Thỏa thuận hạt nhân Iran: Tin tốt lành cho giá dầu?

07:00 | 09/04/2015

1,662 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tuần qua, một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới là việc Iran và 6 cường quốc phương Tây đã nhất trí về khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân mà cuối cùng có thể dẫn đến gỡ bỏ lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu của Tehran. Tuy nhiên, trái với phản ứng hoan nghênh từ nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức… giới đầu tư dầu mỏ lại đón nhận thông tin này với một tâm trạng thấp thỏm lo âu. Vì sao vậy?

Năng lượng Mới số 411

Thế giới sẽ “chìm” trong dầu Iran?

Nếu như Iran và nhóm 6 “cường quốc trung gian” (nhóm P5+1) có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng dự kiến được ký kết trước ngày 30/6/2015, thì theo như những gì mà phương Tây đã cam kết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran sẽ dần dần được gỡ bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc mở toang cánh cửa cho dầu thô của Iran chảy vào một thị trường đang dư thừa. Thật vậy, ngay sau khi thỏa thuận khung này được công bố hôm 2/4, giá dầu brent chuẩn quốc tế đã tụt gần 4% trong khi giá dầu WTI giảm xuống 3,7% còn 48,21USD/thùng trước khi đóng cửa với mức giảm chốt phiên 1,9% còn 49,13USD/thùng.

Trong một bản tin gần đây, CRB - Công ty Tư vấn, phân tích dữ liệu, dự báo thị trường hàng hóa hàng đầu thế giới có trụ sở tại Chicago, Mỹ đã phải ngao ngán thốt lên rằng: Trong một thế giới “đã ngập chìm trong dầu”, việc nối lại hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Iran “sẽ là một thảm họa đối với OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) và dự báo xu hướng giảm sâu trên thị trường dầu mỏ thế giới”. 

Biếm họa về dự báo dầu mỏ trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục dư thừa nếu Mỹ và Iran “bắt tay” nhau

Mặc dù sản lượng khai thác dầu hiện nay của Iran là 2,8 triệu thùng/ngày, tức là đã giảm trung bình khoảng 1,1 triệu thùng/ngày so với trước khi bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt vào năm 2012, nhưng con số đó vẫn đủ để Tehran chắc “chân” trong Top 5 cường quốc khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô ròng của Tehran hiện nay là gần 1,2 triệu thùng/ngày (chủ yếu cho Trung Quốc và các nước châu Á khác), giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày so với giai đoạn 1995-2006.

Với chênh lệch lớn trong khai thác và xuất khẩu như vậy thì nếu không bán được dầu, Iran chắc chắn sẽ phải tàng trữ. Theo giới phân tích, hiện nay Tehran lúc nào cũng sẵn dự trữ 7-35 triệu thùng dầu trong kho. Một khi được “cởi trói” khỏi lệnh trừng phạt, nếu mở “van” dự trữ này, dầu thô của Iran sẽ tuôn ra thành lũ “nhấn chìm” thị trường, khiến giá dầu vốn đang chơi vơi chưa thấy động lực nhích lên ở đâu lại bị kéo tụt xuống. Tiếp theo đó, Tehran sẽ túc tắc khai thác và xuất khẩu ổn định. Điều này là tất yếu bởi chính Iran cũng đã tuyên bố rằng, họ sẵn sàng gia tăng khối lượng xuất khẩu dầu thô, nếu dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bản thân Teran rất coi trọng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với dầu mỏ. Do lệnh trừng phạt, chỉ riêng trong năm 2012, Iran đã thiệt hại khoảng 70 tỉ USD từ xuất khẩu dầu thô. Hơn nữa, Iran cũng đang trong tình cảnh rất cần ngoại tệ bởi đồng tiền quốc gia của Iran trong năm qua đã giảm giá kỷ lục và lạm phát tăng vọt.

Trong khi đó, nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 6 khi xác minh được “Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận” thì theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ, thời gian này có thể mất 6-12 tháng. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Iran do đó có thể được dỡ bỏ ít nhất một phần vào cuối năm nay. Với giả định này, hầu hết các chuyên gia thị trường cược rằng, trong vòng 6 tháng khi được phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt, xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ tăng 200-600 nghìn thùng/ngày. Tim Boersma, quyền Giám đốc An ninh năng lượng và Sáng kiến khí hậu tại Viện Brookings còn quả quyết Iran thậm chí có thể xuất khẩu thêm 500 nghìn thùng dầu/ngày trong vòng 3 tháng.

Bi quan và lạc quan

Với những gì đã phân tích ở trên có thể thấy, chừng nào chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng thì chừng đó giá dầu vẫn còn có thể quanh quẩn ở quãng 40-60USD/thùng và còn có hy vọng hồi phục ở trong tương lai gần. Bởi, 3 năm qua, lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Iran cũng chính là một trong những động lực giữ giá dầu lơ lửng ở mức 100USD/thùng.

Nhưng - như chuyên gia Alexander Ershov nhận định - “Việc Iran trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ làm sụt giảm giá “vàng đen”, điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của các nhà khai thác dầu mỏ khác trên thế giới. Hoạt động khai thác dầu ở Nga, Azerbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan sẽ chịu áp lực lớn. Sẽ bùng nổ cuộc chiến giá cả, vì thế, ngay từ bây giờ, các nhà sản xuất cần phải suy nghĩ về đa dạng hóa và tối ưu hóa các dịch vụ hậu cần”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thận trọng cho rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tháng 6-2015, tính cả thời gian 6/12 tháng sau đó để phương Tây gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt thì ngành công nghiệp dầu mỏ đói đầu tư của Iran cũng vẫn cần thời gian để phục hồi. Do đó, trong ngắn hạn, ít nhất phải đến năm 2016 hoặc lâu hơn, dầu thô Iran mới trở thành vấn đề đối với thị trường toàn cầu.

Đáng lưu ý, nhà phân tích Benjamin Salisbury và Cory Palmer ở FBR Capital Markets còn nghi ngờ về năng lực khai thác dầu của Iran. Theo những chuyên gia này, Iran có khả năng sở hữu dự trữ dầu mỏ rất lớn nhưng nếu không có sự đầu tư lớn, quốc gia vùng Vịnh khó có thể tăng sản lượng khai thác lên 1 triệu thùng/ngày dễ “như trở bàn tay” như lời Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ nước này từng khẳng định. Ngoài ra, Tehran chắc chắn cũng phải tính đến lợi nhuận “thiệt, hơn” khi bán tống, bán tháo dầu mỏ ở thời điểm giá thấp như thế này. Mặt khác, quốc gia vùng Vịnh này cũng đang tìm cách giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Phó tổng thống Iran về Khoa học và Công nghệ, ông Suren Sattar khi trả lời phỏng vấn của tờ Gazeta từng nói: “Lệnh trừng phạt chống lại Iran dẫn đến việc nền khoa học và công nghệ của Iran lên mức độ cao hơn. Bây giờ, ở khu vực Trung Đông, Iran đứng thứ nhất trong lĩnh vực công nghệ nano và công nghệ sinh học. Iran bắt đầu tìm kiếm các lĩnh vực khác để xuất khẩu, tìm kiếm thu nhập bổ sung để nộp vào ngân sách nhà nước, thu nhập khác với hydrocarbon. Nền kinh tế mới dựa trên tri thức chứ không phải tài nguyên khoáng sản của đất nước”.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến lạc quan theo hướng “Bao giờ cho đến tháng… 6?”. Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Nghiên cứu năng lượng Rapidan, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W.Bush cho rằng, việc xác minh sự tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận khung của Iran có thể sẽ “mất nhiều tháng sau khi thực hiện, dẫn đến việc có thể trượt mục tiêu ký kết thỏa thuận cuối cùng vào ngày 30/6/2015”. Đồng quan điểm của ông McNally, chuyên gia Jason Bordoff, Giám đốc sáng lập tại Trung tâm Chính sách Năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama dự đoán: “Sẽ mất nhiều thời gian để dầu mỏ Iran trở lại thị trường, khả năng sớm nhất cũng phải đến năm 2016”.

Thậm chí, lại có những niềm hy vọng rất mong manh đặt vào… Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - nguyên thủ quốc gia duy nhất cho đến nay vẫn một mực phản đối gay gắt thỏa thuận mà đồng minh Washington đã tốn bao nỗ lực mới đạt được. Ngay hôm 2/4, ông Netanyahu đã lập tức điện đàm với Tổng thống Barack Obama, cảnh báo rằng: Thỏa thuận khung về hạt nhân với Iran đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel, khu vực và toàn thế giới. Thủ tướng Israel lo ngại thỏa thuận trên sẽ đe dọa đến sự tồn vong của Israel vì nó sẽ “hợp pháp hóa chương trình hạt nhân của Iran, thúc đẩy nền kinh tế Iran, gia tăng sự gây hấn và khủng bố của Iran khắp khu vực và xa hơn nữa”. Đối với ông Netanyahu, đó là một “thỏa thuận trong mơ với Iran nhưng là ác mộng với cả thế giới”. Tuy nhiên, sự bất mãn của “chiến hữu” Israel, thậm chí là cản trở từ phía phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, có thể khiến chính quyền Obama “lung lay” khi mà mục tiêu kiểm soát cuộc chạy đua hạt nhân trên thế giới của vị Tổng thống sắp mãn nhiệm đang đạt được thành tựu lịch sử?

Linh Phương (tổng hợp)