Tân Tổng thống Iran là người như thế nào?

19:00 | 16/06/2013

883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay khi ông Rowhani tuyên bố trúng cử Tổng thống Iran, nhiều người cho rằng rồi đây quan hệ của nước này với phương Tây sẽ được cải thiện. Vậy vị tân tổng thống Iran là người như thế nào?

Tân tổng thống Iran, ông Hassan Rowhani

Chiều tối hôm qua, Giáo sĩ ôn hòa Hassan Rowhani được công bố là tân Tổng thống của Iran. Sau 8 năm dưới quyền của Tổng thống thuộc đảng Bảo thủ, chiến thắng của ông Rowhani được sự hoan nghênh với hàng nghìn người Tehran xuống đường chào mừng sự kiện này. Theo Ủy ban bầu cử Iran, ứng viên Rowhani thu được 50,86% số phiếu bầu, nhiều hơn 5 ứng cử viên khác, do đó không cần thiết tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai. Vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Hassan Rowhani.

Tổng thống vừa đắc cử gọi thắng lợi của ông là "chiến thắng của lý trí, chừng mực và tiến bộ trước chủ nghĩa cực đoan" - như phản ánh của AFP.

Ông Rowhani dẫn đầu phái đoàn thương thuyết hạt nhân của Iran từ năm 2003 cho đến năm 2005, dưới thời của Tổng thống cải cách Mohammad Khatami. Trong thời gian đó, ông Rowhani giám sát việc ngưng tinh chế hạt nhân, làm giảm bớt những áp lực của phương Tây đối với chương trình hạt nhân của Iran-chương trình này đã được giữ kín cho đến năm 2002.

Trái ngược với đương kim Tổng thống Mahmouh Ahmadinejad, ông Rowhani, 64 tuổi, đã hứa theo đuổi một đường lối ít đối đầu hơn trong các vấn đề thế giới, gồm cả những cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Dù ông đã nói sẽ không “đầu hàng” trước những đòi hỏi của phương Tây, ông cho biết quyết tâm theo đuổi “giao tiếp xây dựng với thế giới”, gồm có việc gỡ bỏ những chế tài quốc tế giáng vào nền kinh tế Iran.

Là giáo sĩ duy nhất trong số 6 ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 14/6, ông Rowhani chiếm được phiếu của những người cải cách cũng như những người ôn hòa. Ông được trợ giúp một phần nhờ sự rút lui của một người ôn hòa duy nhất khác trong cuộc chạy đua-ông Mohammad Reza Aref, phó Tổng thống cải cách đầu tiên của ông Khatami. Việc được sự ủng hộ của ông Khatami và ông Akbar Hashemi Rafsanjani, người tiền nhiệm ôn hòa và là đối thủ của ông Ahmadinejad, cũng giúp tăng cường vị thế ứng cử viên của ông Rowhani. Sự ủng hộ của những người này và việc quảng bá cho những chính sách của ông như tăng cường quyền cho các phụ nữ đã làm ông được ưa chuộng trong số những người muốn có thay đổi tại Iran.

Ông cũng giữ một mối quan hệ chặt chẽ với Nhà lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong tất cả các quyết định quan trọng về chính sách.

Sinh năm 1948 tại thành phố Sorkheh của Iran, ông Rowhani có bằng Tiến sĩ Luật của trường đại học Glasgow Caledonian của Scotland.

Bắt đầu nghiên cứu về tôn giáo từ lúc thiếu thời, ông là một người ủng hộ nhiệt tâm ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi Giáo Iran, ngay trước khi có cuộc cách mạng năm 1979.

Ông phục vụ trong chính phủ Iran nhiều thập niên sau đó-trong tư cách là dân biểu Quốc hội từ năm 1980 đến năm 2000 và Thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao từ năm 1989 đến năm 2005. Kể từ năm 1999, ông là một thành viên của Hội đồng các Học giả Hồi Giáo-một hội đồng gồm các giáo sĩ bầu ra nhà lãnh đạo tối cao. Trước khi được bầu làm Tổng thống, ông cũng phục vụ trong một hội đồng cố vấn cho nhà lãnh đạo tối cao, và đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của hội đồng này.

Người ủng hộ ông Rowhani ăn mừng chiến thắng tại Tehran

Với lý lịch như trên, nhiều học giả và lãnh đạo phương Tây nghĩ rằng quan hệ căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây sắp tới sẽ được cải thiện. Các cường quốc phương Tây hoan nghênh chiến thắng của ông Rowhani với sự lạc quan thận trọng. Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng họ sẽ hướng đến "giải pháp ngoại giao", cần hoàn toàn xua tan mối lo ngại của các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Iran. Trước đó, ông Rowhani hứa hẹn khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1979. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Iran đóng "vai trò xây dựng" trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Liên minh Quốc gia của phe đối lập Syria kêu gọi ông Rowhani xét lại sự hỗ trợ của Iran với Tổng thống Syria Bashar Assad.

Tuy nhiên, theo giới phân tích Nga, cho dù ai làm tổng thống thay thế ông Ahmadinejad, thì quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây sẽ không thay đổi về cơ bản.

Điều này được minh chứng qua tuyên bố đầu tiên sau khi giành chiến thắng của ông Rowhani. Phát biểu trên kệnh truyền hình quốc gia hôm nay, Tân tổng thống Iran Rowhani kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có sự tôn trọng trong quan hệ với Iran và công nhận quyền của đất nước này, rõ ràng là ông ám chỉ vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran. Mặt khác theo giới phân tích, mọi đường lối của một vị tổng thống ở Iran đều thể hiện quan điểm của Hội đồng Tôn giáo tối cao mà đứng đầu là Đại giáo chủ Ali Khamenei. Xưa nay, hội đồng này chưa hề có quan điểm sẽ nhượng bộ phương Tây về vấn đề hạt nhân của nước này. Cho nên, nếu nói việc ông Rowhani, một giáo sỹ theo đường lối ôn hòa, lên thay Tổng thống Ahmadinejad có đường lối bảo thủ, cứng rắn, thì quan hệ giữa Iran và phương Tây sẽ khác hẳn là điều không tưởng.

H.Phan (Tổng hợp)