Tháng 3/2013: Ít nhất có 8 tỉnh "hứng chịu" mưa đá

10:04 | 31/03/2013

882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày cuối tháng 3/2013, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều trận mưa đá lớn, gây thiệt hại không nhỏ về nhà và hoa màu của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 26 đến 30/3, ít nhất 8 tỉnh phải hứng chịu những trận mưa đá này.

>> Lào Cai: Mưa đá kinh hoàng, 18 người bị thương

>> Lào Cai tiếp tục hứng chịu mưa đá

Tại tỉnh Lào Cai: Trong hai ngày 27 và 29/3 đã xảy ra hai trận mưa đá lớn trên diện rộng. Cụ thể, khoảng 1h ngày 27/3, đã xảy ra trận mưa đá dữ dội ở nhiều địa phương thuộc các huyện: Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Trong đó, tại 8 xã của huyện Mường Khương mưa đá xảy ra dữ dội nhất. Những hạt đá có đường kính trung bình từ 4-6 cm liên tục rơi xuống mặt đất trong khoảng 20 phút. Trận mưa làm 18 người bị thương, gần 12000 ngôi nhà bị hư hỏng. 

Đến rạng sáng ngày Khoảng 29/3, trên địa bàn thị trấn Phố Ràng và các xã Long Phúc, Yên Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) tiếp tục xảy ra gió lốc, mưa đá lớn.Hậu quả, trận mưa làm một người bị thương, 100 ngôi nhà bị tốc mái, 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm héc ta cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Hà Giang: Trong hai ngày 26 và 27/3, trên địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang và Quang Bình của tỉnh Hà Giang đã xảy ra những trận mưa đá bất thường làm 4 người bị thương, nhiều diện tích hoa mầu bị mất trắng, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng. Tại địa bàn huyện Hoàng Su Phì vào khoảng 10h sáng ngày 27/3, một trận mưa đá kèm theo giông lốc đã xuất hiện làm bị thương 4 người trong đó có 2 học sinh.

Theo thống kê, ít nhất có khoảng 120 bị hư hỏng và 700 ha diện tích hoa màu bị thiệt hại mất trắng hơn. Đối với 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình, gió lốc kèm theo mưa đá cũng đã làm hư hỏng hàng chục ngôi nhà và gần 20 ha hoa màu các loại của bà con nông dân nhất là các loại cây trồng như lúa, ngô, chè.

8 tỉnh đã xảy ra mưa đá.

Tại Cao Bằng: Trận mưa đá kèm lốc xoáy diễn ra từ chiều tối 26 đến rạng sáng 27/3 khiến hơn 300 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, hàng trăm hécta diện tích hoa màu bị mưa đá hủy hoại… Tại huyện Trùng Khánh, mưa đá kéo dài hơn 10 phút khiến các xã: Thân Giáp, Cao Thăng, Trung Phúc, Đức Hồng, Đoài Khôn, Thông Huề, Cảnh Tiên bị thiệt hại nặng. Tại huyện Trà Lĩnh, mưa đá cục bộ tại các xã: Quốc Toản, Cô Mười, Hùng Quốc, Tri Phương, trong đó thiệt hại nặng nhất là xóm Nà Giốc, xã Tri Phương. Hiện các cơ quan chức năng của địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại. Theo thông tin ban đầu đã có 6/13 huyện, thị xã của Cao Bằng bị ảnh hưởng do mưa đá và giông lốc.

Tại Thái Nguyên: Sáng sớm 29/3, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra trận mưa đá dữ dội. Những hạt mưa đá có đường kính 5-10 cm đã phá hỏng gần 1.200 ngôi nhà của người dân các huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ.

Tại Tuyên Quang: Vào rạng sáng ngày 29/3 đã xảy ra trận mưa đá kèm gió mạnh đã làm hư hỏng nhiều nhà dân. Riêng tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang, mưa đá làm thủng mái nhà lợp fibroximăng của hơn 200 hộ dân.

Tại Sơn La: Một trận mưa đá lớn kéo dài 20 phút đã xảy vào 20h ngày 30/3 tại thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn. Tuy mưa đá không gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của dân, do mưa đá chỉ xuất hiện lác đác, thời gian mưa kèm theo đá chỉ vài phút.

Tại Nghệ An: Một trận mưa đá lớn xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 30/3,tại huyện Tương Dương (Nghệ An) làm nhiều nhà dân bị bể, tốc mái, hư hỏng hoa màu. Theo người dân xã Tam Thái, Thạch Giám, Lưu Kiền thị trấn Hoà Bình (huyện Tương Dương), trận mưa đá kéo dài chừng 30 phút với những hạt mưa đá có kích thước khá lớn, có hạt to bằng ngón cái chân (kích thước cỡ 2-3 cm). Tại xã Lưu Kiền xảy ra lốc xoáy cốn đổ nhiều cây, hoa màu và nhà dân. Rất may trận mưa đá không làm người dân bị thương.

Tại Thanh Hóa: Khoảng 19h ngày 30/3, tại huyện vùng cao biên giới Quan Sơn đã xảy ra một trận mưa đá, kèm giông lốc xoáy trên địa bàn các xã Trung Xuân, Trung Hạ, Trung Thượng.

Theo ông Lò Đình Múi - chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ghi nhận ban đầu tại các địa phương nêu trên của huyện Quan Sơn báo cáo về UBND huyện là mưa đá đổ xuống ầm ầm, với những viên đá to bằng đầu ngón chân cái người lớn. Bên cạnh đó, dông lốc kèm gió giật mạnh đã hoành hành cùng mưa đá tại các địa phương nêu trên khoảng hơn 15 phút  gây thiệt hại về hoa màu.

Cùng thời điểm nêu trên, tại thị trấn huyện vùng cao Quan Hóa (giáp với huyện Quan Sơn) cũng đã xuất hiện mưa đá kèm dông, lốc xoáy, gió giật mạnh trong khoảng gần 20 phút. Rất may, mưa đá, dông lốc xoáy xảy ra lúc buổi tối, rất ít người đang lưu thông, đi lại trên đường, nên đến 22h đêm cùng ngày, tại hai huyện nêu trên chưa ghi nhận có người nào bị thương, hay tử vong do thiên tai gây ra.

Ngay sau những trận mưa đá lớn xảy ra, gây thiệt hại về nhà và hoa màu, chiều ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc số 474/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá.

Theo Nội dung công điện, trong những ngày cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã liên tiếp xảy ra những trận lốc, mưa đá bất thường tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, làm hàng chục người bị thương, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản và sản xuất nông nghiệp của nhân dân và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các hộ gia đình có người bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa.

Để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách; huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá các vật tư, vật liệu thiết yếu cho sửa chữa nhà cửa, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai ép giá.

 

Thiên Minh