Thị trường viễn thông và cuộc đua thanh lọc thương hiệu

11:00 | 08/05/2013

892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thị trường viễn thông trong nước chưa bao giờ có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nhà mạng ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ còn phải mang đến cho người tiêu dùng những gói dịch vụ cạnh tranh với các thương hiệu khác.

Thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2012, số thuê bao điện thoại của cả nước ước đạt 136,6 triệu, bao gồm 14,9 triệu thuê bao cố định và 121,7 triệu thuê bao di động. Trong đó, số thuê bao trả trước đang chiếm hơn 90% thuê bao di động của cả nước. Con số này được xem là nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào để các nhà mạng trong cuộc đua tranh giành khách hàng.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/052013/08/02/IMG_1999.jpg

Viettel đang khẳng định thương hiệu của mình trong việc đầu tư ra nước ngoài

Tuy nhiên, để tồn tại trong môi trường cạnh tranh ác liệt như hiện nay, những thương hiệu nhỏ buộc phải tạo cho mình dấu ấn riêng, không chỉ về chất lượng mà cả dịch vụ. Điển hình nhất là thương hiệu Gmobile, ngay từ khi ra mắt thị trường, nhà mạng này đã tung ra thị trường gói cước "Tỷ phú 3" với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm hút thị phần khách hàng  để cạnh tranh với những ông lớn Viettel, Mobifone, Vinaphone.

Không dừng lại ở việc tung ra gói dịch vụ hút khách hàng, mới đây Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu (Gtel Mobile JSC) và Công ty Dịch vụ Viễn thông (VinaPhone) cũng chính thức công bố hợp tác chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông mạng di động giữa hai mạng Gmobile và VinaPhone. Sự kiện này đánh dấu Gmobile quyết tâm khẳng định thương vị trí của mình trong cuộc đua thương hiệu trên thị trường viễn thông Việt. Cho thấy thương hiệu này đang phấn đấu nâng cao chất lượng phục vụ của mình và bước đi mạnh dạn hơn trong cuộc đua giành thị phần khách hàng.

Trước đó, thị trường viễn thông Việt cũng từng chào đón sự xuất hiện rầm rộ của không ít mạng viễn thông, nhưng rồi sau bước đi đầu tiên hầu hết các nhà mạng này đều lần lượt lâm vào tình trạng xuống dốc. Điển hình nhất là mạng di động S-Fone. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, thương hiệu này đã không thể chen chân được vào thị trường vốn được xem là trong thời kỳ bão hòa. Kết quả là năm 2012 S-Fone đã phải sa thải nhân viên vì không có khả năng để trả lương. Tiếp đó, một loạt vấn đề liên quan trong hệ thống như bị các mạng cắt roaming, nợ cước kết nối... cho thấy sự xuống dốc không phanh của mạng này.

Cũng trong năm qua, thị trường viễn thông cũng phải chứng kiến một nhà mạng dù chưa xuất hiện nhưng đã phải ra đi đó là trường hợp mạng ảo Đông Dương bị rút giấy phép do chậm triển khai dịch vụ.

Ngay cả những đại gia đã có thương hiệu trên thị trường như Viettel, Vinaphone, Mobifone (chiếm tới 95%) thì nay cũng đang phải chạy đua để giữ lấy thị phần bằng cách tung ra các gói dịch vụ ưu đãi và tiện ích cho khách hàng, song song với đó là chất lượng phục vụ khách hàng cũng được nâng cao hơn. Bên cạnh việc phát triển thị trường trong nước, các nhà mạng lớn còn vươn ra thị trường nước ngoài với việc đầu tư mở rộng mạng lưới. Điển hình cho sự đi đầu trong chiến lược đầu tư này là Viettel với việc đầu tư ở Haiti, Lào. Trong khi Mobifone lại liên tục tung ra thị trường những goí dịch vụ ưu đãi và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khách hàng.

Nhìn vào những động thái của thị trường thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp viễn thông đang bước vào cuộc đua tìm chỗ đứng vững chắc cho mình. Trong cuộc đua đó, có nhiều hướng đi khác nhau nhưng về cơ bản vẫn có hai xu hướng chính đó là mở rộng đầu tư ra và bắt tay hợp tác với nhau trên cơ sở cùng có lợi.

Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, việc các doanh nghiệp viễn thông hợp tác hay sáp nhập với nhau là xu hướng tất yếu trong cuộc cạnh tranh lành mạnh hóa thị trường. Trong cuộc đua công bằng này không chỉ những nhà mạng khôn ngoan có lợi  mà người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng  những tiện ích cao nhất của các nhà mạng.

Như vậy, dễ dàng nhận ra xu hướng ở thị trường viễn thông trong tương lai là đang thu hẹp dần số lượng các nhà mạng. Theo đó, nhà mạng nào có chiến lược phát triển lâu dài và bước đi khôn ngoan sẽ đứng vững và chiếm lĩnh thị trường này.

Thùy Trang