Thay van tim không cần mở lồng ngực

10:46 | 13/04/2012

2,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật khó hình dung, một cuộc đại phẫu thay van động mạch chủ giờ đây lại có thể thực hiện mà chỉ cần... gây tê tại chỗ.  Ngày nay, với sự trợ giúp của kỹ thuật y tế hiện đại, ngành y đang xử lý những căn bệnh hiểm nghèo một cách đơn giản, hiệu quả cao.

Ca phẫu thuật thay van động mạch chủ qua da đầu tiên tại Việt Nam

Đúng vào ngày Lễ Phục sinh, Chủ nhật, 8/4/2012, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã diễn ra một ca phẫu thuật đặc biệt với một kíp y bác sỹ cũng rất đặc biệt. Giáo sư Horst Silvert đến từ CHLB Đức; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng và TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đều là giảng viên Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng là hai vị lãnh đạo các Trung tâm can thiệp tim mạch kỹ thuật cao của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y. Ngoài ra còn có nhiều bác sỹ chủ chốt về tim mạch từ các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM cùng tham gia ca phẫu thuật thay van động mạch chủ (ĐMC) qua da bằng kỹ thuật cao cho bệnh nhân Trần H (79 tuổi).

TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: "Đây là ca phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam, cũng mới là ca thứ 3 của Đông Nam Á áp dụng kỹ thuật này. Rất nhiều người bệnh cần thay van tim nhưng không thể phẫu thuật vì già yếu, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ… Bởi vậy, sự tiến bộ của công nghệ y tế hiện đại đã cho các bác sỹ thêm phương tiện cứu chữa và cho bệnh nhân thêm nhiều cơ hội được sống mạnh khỏe bằng phương pháp thay van tim mà không cần mở lồng ngực.”

GS. Horst Silvert là phẫu thuật viên chính của ca mổ, ông đã thực hiện 255 ca theo phương pháp này tại nhiều quốc gia, và cuộc phẫu thuật này là để thị phạm cũng như trao đổi kinh nghiệm với các bác sỹ tim mạch hàng đầu của Việt Nam.

Van tim có nhiệm vụ đóng mở theo nhịp đập của quả tim, phân phối máu cho cơ thể theo một chu trình khép kín hoàn thiện và tinh vi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn chu trình này của van ĐMC như: Thấp tim làm viêm màng trong tim; viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và tăng huyết áp; phình tách động mạch chủ; thoái hoá (xơ hoá, vôi hoá) hoặc do bẩm sinh van ĐMC có hai lá, hoặc ba lá không đều …; bệnh tạo keo; chấn thương; thoái hóa van tim người già v.v…

Hình ảnh mô phỏng vị trí thay van ĐMC nhân tạo

Bệnh nhân Trần H bị hở van ĐMC vì thoái hóa, thường xuất hiện các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp… dẫn đến tràn dịch màng phổi nhiều lần, suy tim nặng, khi đã xuất hiện các biến chứng thì bệnh tiến triển nhanh chóng và nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Van ĐMC của ông bị thoái hóa, đóng không kín trong kỳ tâm trương gây trào ngược máu từ động mạch chủ vào trong thất trái, gây ứ ở tim. Khi cơ thể hoạt động nhiều, cần cung cấp máu cho các cơ quan hoạt động , để bù vào lượng máu do trào ngược trở về nên thất trái phải tăng cường co bóp, thoạt đầu lúc gắng sức, về sau cả lúc nghỉ. Áp lực nội tâm trương tâm thất tăng dần, thất trái dãn và phì đại rồi dẫn tới suy tim trái. Thay van tim nhân tạo là giải pháp cuối cùng đối với ông.

Theo các chuyên gia tim mạch, hở van tim là một bệnh âm thầm nhưng vô cùng nguy hiển. Đại phẫu thay van tim liên quan trực tiếp đến bộ máy tuần hoàn và hô hấp của người bệnh nên nguy cơ tử vong rất cao, đặc biệt là ở người cao tuổi do chức năng của các cơ quan đều suy giảm từ 30-50%. Chưa kể, nhiều người còn đồng thời mắc các bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch vành, tâm phế mãn, rối loạn chuyển hoá… nên phẫu thuật có rất nhiều nguy cơ. Những trường hợp không thể chỉ định phẫu thuật thay van ĐMC mà không có một phương pháp điều trị thay thế thì cơ hội sống của người bệnh hầu như đã khép lại.

Xem clip mô phỏng kỹ thuật thay van ĐMC qua da tại đây:

"Kể từ khi Hufnagel lần đầu tiên đặt một van nhân tạo động mạch chủ vào năm 1952 đến nay, lĩnh vực van tim nhân tạo đã có một sự phát triển vượt bậc. Kỹ thuật thay van ĐMC qua da đã được ứng dụng thành công tại nhiều Trung tâm tim mạch trên thế giới và hiện nay một số cơ sở y tế đầu ngành của Việt Nam đã bắt đầu triển khai ứng dụng. Tỉ lệ thành công của thủ thuật và tỉ lệ sống đã tăng lên một cách nhanh chóng do kinh nghiệm của phẫu thuật viên, sự cải tiến kỹ thuật, sự thiết kế tinh vi của các dụng cụ và sự lựa chọn các bệnh nhân phù hợp hơn.” – Kỹ sư điện tử y sinh Đoàn Trọng Bình, cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam tiếp cận kỹ thuật này, cho biết.

Chiếc van ĐMC nhân tạo được bảo quản trong một loại dung môi đặc biệt

Được biết, chi phí cho mỗi ca thay van ĐMC qua da khoảng từ 35.000 – 70.000 USD, đây là một chi phí rất cao đối với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, vì vậy không phải người bệnh nào cũng có điều kiện tiếp cận để được phẫu thuật.

Ca phẫu thuật được tiến hành trong 2 giờ, bệnh nhân chỉ phải gây tê vài chỗ trên cơ thể. Bệnh nhân bị mất máu không đáng kể với những ca phẫu thuật như thế này, cũng không có cảm giác đau đớn. Một ống dẫn hướng được đưa vào tim bệnh nhân qua động mạch đùi, mang theo các vi thiết bị như camera, ống phun chất cản quang, bóng nong van và cuối cùng là van nhân tạo. Các bác sỹ can thiệp vào trái tim qua theo dõi phân tích trên màn hình nhờ sự hỗ trợ của hệ thống máy chiếu chụp hiện đại. Tất cả các chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đều được liên tục kiểm soát chặt chẽ, các phương án cấp cứu tình huống nguy hiểm đến tính mạng được dự phòng và quy trình giải phẫu được tiến hành theo quy chuẩn ngặt nghèo.

Quá trình ép van ĐMC bị thoái hóa vào thành ĐMC và thay mới bằng van nhân tạo chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, trái tim được hỗ trợ bằng máy tạo nhịp vào thời điểm đó, sau lại đập trở lại bình thường.

Tập thể y bác sỹ sau khi tiến hành thành công ca mổ

Ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân Trần H đã được thay một lá van tim nhân tạo, có thể ông sẽ không còn chạy được như cầu thủ Nwankwo Kanu của đội bóng Arsenal từng là bệnh nhân tương tự, nhưng chắc chắn ông sẽ có những tháng ngày sống khỏe hơn, hạnh phúc hơn với con tim được chữa lành.

Tiến Dũng