnh viện và sẽ được các bác sĩ kê đơn (tất nhiên, bên cạnh đó chất lượng cũng được cân nhắc. Nhưng nếu chất lượng như nhau, thì thuốc nào chiết khấu cao sẽ được lựa chọn). Và chính tiền “lobby” và chiết khấu cao ấy, bệnh nhân phải chịu do doanh nghiệp dược tính hết vào giá thuốc.

Đây chính là khoản được coi là giúp các bác sĩ “nặn bóp” bệnh nhân. Cũng cần nói thêm, số tiền “lobby” ấy không phải mất một lần cho lần đầu tiên thuốc xuất hiện trong danh mục thuốc của bệnh viện mà hằng tháng đều chi trả giống như lương, chủ yếu cho những người có quyền quyết định đưa thuốc vào danh mục, chỉ định bác sĩ kê thuốc vào đơn... Còn bác sĩ trực tiếp kê đơn, kê bao nhiêu sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Chính người viết bài này, trong những lần tìm hiểu thực tế đã tận mắt chứng kiến, một doanh nghiệp dược ở Hà Nội đi “cảm ơn” một số người đứng đầu bệnh viện với mức hàng trăm triệu đồng/người/tháng vì đã đưa thuốc của công ty vào danh mục thuốc điều trị của bệnh viện. Những bác sĩ ở vị trí trưởng khoa thường được khoảng 100 triệu đồng/người/tháng. Mà đó mới chỉ là một hãng thuốc, trong khi bệnh viện có bao nhiêu loại thuốc để điều trị thì thử nhân số tiền “lobby” ấy lên với tất cả các loại thuốc có trong bệnh viện sẽ thấy thu nhập của một số lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa là bao nhiêu, chắc chắn lên đến tiền tỉ/tháng chứ không phải vài triệu đồng như trong “giấy trắng mực đen” lưu ở tài chính kế toán của viện.

Bệnh nhân bị "nặn bóp" cả tiền thuốc

Nhân viên của công ty dược này cho biết: “Là “luật bất thành văn”, mặc dù không có quy định cụ thể nhưng hãng dược nào cũng phải mất ngần ấy tiền một cách đều đặn cho những người lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa”. Còn đối với những bác sĩ trực tiếp kê đơn thuốc, mỗi lần kê đơn, sẽ được chiết khấu 20-30% số tiền bệnh nhân phải mua thuốc. Bán càng nhiều thuốc thì bác sĩ càng được nhiều tiền chiết khấu. Giới trình dược viên đã thống kê, nếu là thuốc bổ thì mức chiết khấu ít nhất cũng phải 2 triệu/bác sĩ/loại thuốc/tháng. Nhưng trong bệnh viện bao giờ cũng sử dụng nhiều loại thuốc bổ hỗ trợ điều trị sức khỏe nên chẳng hạn, nếu có 20 loại thuốc bổ thì bác sĩ sẽ được khoảng 40 triệu đồng/tháng/người. Và đó mới chỉ là thuốc bổ. Còn thuốc đặc trị của những hãng lớn, chiết khấu nhiều hơn nữa, do đó thu nhập của bác sĩ còn cao hơn thế rất nhiều.

Trình dược viên của thuốc Richnature cho biết một cách cụ thể: Sản phẩm thuốc của công ty anh được phân phối hầu hết ở những bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Viện bỏng Quốc gia... với giá 198 nghìn đồng/hộp loại 60 viên. Cứ kê đơn để cho bệnh nhân mua một hộp này, bác sĩ được 20% chiết khấu, tương ứng với 39.600 đồng/hộp. Mỗi tháng, trung bình mỗi bệnh viện lớn tiêu thụ được 500 hộp. Như vậy, số tiền thu được là 99 triệu đồng và trên tổng số tiền bán được đó, tiền chiết khấu công ty phải trả là 19,8 triệu đồng. Có khoảng 10 bác sĩ sẽ được nhận tiền hoa hồng trên.

Còn hãng dược khác chuyên phân phối thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư Legamin của Trung Quốc, giá 450 nghìn đồng/hộp. Nhân viên của hãng dược này cho biết, nếu bán được 1 hộp, bác sĩ sẽ được chiết khấu 150 nghìn đồng/hộp, tức 30%, một mức chiết khấu cao so với các loại dược phẩm khác. Có lúc Khoa Huyết học của một bệnh viện lớn đã bán được đều đặn 200 hộp/tháng. Cho nên, tiền chiết khấu hãng dược đó phải trả là 30 triệu đồng/tháng. Số tiền hoa hồng này chia cho một nhóm 3-4 bác sĩ kê đơn.

Như vậy, nếu cộng tất cả số tiền hoa hồng cũng như tiền “lobby” mà lãnh đạo của một số bệnh viện và bác sĩ của các bệnh viện nhận được thì chắc chắn gia tài làm cả đời của một viên chức trong sạch không thể nào sánh nổi với một tháng thu nhập của họ. Thế mới biết, ốm đau thời buổi này thật là khổ, đã chịu chi phí cao do viện phí tăng... bệnh nhân lại còn bị “nặn bóp” một cách gián tiếp nhưng... dã man từ những bác sĩ điều trị cho mình.

Có “bồi dưỡng” thì sẽ nhẹ tay?

Và không chỉ “nặn” tiền từ giá thuốc, bác sĩ, y tá còn dựa vào vị trí chuyên môn của mình để “làm tiền” bệnh nhân đúng theo kiểu “làm ở đâu ăn ở đó” dưới đủ mọi hình thức.

Như ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi lần đi tắm cho bé, sản phụ hoặc người nhà bao giờ cũng “dúi” cho hộ lý khoảng 30-50 nghìn đồng gọi là tiền “cảm ơn” để họ “nhẹ tay”, tắm sạch cho bé. Thay băng sau hậu phẫu cũng tiền - mấy chục nghìn đồng để “lót tay” điều dưỡng viên để họ “cẩn thận cho”. Sau phẫu thuật lấy bé ra ngoài, cũng phải tiền mà không còn là mấy chục nghìn đồng nữa, ít nhất phải 1,5 triệu đồng cho bác sĩ mổ trực tiếp. Chưa kể đến tiền bồi dưỡng cho toàn kíp mổ, cho hộ lý “tìm hộ em một giường dịch vụ”, “một chỗ lý tưởng trong phòng dành cho sản phụ nói chung” v.v... Nói chung cái gì cũng tiền, ở khâu nào cũng tiền, đến nỗi lường trước được cảnh tượng đó, nhiều bệnh nhân bỏ điều trị vì không chịu nổi “phí” .

Bệnh nhi cũng bị... "làm tiền"

Và có một luật bất thành văn: phẫu thuật càng phức tạp, tiền “lo lót” của bệnh nhân càng nhiều. Ngoài tiền “bồi dưỡng” kíp mổ khoảng 1-2 triệu đồng thì tiền dành cho bác sĩ mổ trực tiếp ít nhất cũng phải ngần ấy tiền. Tiền cho bác sĩ gây mê, hồi sức cũng không kém. Bởi đây là những khâu quan trọng trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ không “chú tâm” một chút, lập tức bệnh nhân sẽ thấy ngay sự... thiệt thòi, trước hết là ở thái độ, rồi sự “củ hành củ tỏi” của bác sĩ.

Một lần, tôi cũng đã được chứng kiến cảnh bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện “vòi” tiền bệnh nhân, mà vòi rất “thô”. Một bệnh nhi là trẻ sơ sinh sau khi trải qua giây phút “một phần sống, chín phần chết” đã được bác sĩ ở khoa cứu sống, trả lại cho em sự hồng hào, ấm áp... Nhưng giây phút ấy vì bé ở phòng cách ly nên bố mẹ bé không biết, phải đến khi bác sĩ trưởng khoa cho người gọi “tức tốc” vào để thông báo thì họ mới biết. Kèm theo sự thông báo, vị trưởng khoa này cứ nhấn đi nhấn lại: “Phải vất vả lắm tôi mới cứu sống được con anh. Khoa phải bỏ cả tiền ra để mua thuốc cấp cứu, nếu không con anh đã không thể hồi sinh như thế. Anh xem thế nào “cảm ơn” tôi đi”. Đứng ngây người ra một lúc, cha của cháu bé mới “hiểu ý” và bên cạnh cảm ơn bằng lời, anh còn “cảm ơn” bằng cả… bao thư!

Điều đáng nói trong câu chuyện này là: Ngoài việc vị trưởng khoa nọ hoàn toàn không tham gia trong kíp cấp cứu, không có chuyện mua thuốc cấp cứu như bác sĩ trưởng khoa nói vì đó là thuốc nằm trong danh mục thuốc miễn phí cho trẻ sơ sinh, thì việc sai người gọi tức tốc người nhà bệnh nhân vào để đòi cảm ơn là chuyện bất thường. Bởi chuyện chữa trị, cứu người là công việc thường ngày và là trách nhiệm của bác sĩ nói chung, nếu để thông báo có lẽ thời gian của một ngày không đủ huống hồ nói gì đến chuyện chữa trị cho bệnh nhân. Cho nên việc bác sĩ trưởng khoa “kể công” và đòi người nhà bệnh nhân cảm ơn chỉ có thể hiểu là “vòi vĩnh”.

Đôi khi do bệnh nhân làm “hư” bác sĩ?

Trong một lần trao đổi với ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng về vấn đề này. Ông cho rằng, trong ngành y, không phủ nhận là có những người coi bệnh nhân như... miếng mồi ngon. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng nói: “Cũng tại nhiều bệnh nhân làm hư nhân viên y tế”. Tuy nhiên, là những người trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hơn ai hết, bác sĩ, y tá là người phải hiểu tâm lý của họ: muốn thực hiện mọi “liệu pháp” để tự trấn an tinh thần của mình trước cơn bạo bệnh theo kiểu “qua sông thì phải lụy đò”.

Việc “biếu xén”, “cảm ơn” bác sĩ cũng nhằm mục đích như vậy. Cho nên giả sử trong những trường hợp ấy, nếu là người có tâm, là “lương y như từ mẫu”, các bác sĩ, y tá phải tìm ra cách làm cho họ vừa an tâm điều trị, vừa không phải lo “lót” tay bác sĩ bằng mọi cách. Đằng này, cứ nhận và nhận bao nhiêu cũng không vừa, chưa nói đến có bác sĩ vòi vĩnh hẳn hoi, khác nào bác sĩ, y tá đó tạo ra lối mòn, thói quen xấu cho tất cả những người vào bệnh viện. Và đã tạo ra thói quen xấu thì chắc chắn những bác sĩ, y tá này không thể là “lương y như từ mẫu” được.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức lại nhận định với đại ý: Do lương thấp, nhất là của y tá, điều dưỡng viên nên mới xảy ra “nạn” làm tiền, “nặn bóp” bệnh nhân. Thoạt nghe, lý do này tưởng chừng có lý nhưng xét đến tận cùng vẫn không thuyết phục bởi một minh chứng rõ hơn ban ngày ấy là hiện có rất nhiều bác sĩ, y tá, thậm chí cả lãnh đạo một số bệnh viện, đang thu nhập mỗi tháng có khi bằng cả gia tài người khác làm cả đời nhưng vẫn tiếp tục “nặn bóp” bệnh nhân bằng cách tiếp tục nhận tiền “lobby”, hoa hồng của các hãng dược. Trong khi họ hiểu quá rõ một điều, tất cả những khoản tiền ấy doanh nghiệp dược tính hết vào “chi phí thị trường” và đổ lên đầu bệnh nhân.

Nếu như bác sĩ, y tá là những người có lương tâm, có đạo đức, sẵn sàng từ chối những khoản “lợi nhuận” như vậy, chắc chắn giá thành của thuốc sẽ giảm xuống do bớt đi những chi phí dành cho họ. Và người bệnh sẽ được nhờ. Cho nên, dẫu có biện minh với bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào cũng không thể phủ nhận đạo đức của nghề y đang xuống cấp trầm trọng và “nạn làm tiền” bệnh nhân đang hoành hành từ chính sự xuống cấp đạo đức ấy.

Vấn đề này, cho đến nay, lãnh đạo Bộ Y tế không phải không biết, thậm chí cũng đã tìm cách để giải quyết với nhiều hình thức: công khai khuyến cáo tại bệnh viện: bệnh nhân không đưa “phong bì” cho bác sĩ, y tá… phát động nhiều phong trào nói không với những tiêu cực… Tuy nhiên, phải nói thật là, những phong trào đó vẫn mang nặng tính hình thức; thêm nữa, cơ chế giám sát không có; chế tài, hình thức xử lý lại không nghiêm, nếu như không muốn nói là không có… dẫn đến tình trạng: thu nhập bác sĩ càng tăng, “nhân tâm” bác sĩ càng… tụt. Đồng thời báo hiệu, bệnh nhân còn phải chịu nạn “làm tiền” dài dài…

Xuân Bách