Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm:

Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững

07:33 | 15/04/2025

35,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm cho rằng, việc xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Việt Nam. Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy thị trường carbon phát triển và góp phần quan trọng vào lộ trình giảm phát thải quốc gia.

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước hướng dẫn việc giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch trong nước. Vậy, việc triển khai sàn giao dịch carbon có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam? Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm (Tâm Nguyễn) - Trưởng Nhóm Phát triển LCA, EPD và Tín chỉ carbon tại TUV Nord.

Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững
Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm - Trưởng Nhóm Phát triển LCA, EPD và Tín chỉ carbon tại TUV Nord.

PV: Thưa bà, bà chia sẻ về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng Nghị định sàn giao dịch carbon đối với việc giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam?

Chuyên gia Tâm Nguyễn: Theo tôi, việc xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon là một bước đi quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trên thực tế, dự thảo Nghị định Bộ Tài chính đang lấy ý kiến là bước triển khai cụ thể hóa Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam và là tiền đề để cụ thể hóa các chính sách, hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Nghị định sẽ quy định chi tiết về cơ chế vận hành, quản lý và giám sát sàn giao dịch carbon trong nước, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Thứ nhất, cụ thể hóa chính sách về giảm phát thải khí nhà kính. Nghị định này là bước triển khai quan trọng để hiện thực hóa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định liên quan như Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này sẽ làm rõ cơ chế vận hành sàn giao dịch carbon trong nước; quy trình giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch và tín chỉ carbon; quy định về minh bạch thông tin, kiểm tra, giám sát thị trường.

Thứ hai, thúc đẩy thị trường carbon nội địa hoạt động minh bạch, hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường giao dịch carbon hoàn chỉnh. Việc xây dựng Nghị định giúp thiết lập sân chơi chính thức và minh bạch cho các doanh nghiệp có thể mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon; khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm phát thải, tạo động lực kinh tế cho doanh nghiệp; hỗ trợ định giá carbon nội địa, giúp Việt Nam thích nghi tốt hơn với các cơ chế quốc tế (ví dụ như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM từ Liên minh châu Âu - EU).

Thứ ba, đáp ứng cam kết quốc tế về khí hậu. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; tận dụng tối đa cơ chế thị trường để phân bổ chi phí giảm phát thải hiệu quả; tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế về tín chỉ carbon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với xu hướng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, đang chịu áp lực tuân thủ các yêu cầu về carbon từ đối tác thương mại. Nghị định này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động tính toán, quản lý phát thải; có thể tối ưu chi phí tuân thủ qua giao dịch carbon thay vì chỉ đầu tư công nghệ; tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Tóm lại, việc xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Việt Nam. Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy thị trường carbon phát triển và góp phần quan trọng vào lộ trình giảm phát thải quốc gia.

Đây là công cụ pháp lý quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu thí điểm và vận hành sàn giao dịch carbon theo đúng tiến độ trong Quyết định 232/QĐ-TTg. Quyết định này là định hướng chiến lược, còn dự thảo Nghị định là công cụ cụ thể hóa và triển khai trên thực tế. Cả hai văn bản kết hợp sẽ tạo ra một thị trường carbon minh bạch, hiệu quả và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

PV: Vậy theo bà, việc giao dịch tín chỉ carbon sẽ giúp các doanh nghiệp như thế nào trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải?

Chuyên gia Tâm Nguyễn: Việc giao dịch tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Dưới góc độ quản lý và kinh tế, tôi có thể chia sẻ một số điểm chính như sau:

Giao dịch tín chỉ carbon là một cơ chế linh hoạt và rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính một cách chủ động và phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Trước hết, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể giảm phát thải ngay lập tức do hạn chế về công nghệ hoặc nguồn lực tài chính. Khi đó, việc mua hạn ngạch hoặc tín chỉ carbon từ những đơn vị có khả năng giảm phát thải hiệu quả hơn sẽ giúp họ bù đắp phần phát thải vượt ngưỡng, qua đó vẫn tuân thủ được quy định về môi trường và tránh các hình thức xử phạt.

Thứ hai, giao dịch carbon cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí giảm phát thải. Thay vì đầu tư ngay vào những công nghệ đắt đỏ, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp hơn, đồng thời sử dụng tín chỉ carbon như một “công cụ cầu nối” trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây là cách tiếp cận rất phổ biến và hiệu quả trên thế giới.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp tiên phong, có khả năng giảm phát thải vượt chỉ tiêu, họ hoàn toàn có thể bán tín chỉ carbon ra thị trường để tạo thêm nguồn thu mới. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ xanh trong nội tại doanh nghiệp.

Về mặt chiến lược, việc tham gia thị trường carbon cũng giúp doanh nghiệp minh bạch hóa nỗ lực giảm phát thải, nâng cao hình ảnh thương hiệu và điểm số ESG - một yếu tố ngày càng quan trọng trong thu hút đầu tư và tiếp cận thị trường quốc tế.

Có thể nói, giao dịch tín chỉ carbon không chỉ là một giải pháp tuân thủ quy định, mà còn là một cơ hội kinh doanh và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, nếu biết nắm bắt và chủ động tham gia.

Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững
Tham gia thị trường carbon là một xu thế tất yếu. Nếu chuẩn bị tốt, doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro về pháp lý hay chi phí, mà còn mở ra cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững/Ảnh minh họa

PV: Những lợi ích dài hạn mà việc triển khai sàn giao dịch carbon sẽ mang lại cho nền kinh tế và cộng đồng là gì, thưa bà?

Chuyên gia Tâm Nguyễn: Theo tôi, việc triển khai sàn giao dịch carbon trong nước không chỉ là một công cụ quản lý phát thải khí nhà kính hiệu quả, mà còn mở ra nhiều lợi ích dài hạn cho cả nền kinh tế và cộng đồng.

Thứ nhất, sàn giao dịch carbon sẽ tạo động lực mạnh mẽ để nền kinh tế chuyển dịch theo hướng carbon thấp. Thông qua việc định giá phát thải, các ngành kinh tế buộc phải tối ưu hóa sản xuất, đổi mới công nghệ và đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải. Điều này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một mô hình tăng trưởng xanh, ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, thị trường carbon sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ sạch. Khi chi phí phát thải trở thành một yếu tố tài chính rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ chủ động cải tiến quy trình, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, sàn giao dịch carbon mở ra một thị trường mới, có khả năng thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thị trường này sẽ tạo ra nhiều công việc mới trong lĩnh vực môi trường, kiểm kê phát thải, tư vấn khí hậu và phát triển dự án carbon. Đây là cơ hội để phát triển kinh tế xanh và tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi.

Thứ tư, khi phát thải từ các ngành công nghiệp được kiểm soát và giảm dần, chất lượng không khí, nguồn nước và môi trường sống sẽ được cải thiện rõ rệt. Điều này giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế và nâng cao chất lượng sống, đặc biệt tại các khu vực đô thị và khu công nghiệp.

Cuối cùng, việc triển khai sàn giao dịch carbon sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, khi có thể tham gia hiệu quả vào các cơ chế thị trường carbon toàn cầu như quy định tại Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường xuất khẩu xanh, đáp ứng yêu cầu về phát thải của các đối tác quốc tế.

Tóm lại, sàn giao dịch carbon là một “hạ tầng mềm” quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho người dân và cộng đồng trong dài hạn.

PV: Với vai trò là một chuyên gia trong lĩnh vực này, bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị và tham gia vào sàn giao dịch carbon?

Chuyên gia Tâm Nguyễn: Theo tôi, để tham gia hiệu quả vào sàn giao dịch carbon - một thị trường còn khá mới mẻ tại Việt Nam - các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bài bản cả về năng lực kỹ thuật lẫn chiến lược quản trị.

“Hiểu phát thải, quản trị carbon và chủ động tham gia sớm - đó là chìa khóa để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả sàn giao dịch carbon”.

Chuyên gia Tâm Nguyễn

Thứ nhất, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc hiểu rõ hiện trạng phát thải của chính mình. Điều này có nghĩa là cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ, theo đúng hướng dẫn và phương pháp do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Việc nắm bắt được lượng phát thải sẽ giúp doanh nghiệp xác định được mức hạn ngạch cần thiết, cũng như khả năng phát sinh dư thừa hoặc thiếu hụt tín chỉ.

Thứ hai, doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược giảm phát thải ngắn hạn và dài hạn. Đây không chỉ là một yêu cầu để đáp ứng quy định, mà còn là yếu tố giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí khi tham gia thị trường. Việc đầu tư vào công nghệ sạch, cải tiến quy trình, tiết kiệm năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí mua tín chỉ, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, cần chuẩn bị năng lực quản trị carbon nội bộ, tức là có đội ngũ hiểu về thị trường carbon, nắm được các quy trình giao dịch, theo dõi, báo cáo và thậm chí là các cơ hội từ thị trường quốc tế. Trong tương lai gần, năng lực này sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp nên chủ động tham gia thị trường từ sớm, kể cả khi chưa bắt buộc. Việc làm quen với cơ chế giao dịch, xây dựng mạng lưới đối tác và học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng hơn khi cơ chế bắt buộc đi vào vận hành.

Tham gia thị trường carbon là một xu thế tất yếu và nếu chuẩn bị tốt, doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro về pháp lý hay chi phí, mà còn mở ra cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi xanh, hội nhập và phát triển bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mạnh Tưởng (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps