THẾ GIỚI 24H: Mỹ buông Syria cho Nga?

07:17 | 11/10/2015

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua cho biết sẽ ngưng chương trình hỗ trợ lực lượng cho các đơn vị phiến quân chống lại nhà nước Hồi giáo tại Syria, thay vào đó chỉ tập trung vào đào tạo và trang bị vũ khí cho chỉ huy đã có mặt trên chiến trường.
tin nhap 20151011071205
Lực lượng nổi dậy tại Syria

Hãng tin AFP trích lời một giới chức Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết mô hình trước kia mà Mỹ áp dụng là đào tạo các đơn vị kiểu bộ binh. Bây giờ Mỹ sẽ chuyển sang mô hình tạo thêm năng lực tác chiến quân sự. Người này không cho biết cụ thể có bao nhiêu chỉ huy trên chiến trường sẽ được trang bị và đào tạo, nhưng cho biết sự chuyển dịch này sẽ bắt đầu trong vài ngày tới.

Lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp vũ khí đạn dược và khí tài cho các nhóm quân đã chiến đấu tại chiến trường dưới sự yểm trợ không kích của liên quân.

Các loại vũ khí mà Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp không phải là những loại hiện đại, không có rốc-két chống tăng hay phòng không. Lý do là Mỹ sợ các loại vũ khí như vậy rơi vào tay quân thánh chiến.

Trước đó tờ New York Times trích lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Washington đã chấm dứt chương trình trị giá 500 triệu USD nhằm giúp huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy tại Syria, và thừa nhận là chương trình đã thất bại trong việc triển khai những đội quân chiến đấu trên mặt đất có khả năng đương đầu với quân IS tại Syria.

Đã có hai nhóm chiến đấu do Mỹ huấn luyện vượt biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria trong năm nay. Tuy nhiên, một nhóm đã tan rã sau khi bị tấn công, nhóm còn lại thì đầu hàng và trao các trang thiết bị cho một nhóm của Al-Qaeda.

Triều Tiên: “Sẵn sàng chiến đấu” chống Mỹ

Tuyên bố ngày hôm qua tại lễ duyệt binh để mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo rằng Bình Nhưỡng “sẵn sàng chiến đấu để chống lại bất kỳ một cuộc chiến tranh nào do Mỹ thực hiện”.

Buổi lễ có ít quan khách nước ngoài tham dự, nhưng ông Lưu Vân Sơn, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của Trung Quốc, đã đứng cạnh ông Kim Jong Un trong suốt cuộc duyệt binh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã bị căng thẳng từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên chưa đi thăm Bắc Kinh và đã không đến dự cuộc duyệt binh qui mô lớn của Trung Quốc hồi tháng trước nhân kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai chấm dứt.

Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc phái ông Lưu Vân Sơn đến Bình Nhưỡng kỳ này có thể là một dấu hiệu của sự cải thiện quan hệ.

Trong thời gian qua nhiều người dự đoán Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa nhân dịp kỷ niệm này. Nhưng các nhà phân tích và các giới chức Hàn Quốc nói rằng không có dấu hiệu của những sự chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm như vậy.

EU kéo Belarus về phía mình

EU chuẩn bị tạm ngưng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Tổng thống Belarus, ông Alexandre Loukachenko, người chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm vào ngày hôm nay 11/10. Đây là hành động đền đáp lại việc chế độ toàn trị Belarus trả tự do cho các tù nhân chính trị cuối cùng và việc ông này từ chối không cho Nga lập căn cứ quân sự tại Belarus.

Trước khi tiến hành, châu Âu chờ đợi diễn tiến của cuộc bầu cử, trong đó ông Loukachenko, 61 tuổi đối mặt với ba ứng cử viên hầu như không ai biết đến. UE muốn đảm bảo “không có thêm những vụ bắt bớ đối lập, không bạo lực, không đàn áp báo chí”. Các Ngoại trưởng UE muốn nhân hội nghị hàng tháng vào thứ Hai tới tại Luxembourg để tham khảo báo cáo của các quan sát viên OSCE gửi đến Belarus.

Quyết định ngưng trừng phạt sẽ phải chính thức đưa ra trước khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 31/10. Khoảng 170 người và 20 định chế là đối tượng bị trừng phạt qua việc phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh, trong đó có Tổng thống Loukachenko, cầm quyền từ năm 1994 đến nay.

Nhân vật bị Washington gọi là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” bị trừng phạt từ tháng 1/2011, do dùng vũ lực đàn áp phong trào phản kháng sau khi tái đắc cử năm 2010.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Belarus đã trả tự do cho 6 nhà đối lập, kể cả ông Mikola Statkevitch, một cựu ứng cử viên tổng thống. Phe đối lập kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử và duy trì trừng phạt.

Nhưng UE muốn khuyến khích các hành động tỏ thiện chí gần đây của người quyền lực nhất Belarus, khi ông Loukachenko đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngược lại, bốn nhân vật liên can đến vụ mất tích của một số nhà tranh đấu vẫn tiếp tục nằm trong danh sách đen của UE.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151011071205
Những nhà lập pháp đối lập ở Kosovo làm gián đoạn phiên họp Quốc hội bằng hơi cay và còi tại thủ đô Pristina để phản đối thỏa thuận gần đây do EU làm trung gian điều giải với chính phủ Serbia cho những khu vực đa số là người Serbia của Kosovo có nhiều quyền hạn hơn.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)