THẾ GIỚI 24H: Nixon đã nói dối về chiến tranh Việt Nam

07:00 | 14/10/2015

1,446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuốn sách vừa xuất bản có tựa The Last of the President's Men, nhà báo kỳ cựu thời chiến tranh Việt Nam, ông Bob Woodward viết rằng Tổng thống Nixon đã nói dối về hiệu quả các trận không kích của Mỹ trên chiến trường Việt Nam.
the gioi 24h nixon da noi doi ve chien tranh viet nam

Ông Woodward cho biết là trong cuộc vận động để tái tranh cử Tổng thống vào năm 1972, ông Nixon trả lời hãng tin CBS rằng các cuộc không kích của Mỹ rất có hiệu quả.

Song cùng thời gian đó ông lại đọc được những tài liệu tối mật cho thấy không lực Mỹ tuy hoàn toàn làm chủ bầu trời trong cuộc chiến Việt Nam nhưng không làm được điều gì cả.

Tổng thống Nixon là vị Tổng thống thứ 37 của Mỹ thuộc đảng Cộng hòa. Ông phải từ chức vào năm 1974 sau vụ bê bối Watergate, khi ông nghe lén các cuộc hội họp của các đảng viên dân chủ.

Tác giả Bob Woodward là người cùng với một nhà báo khác là ông Carl Bernstein đã đưa vụ bê bối này ra công luận, dẫn đến việc từ chức của ông Nixon.

Một bước xích lại gần hơn phương Tây của Belarus

Ngày 12/10, châu Âu đã đồng ý ngừng áp dụng các trừng phạt nhắm vào Belarus, sau khi có một số tín hiệu tích cực từ phía chính quyền như thả tù chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong bầu không khí lắng dịu.

Theo AFP, sau cuộc họp tại Luxembourg, Quốc vụ khanh Pháp, phụ trách các vấn đề châu Âu, Harlem Désir, tuyên bố: “Trong vòng bốn tháng tới, đã có quyết định đình chỉ các trừng phạt (đối với Belarus), nhưng các biện pháp này có thể được tái lập ngay lập tức” nếu cần.

Quyết định đình chỉ trừng phạt Belarus đã được chấp thuận ở cấp đại sứ các nước châu Âu, nhưng về mặt chính thức, còn phải được EU thông qua.

Cho đến nay, các trừng phạt của châu Âu nhắm vào 175 cá nhân và 14 tổ chức của Belarus. Tài sản của những đối tượng này ở châu Âu bị phong tỏa. Những nhân vật trong danh sách trừng phạt không được cấp thị thực nhập cảnh vào châu Âu. Lệnh trừng phạt này sẽ hết hiệu lực vào 31/10 và vào thời điểm đó, châu Âu có thể triển hạn hoặc đình chỉ áp dụng.

Bản thân Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko cũng nằm trong danh sách đen của EU từ tháng 1/2011, sau các vụ chính quyền đàn áp thẳng tay những cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống năm 2010.

Trong cuộc bầu cử hôm 11/10, ông Loukachenko tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 5, với hơn 83% số phiếu. Theo các quan sát viên của Tổ chức OSCE, có mặt tại chỗ thì có những vấn đề nghiêm trọng trong việc kiểm và đếm phiếu trong cuộc bầu cử lần này ở Belarus.

Belarus gần đây đã có những bước tiến đáng kể trên trường quốc tế. Đây là nơi diễn ra các cuộc thương lượng hòa bình Ukraina giữa Nga và EU.

Tuần trước, ông Loukachenko tuyên bố từ chối lời đề nghị lập căn cứ quân sự của Nga. Đây có thế là chất xúc tác khiến EU đưa ra quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Belarus.

Pháp muốn thế Mỹ ở Trung Đông?

Hôm qua, Thủ tướng Manuel Valls dẫn theo Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đến Arập Xê út. Phải chăng một trục Paris-Riyad đang hình thành?

Theo giới chuyên gia, Paris đang hưởng lợi từ mối quan hệ khó khăn giữa Riyad và Washington. Tuy liên minh chiến lược Mỹ- Arập Xê út vẫn vững chắc nhưng chế độ vương quyền không thể nào chấp nhận được chính sách do dự của Tổng thống Obama tại vùng Vịnh mà Riyad cảm thấy quyền lợi bị xem nhẹ. Cụ thể là Mỹ bỏ rơi lãnh đạo Ai Cập Hosni Moubarak và từ chối oanh kích chế độ Bachar al Assad ở Syria.

Trong khi đó thì Pháp luôn sát cánh với Arập Xê út: Paris và Riyad đứng trong phe cứng rắn đòi lãnh đạo Syria từ chức. Riyad cũng không quên lập trường xuyên suốt của Paris trong cuộc thương lượng về hồ sơ hạt nhân với Iran. Sự đồng thuận này còn được thể hiện qua các hồ sơ địa chiến lược khác từ Yemen, Liban cho đến Iraq. Từ khi lên ngôi hồi đầu năm nay, Quốc vương Salman nhiều lần khẳng định: phải chống Iran và đồng minh của Iran. Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Iran Shi-a và Arập Xê út Suni, nước Pháp tuy không nói ra nhưng chứng tỏ trên thực tế đã chọn phe nào.

Thủ tướng Manuel Valls không che giấu mục tiêu chiến lược của Pháp. Tại Cairo, ông nhấn mạnh vai trò then chốt của Ai Cập để giải quyết khủng hoảng trong vùng từ Syria, Palestine, Libya cho đến Yemen. Còn Arập Xê út và Jordani là hai đồng minh không thể thiếu của Pháp trong cuộc chiến chống thánh chiến. Jordani là nơi tiếp đón hơn 650 ngàn người tị nạn Syria, và cũng từ một căn cứ không quân bí mật, máy bay Pháp thực hiện các phi vụ oanh kích ở Syria.

Mỹ bị rút giấy phép căn cứ quân sự

Thống đốc Okinawa ngày 13/10 hủy giấy phép xây dựng một căn cứ quân sự mới do người tiền nhiệm cấp nhằm di dời căn cứ Mỹ hiện có trên đảo. Đây là sự kiện mới nhất trong quá trình đối đầu giữa chính quyền địa phương với trung ương liên quan đến các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật.

Hiện đặt tại thành phố Ginowan, căn cứ không quân Futenma sẽ phải dời sang một vùng duyên hải thưa dân hơn là Henoko, nhưng dân Okinawa đòi hỏi phải đóng cửa hẳn.

Thống đốc Onaga từ chối cấp phép, trong khi việc khởi công xây dựng mới bắt đầu lại sau một tháng ngưng thi công. Ông Onaga dẫn ra những “khuyết điểm” trong thỏa thuận trước đây của người tiền nhiệm vào năm 2013, và tuyên bố : “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giữ được lời hứa không cho xây các căn cứ mới ở Henoko”.

Theo báo chí, chính quyền của hòn đảo và chính phủ trung ương sẽ phải đưa bất đồng này ra trước tòa.

Hiện có phân nửa trong số 47.000 lính Mỹ trên đất Nhật trú đóng trên đảo Okinawa, hòn đảo bị quân đội Mỹ chiếm đóng sau chiến tranh và trao trả lại cho Nhật năm 1972. Người dân địa phương than phiền vì tiếng ồn, nguy cơ xảy ra tai nạn và tội phạm. Tuy đồng ý rằng căn cứ quân sự nằm trong khu vực đông dân như hiện nay là không phù hợp, nhưng Mỹ từ chối đóng cửa nếu căn cứ mới chưa sẵn sàng.

Một loạt các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở Tokyo và Okinawa để phản đối việc xây dựng căn cứ quân sự tại Henoko, mà theo các nhà hoạt động môi trường có thể gây hư hại các rạn san hô và nơi cư trú của loài hải ngưu, một động vật hữu nhũ hiếm hoi sống ở biển. Nhưng Tokyo và Washington ủng hộ dự án được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tháng trước đánh giá là “giải pháp duy nhất”.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h nixon da noi doi ve chien tranh viet nam
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) nói chuyện với Tổng thống Bolivia Evo Morales trong lễ khánh thành một đấu trường thể thao gọi là "Coliseo Ban Ki-Moon" ở Vila Vila, phía nam thành phố Cochabamba, ngày 11/10/2015. Ông Ban Ki-Moon đang ở Bolivia dự Hội nghị Nhân dân Thế giới về Biến đổi Khí hậu và Bảo vệ Sự sống.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)