Thu mua ốc bươu vàng để làm gì?

06:50 | 18/09/2013

5,747 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin người dân Vĩnh Phúc, Phú Xuyên (Hà Nội) đổ xô săn đỉa để bán chưa nguôi thì nay một “cuộc chiến” mới tại một vùng quê của TP Hà Nội. Việc người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đổ xô đi khắp nơi “săn lùng” ốc bươu vàng mang bán cho thương lái Trung Quốc đang khiến dư luận quan tâm. Vậy, thương lái Trung Quốc mua ốc bươu vàng để làm gì đang là một điều bí ẩn?

Cả làng bắt ốc

Trong một lần lên xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc), chúng tôi thấy nhiều người dân chở trên xe máy những bao tải cồng kềnh phía sau, anh bạn người bản địa giải thích: “Ốc bươu vàng đấy! Người dân ở Hà Nội lũ lượt đổ xô lên đây bắt ốc. Lạ lắm, hết thu mua đỉa rồi lại đến thu mua ốc bươu vàng, chẳng biết người Trung Quốc mua loại ốc phá hoại mùa màng này về để làm gì?”. Chúng tôi nhanh chóng bắt chuyện với vợ chồng anh Nguyễn Văn Đ. để tìm hiểu rõ ngọn ngành việc thu mua và “đường đi” của loài sinh vật ngoại lai đã một thời phá hoại mùa màng khiến ngành nông nghiệp “đau đầu” tìm cách tiêu diệt chúng. “Chúng tôi ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội), hai năm nay có người thu mua ốc bươu vàng nên cả làng tôi hầu như gia đình nào cũng đi bắt ốc. Các anh muốn tìm hiểu cứ đến là biết rõ…”, anh Đ. nói.

Ruột ốc bươu vàng được đầu nậu thu mua với số lượng lớn

Vì có hẹn trước, chúng tôi được anh Đ đón tiếp nhiệt tình. Anh kể: “Hôm nay hai vợ chồng tôi không may là gặp phải cánh đồng không có ốc nên về sớm. Hôm trước, hai vợ chồng bắt được 100kg thì nay được độ 20kg”. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi vợ, mẹ và các con anh đang hì hục nhể ốc vừa luộc, anh Đ kể: Việc buôn bán ốc bươu vàng của người dân diễn ra từ năm ngoái, tập trung nhiều nhất trong ba tháng là tháng 6, 7, 8. Ngày trước người dân bắt ốc với mục đích làm thức ăn cho gia cầm, gia súc nhưng sau đó một hộ dân đứng ra thu mua. Rồi sau đó cả xã này đều đi “săn” ốc bươu vàng. “Ốc bươu vàng sau khi bắt về thì được đem luộc rồi nhể lấy ruột đem bán cho lái buôn. Cứ 10kg ốc vỏ thì được khoảng 3kg ruột ốc. Mỗi 1kg ruột ốc được mua với giá dao động từ 16.000-20.000 đồng. Các thương lái sau khi thu mua sẽ chuyển lên cửa khẩu Móng Cái rồi bán sang Trung Quốc” - anh Đ cho biết.

Buôn ốc có bảo kê

Trước khi đến xã Cấn Hữu, chúng tôi được nhiều người căn dặn: “Vào làng cẩn thận, không dễ bị đánh oan, bởi ở đây đã có nhiều cuộc ẩu đả giữa các lái buôn với nhau vì tranh giành hàng”. Theo người dân xã Cấn Hữu, hiện tại trên địa bàn có hai ông chủ thu mua ốc có tên là Dũng và Hùng. Chắc là buôn cái loại ốc bươu vàng này lãi lớn nên hai ông này tranh giành mối bán ốc của nhau nên thường xảy ra xung đột. Một thông tin mà chúng tôi nhận được là ông Hùng đã thuê cả đầu gấu đến để dằn mặt ông Dũng. Mới đây nhất, khi hàng của ông Dũng vận chuyển đến địa phận Móng Cái thì bị một số đối tượng giang hồ chặn đường và cướp luôn cả lô hàng ốc bươu vàng chuẩn bị xuất sang Trung Quốc.

Chúng tôi tiếp cận ông Dũng - đầu nậu thu mua ốc ở xã Cấn Hữu trong vai người muốn hợp tác làm ăn, mở mối thu mua ốc tại Ninh Bình. “Nếu xác định làm ăn thì trong một vài chuyến đầu có thể bị lỗ. Có hàng, tôi sẽ dạy cho cách đóng gói để gửi lên xe khách trực tiếp chuyển ra Móng Cái (Quảng Ninh). Trong trường hợp hàng nhiều tôi sẽ thuê một chuyến xe cho đi thẳng ra đó” - ông Dũng cho biết. Người bán ốc cho ông không chỉ là người dân ở địa phương mà còn là người đến từ nhiều tỉnh khác như Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Phú Thọ và nhiều tỉnh miền Bắc cũng mang hàng tới đây. “Như năm ngoái, mỗi ngày tôi thu mua được trên dưới 1 tấn, năm nay ốc bươu vàng được các nơi mang đến  nhiều, có ngày mua được khoảng 2 tấn. Về giá cả thì thất thường, hôm lên hôm xuống, từ 14.000-23.000 đồng/kg ốc ruột” - ông Dũng nói thêm.

Vỏ ốc được đổ tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường

Tiền công bắt ốc bươu vàng khá cao. Có gia đình kiếm được cả triệu đồng một ngày. Nhiều nhà bỏ bễ công việc đồng áng để đi bắt ốc. Vừa không nặng nhọc, thu nhập cao lại được có “tiền tươi thóc thật”. Trước tình trạng nhiều người dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng đem bán, chúng tôi đã tìm đến gặp ông Đỗ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cấn Hữu. Ông Hùng cho biết: Việc đi bắt ốc của người dân thấy rõ là có tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình. Vì vậy, không thể cấm người dân được. Nhưng hệ lụy kéo theo là môi trường ở địa phương bị ô nhiễm.

Ông Hùng lấy dẫn chứng, sau khi đã lấy ruột ốc đem bán thì số vỏ ốc đó được người dân đem đổ trộm ra các kênh mương, bờ ruộng lúa. Nắng nóng thì bốc lên mùi hôi thối. Gặp lúc mưa, vỏ ốc trôi khắp ruộng đồng, điều này gây cản trở cho người dân làm ruộng vào các vụ mùa sau đó. “Xã đã báo cáo lên huyện để tìm phương án xử lý. Nhờ đó, ở huyện Quốc Oai có ba xe chở rác thì đã giành một xe về xã Cấn Hữu để chuyển vỏ ốc đi. Hiện tại, Phòng Tài nguyên Môi trường của huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo xuống xã nhằm đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm trung chuyển rác thải đã được phê duyệt, để chấm dứt tình trạng đổ vỏ ốc không đúng nơi quy định. Riêng hiện tượng bảo kê, đánh nhau, lực lượng công an xã đã kiểm tra xử lý”.

Hệ lụy khôn lường

Sau khi “thỏa thuận” xong với ông Dũng, chúng tôi được ông này giới thiệu ra điểm tập kết thu mua, đóng gói chuẩn bị cho chuyến xuất hàng tối nay. Địa điểm thu mua bán ốc bươu vàng là tại một góc cánh đồng lúa. Số ốc vừa mua sẽ được chất đầy vào từng thùng xốp, sau đó được rửa qua nước rồi trộn đá lạnh, muối cho vào túi nilon. Mỗi túi nilon chứa khoảng 55kg. Khi tất cả đã xong thì bỏ vào thùng xốp dán kín lại.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, có biết người Trung Quốc mua ốc bươu vàng để về làm gì không thì ông Dũng có vẻ lưỡng lự. Ông Dũng bảo: “Người thì bảo là họ mua về làm thức ăn tại các quán ăn, nhà hàng. Có người bảo họ sử dụng ốc bươu vàng dùng cho việc chế biến làm sữa rửa mặt. Còn bản thân tôi không biết rõ”. Mục đích thu mua ốc bươu vàng, ngay cả những “trùm” lái buôn như ông Dũng cũng không hề biết, thiết nghĩ cũng là điều nên cảnh giác. Bởi hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng, việc thu mua ốc bươu vàng với giá khá cao phải chăng là một chiêu bài, âm mưu lừa đảo của thương lái nước ngoài? Giả sử nếu đóng gói làm thức ăn cho gia súc gia cầm thì không đáng lo, nhưng nếu các thương lái tìm cách “quay vòng” bán ngược lại vào Việt Nam với giá rất cao thì sao? Ông Đỗ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết thêm: “Trước đây có một thời gian người ta còn cho thu mua cả trứng ốc bươu vàng ngay tại xã này. Vì thế, đây cũng có thể là một cái “bẫy” của thương lái Trung Quốc?”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thương lái thu mua ốc bươu vàng để xuất khẩu sang Trung Quốc cần được xem xét cẩn thận, nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường. Thực tế câu chuyện về “đại dịch” ốc bươu vàng từng xảy ra cách đây 2 năm tại một số địa phương trên cả là một bài học nhỡn tiền. Khi ấy, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã lo lắng và lên tiếng cảnh báo. Khi “cơn sốt” thu mua ốc bươu vàng lan rộng, người nông dân sẽ... đào ao nuôi ốc bươu vàng. Rồi khi thương lái Trung Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra hậu quả lớn, trong đó vùng trồng lúa chịu thiệt hại nặng nhất.

Hà Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc