Tham nhũng nhìn từ hành lang pháp lý

08:43 | 22/09/2011

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng chủ yếu dựa vào Luật Phòng chống tham nhũng đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2005. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện luật này vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập.

Có một thực tế khó phủ nhận rằng, tham nhũng đang là một trong những "quốc nạn” ở nước ta hiện nay. Để phòng chống tham nhũng, đã có nhiều bộ luật và những văn bản dưới luật được đưa vào cuộc sống. Ngày 29/11/2005, Luật phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua và bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực trong thực tế. Hầu hết các luật gia đều cho rằng, văn bản luật quy định về phòng chống tham nhũng rất chặt chẽ, hợp lý; khung hình phạt nghiêm khắc, đủ tính răn đe. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật phòng và chống tham nhũng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa triệt để.

Mấu chốt là công khai tài sản

Hành lang pháp lý của công tác phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước… Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XI vào đầu năm 2011 nhận định: “Nhiều khuyết điểm, sai lầm của Đảng viên và tổ chức Đảng chậm được phát hiện; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền thì công khai, minh bạch là nhân tố đặc biệt quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng đã dành từ Điều 11 đến Điều 33 quy định về nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về hình thức công khai, về các lĩnh vực phải công khai. Quy định của pháp luật rất rõ và đầy đủ nhưng nó chưa được thực hiện triệt để. Chẳng hạn, rất ít khi người dân được đọc một báo cáo công khai nào về việc mua sắm công và xây dựng cơ bản của các cơ quan công quyền hoặc báo cáo về việc sử dụng đất, về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tòa phúc thẩm TANDTC tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ (bên phải) 20 năm tù về tội nhận hối lộ

Hiện nay, những quy định về minh bạch tài sản, thu nhập được quy định từ Điều 44 đến Điều 53 cũng đã và đang được thực hiện chậm. Theo ông Vũ Xuân Tiền, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng chậm trễ trong vấn đề này là việc kê khai tài sản và thu nhập của các công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai lại không được công khai. Khoản 1, Điều 50 – Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Khi có yêu cầu và theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được công khai tại các địa điểm sau đây…”. Như vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập chưa có nhiều tác dụng để nhân dân giám sát thu nhập của những đối tượng cần giám sát. Hơn nữa, việc kê khai một cách hình thức cũng không cho biết được nguồn gốc những khoản thu nhập bất minh của những đối tượng tham nhũng.

Về vấn đề này, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng lý giải: “Chủ trương phòng chống tham nhũng đến năm 2020 đã đặt ra việc giảm thiểu tối đa những quy định bí mật Nhà nước, bí mật công nghệ, bí mật nghề nghiệp. Trong thực tế, cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lợi dụng cái gọi là bí mật để không cung cấp thông tin về hoạt động. Nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị phải công khai về mặt tổ chức, hoạt động. Ví dụ, Thanh tra Chính phủ phải công khai các kết quả thanh tra, khiếu nại, giải quyết tố cáo hoặc các hoạt động khác như xây dựng thể chế…

Ông Lượng đề xuất cần phải sửa đổi hệ thống văn bản về bí mật Nhà nước. Cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia (nếu thông tin đó bị lộ), ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, có tác dụng ngược tới xã hội thì không công khai. Kinh nghiệm thế giới cho thấy càng công khai, càng minh bạch thì tham nhũng sẽ giảm.

Những giải pháp cần thiết

Hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng chủ yếu dựa vào Luật Phòng chống tham nhũng đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2005. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện luật này vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập. Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, việc ứng dụng luật này trong thực tế xã hội vẫn còn lúng túng. Cụ thể, trong Điều 35 – Luật Phòng chống tham nhũng quy định về kiểm tra và xử lý vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn: “Người có hành vi vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” và “Người cho phép sử dụng vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn phải bồi thường phần giá trị mà mình cho phép sử dụng vượt quá; người sử dụng vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn có trách nhiệm liên đới bồi thường phần giá trị được sử dụng vượt quá…”.

Trong thực tế, quy định này cũng chưa được tập trung tiến hành. Từ năm 2006 đến nay, năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng công bố kết quả kiểm toán và cho biết số tiền chi sai chế độ trong các bộ, ngành. Nhưng những cá nhân chi sai vẫn chưa được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng cũng đang trong tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”. Không ít vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra nhưng người đứng đầu cơ quan vẫn chưa thể hiện trách nhiệm thỏa đáng.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt là biện pháp đặc biệt quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, trốn lậu thuế. Tuy nhiên, đã 5 năm từ ngày Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực, khi việc sử dụng tiền mặt còn tự do như hiện nay thì việc “kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng” sẽ vẫn chưa được như mong muốn.

Trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác phòng và chống tham nhũng, Nghị định 68 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/8/2011 là tiến bộ một bước so với Nghị định 37 khi quy định công khai bản kê khai tài sản. Nhưng vấn đề ở chỗ công khai tài sản phải tuân theo nguyên tắc nhất định bởi trong Luật Phòng chống tham nhũng quy định bản kê khai tài sản được lưu cùng hồ sơ cán bộ. Trong khi hồ sơ cán bộ lại thuộc về bí mật Nhà nước. Theo ông Trần Đức Lượng, chi tiết này nên sửa lại để phù hợp hơn.

Ở một phương diện khác, luật gia Vũ Xuân Tiền đề xuất, Chính phủ nên tạo tiền đề cho việc công khai, minh bạch tài sản, lập hồ sơ đăng ký tài sản cá nhân khi cán bộ, công chức sở hữu tài sản đó. Trong một gia đình, tài sản của chồng thì chồng đăng ký, của vợ thì vợ đăng ký, của chung thì đăng ký cả hai. Việc này tạo tiền đề vững chắc, minh bạch cho công tác kiểm kê tài sản về sau.

Vũ Minh Tiến