Thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020

14:51 | 30/10/2013

692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do gặp khó khăn trong thu xếp vốn, đồng thời xét đến nhu cầu giao thông, vận tải cũng như điều kiện xây dựng, Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng báo cáo hôm nay 30/10, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 3.167km thành 3.183km (trong đó tuyến chính là 2.499km, nhánh phía Tây 684km bắt đầu từ Pắc Bó – Cao Bằng kết thúc ở Đất Mũi - Cà Mau), tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng. Đường sẽ có mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2-6 làn xe, nền đường và khoảng 2/3 tuyến được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân kỳ thực hiện Dự án theo 3 giai đoạn đầu tư, như sau: Giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007) đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2010) đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe; và Giai đoạn 3 (từ năm 2010 - 2020) sẽ hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Bình

Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, công nghệ và môi trường cho thấy giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 bị chậm 3 năm so với yêu cầu. Việc chậm phê duyệt quy hoạch và tổng mức đầu tư cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án cũng như khiến mức đầu tư tăng vọt do lạm phát. Báo cáo nêu rõ, dự án bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các khu vực có tuyến đường đi qua và chứng minh chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn.

Do giai đoạn thông tuyến 2 làn xe chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa trình Quốc hội phương án đầu tư, nâng cấp và dự toán tổng mức đầu tư cho giai đoạn này như yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38 để trình Quốc hội. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3183 km (tuyến chính dài 2499 km và nhánh Tây là 684 km) vào năm 2020. Đồng thời, hoàn thành nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) vào năm 2016; nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

Chính phủ cũng đề xuất nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến sẽ được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 24.000 tỷ đồng (giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động theo hình thức BT, BOT, PPP và nguồn vốn vay ODA cho các đoạn tuyến còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Lê Tùng