Làm gì để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp?
Đơn giản thủ tục mua nhà ở xã hội
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết, hiện nay các KCN phát triển nhanh ở các tỉnh, việc làm ngày càng nhiều, người lao động có nhiều sự lựa chọn. Trong khi, chênh lệch về mức lương tối thiểu vùng giữa các tỉnh, thành không nhiều, nên NLĐ có xu hướng chọn làm việc ở quê nhà để thuận tiện chăm sóc gia đình. Đây là một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tuyển lao động.
![]() |
Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ 300 đảng viên công nhân - cán bộ Công đoàn tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). |
Ông Củ Phát Nghiệp chỉ ra một thực tế, NLĐ ở ngoài tỉnh vào TP HCM làm việc phải thuê trọ, chi phí cuộc sống càng áp lực hơn khi NLĐ đưa gia đình vào TP HCM.
Do đó, nếu không có chính sách chăm lo đặc biệt hơn như chính sách về nhà ở xã hội, thì NLĐ ở ngoài tỉnh sẽ chọn việc làm ở quê.
“Chỉ có chính sách nhà ở xã hội, bán với giá phù hợp với thu nhập của NLĐ thì chắc chắn NLĐ ngoài tỉnh sẽ tính toán lại. Nếu có nhà ở xã hội, họ sẽ đưa cả gia đình vào TP HCM làm việc và học tập. Khi có nhà ở, an cư lạc nghiệp, NLĐ sẽ tập trung làm việc, gắn bó lâu dài”, ông Củ Phát Nghiệp nêu ý kiến.
![]() |
Theo ông Củ Phát Nghiệp, khi có nhà ở, an cư lạc nghiệp, NLĐ sẽ tập trung làm việc, gắn bó lâu dài. |
Theo ông Giáp Đức Hiếu - Chủ tịch CĐCS Trung tâm Văn hoá - Thể thao quận 5, hiện nay, các dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được triển khai xây dựng ngày càng nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nhà ở cho những người thu nhập thấp, những gia đình chính sách, công nhân và đông đảo các bộ phận dân cư trong xã hội. Các dự án nhà ở xã hội thường được bán ra với mức giá thấp hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Đó là một trong những ưu đãi của nhà nước để người dân có thu nhập thấp có thể dễ dàng hơn trong việc sở hữu nhà ở. Các đối tượng thuộc diện được mua, thuê nhà ở xã hội còn được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Có thể vay lên tới 80% giá trị căn hộ và mức lãi suất thấp chỉ 4% đến 5%.
Tuy nhiên, các nguồn thông tin dự án để công nhân lao động biết và tiếp cận, tìm hiểu dự án thì chưa được phổ biến rộng rãi, dẫn đến công nhân lao động khó tiếp cận các dự án nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của mình.
Ông Trần Châu Giang - Chủ tịch CĐCS Công ty CP DV Bảo vệ Long Hải - quận Phú Nhuận, cho biết, thực tế các thủ tục, điều kiện mua nhà ở xã hội còn khá phức tạp. Để có thể mua nhà ở xã hội công nhân lao động phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ để xác nhận các điều kiện như: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Trước thực tế đó, ông Trần Châu Giang đề xuất, cần có thêm các cơ chế, đơn giản hoá quy trình, thủ tục về các điều kiện thủ hưởng nhà ở xã hội đối với công nhân lao động để dễ dàng tiếp cận, thực hiện khi muốn mua nhà ở xã hội.
Lương tối thiểu không đáp ứng mức sống tối thiểu
Ông Đỗ Ngọc Sơn - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Phát triển SX-TM Sài Gòn (SADACO) - quận 3, cho rằng với mức lương tối thiểu vùng 1 là: 4.960.000 đồng/tháng đang áp dụng hiện nay còn quá thấp không đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ tại TP HCM, khiến đời sống công nhân lao động ngày càng khó khăn.
Ông dẫn chứng, phần lớn đoàn viên, NLĐ công ty ông hiện đang phải thuê nhà trọ với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt thấp; rất nhiều gia đình, con phải gửi ở quê sống với ông bà không ở cùng cha mẹ vì thu nhập thấp không đủ để đảm bảo cuộc sống cho con cái, không đủ tiền để gửi trẻ hoặc cho con đi học tại thành phố.
![]() |
Nhiều vấn đề liên quan đến đời sống NLĐ như tiền lương, nhà ở, chính sách an sinh… cho NLĐ được các Đảng viên công nhân, cán bộ Công đoàn tiêu biểu đề xuất với lãnh đạo TP HCM. |
Ông Đỗ Ngọc Sơn đề xuất, thành phố quan tâm hơn nữa về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng nhằm tạo động lực cho công nhân, lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông mong thành phố có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu thiết chế cho công nhân, lao động, trong đó có vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ… cho đoàn viên, NLĐ.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Ngô Thị Phương Thảo - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phân Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam - quận Tân Phú, cho rằng mức lương này không đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của NLĐ. Do đó, người lao động muốn đảm bảo cuộc sống thì bắt buộc phải tăng ca tới 20, 21 giờ đêm. Việc phần lớn thời gian dành cho công việc khiến NLĐ không thể tiếp xúc với đời sống xã hội.
"Tôi mong Hội đồng Tiền lương quốc gia quan tâm hơn đến việc điều chỉnh lương tối thiểu, làm sao cho lương tối thiểu phát huy đúng vai trò của nó là đáp ứng các nhu cầu sống tối thiểu của công nhân. Nếu công nhân đã ra sức tăng ca thì khoản tiền tăng ca đó phải là tiền dư ra của họ để sắm sửa nhà cửa, trang thiết bị phục vụ cuộc sống", bà Ngô Thị Phương Thảo đề xuất.
Phương Ngân
-
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" năm 2025: Tổng giải thưởng 130 triệu đồng; phong phú chủ đề, cách thể hiện
-
Phát động thi đua học tập tấm gương dũng cảm của Liệt sĩ Nguyễn Đăng Khải
-
TP HCM cấm xe hơn 20 tuyến đường phục vụ lễ kỷ niệm 30/4
-
[Chùm ảnh] TP HCM rộn ràng không khí mừng đại lễ 30/4
-
Những địa phương ở Quảng Nam và Quảng Ngãi không thay đổi địa giới hành chính