Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
Chỉ 1,27% doanh nghiệp hiểu biết về trao đổi hạn ngạch phát thải
Ngày 26/10//2024, Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, phối hợp với Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững".
Theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong giai đoạn năm 2025 - 2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc.
Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thê giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, kinh tế và xã hội, đặt ra thách thức lớn trong việc chung tay giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, phát triển thị trường carbon được xem là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giúp các quốc gia và doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thị trường carbon cung cấp cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy việc giảm phát thải và nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, sạch.
PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (Ảnh: PT) |
Với tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng, thị trường carbon cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ xanh cho Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, sự thiếu hụt về khung pháp lý, hệ thống đo đạc, thông tin, dữ liệu, báo cáo, thẩm định, trang thiết bị, hạn chế về nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng vẫn là những rào cản chính. Để biến thách thức thành cơ hội, Việt Nam cần sớm thiết lập một hệ thống chính sách đồng bộ và xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành thị trường carbon, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án giảm phát thải và tăng cường hợp tác quốc tế”, PGS. TS Đào Văn Thanh cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng mặc dù nhu cầu phát triển thị trường carbon lớn nhưng hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có hiểu biết hạn chế về lĩnh vực này.
Trong cuộc khảo sát gần đây của một công ty tư vấn năng lượng và môi trường, có hơn 50% doanh nghiệp trên tổng số 537 doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon; chỉ 1,27% doanh nghiệp biết về ETS và thị trường tín chỉ carbon. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có đủ hiểu biết và quan tâm đến thị trường có nhiều ưu thế này.
Theo ông Tú Anh, Việt Nam có quyết tâm mạnh mẽ trong chuyển đổi xanh. Việt Nam đã trở thành đối tác trong Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có cơ hội nhận nguồn vốn hỗ trợ 15,5 tỷ USD. Dù đây là con số lớn nhưng vẫn còn khiêm tốn với tham vọng của Quy hoạch Điện VIII.
TS Nguyễn Tú Anh cho rằng để tạo lập thị trường tín chỉ carbon, trước tiên phải có nhu cầu về tín chỉ này. Để xác định nhu cầu thì các doanh nghiệp phải biết mình đang phát thải bao nhiêu và được phép phát thải bao nhiêu.
“Nếu doanh nghiệp đang phát thải vượt quá hạn mức cho phép thì doanh nghiệp phải chịu hậu quả gì? Để đảm bảo bảo trong hạn mức thì doanh nghiệp có thể mua tín chỉ phát thải carbon ở đâu? Ai đảm bảo tín chỉ này được công nhận trên thế giới. Đây là những câu hỏi cơ bản nhưng vẫn chưa có lời giải cụ thể”, TS Nguyễn Tú Anh đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) đặt ra những câu hỏi về khoảng trống pháp lý thị trường carbon (Ảnh: PT) |
Thách thức vừa phải "nâu hơn" vừa phải "xanh hơn"
Theo thông tin từ Viện Thị trường Carbon thế giới, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu.
Vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này, 2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện.
Trong bối cảnh này, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam đang gặp thách thức lớn vừa phải “nâu hơn” vừa phải “xanh hơn”, tức vừa phải phát triển công nghiệp, hiện đại hóa nhưng vừa phải giảm phát thải, xanh hóa nền kinh tế.
Trong xu thế chung của thế giới là xanh và bao trùm, phát triển thị trường tín chỉ carbon là một trong những giải pháp. Việt Nam hiện có nhiều cơ hội đan xen thách thức khi phát triển thị trường carbon.
Thông tin về hiện trạng kinh tế xanh ở Việt Nam, ông Thọ cho biết cam kết của quốc gia về tăng trưởng xanh đã giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hứt đầu tư và quan hệ đổi tác nước ngoài.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra những thách thức và cơ hội trong hình thành thị trường carbon ở Việt Nam (Ảnh: PT) |
Giai đoạn 2017-2021, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Việt Nam đã tăng độ che phủ rừng từ 38,7% năm 2008 lên 42% vào năm 2020. Chất lượng không khí của đất nước được cải thiện trong giai đoạn 2018-2022, với nồng độ PM2,5 trung bình hàng năm giăm từ 32,9 xuồng 27,2 (ug/m3)
Kinh tế xanh ở Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (2% tổng GDP) với đà tăng trưởng vững chắc (10 - 13%/năm trong giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% là từ hoạt động nông lâm nghiệp, 14% là từ hoạt động công nghiệp và 17% là từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.
Theo ước tính, năm 2020, nền kinh tế xanh góp phần tạo ra hơn 400 nghìn việc làm. Số lượng việc làm được tạo ra từ các hoạt động kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (1,1% tổng số việc làm quốc gia).
Ông Thọ nhìn nhận, Việt Nam đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên, hòa nhập xã hội nhưng phải đối mặt với những thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh.
Theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và ch sách khí hậu.
Xếp hạng, đánh giá kinh tế xanh của Việt Nam trong 160 nước ở 18 chỉ số về môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và đầu tư xanh đáp ứng yêu câu ESG từ 2005-2020, Việt Nam xếp hạng 79/160 toàn cầu, đứng thứ ba ở ASEAN năm 2022; xếp hạng 29/160 về mức độ cải thiện các chỉ số và xếp hạng thứ 94/160 về khoảng cách tới mục tiêu toàn cầu.
Từ thực trạng đó, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng thị trường tín chỉ carbon là một dạng thị trường đặc biệt mua bán quyền phát thải và năng lực hấp thụ khí nhà kính, do đó, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt, xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ.
Phương Thảo
-
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng ở Việt Nam
-
Bức tranh kinh tế năm 2024: Ngành Dầu khí tiếp tục là trụ cột, đóng góp lớn cho nền kinh tế
-
Nâng cao công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ
-
"Ai dám đầu tư vào điện nếu cơ chế giá không thay đổi?"
-
Khai thác sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế: Giải pháp và định hướng phát triển