Tâm lý bầy đàn

07:00 | 15/02/2016

2,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc đời làm báo ở nước ngoài của tôi đã đưa tôi đến thăm Êtiôpia hơn hai tuần lễ nhân dự quốc khánh của họ  và có dịp được đi thăm ngang dọc đất nước này. Một trong những nơi mà tôi nhớ nhất là vùng đàm lầy phía nam thủ đô chừng hơn 200 cây số. Người ta nói với cánh nhà báo chúng tôi rằng đó là nơi cội nguồn của loài người. Con người nguyên thủy sinh ra trong những cánh rừng và đầm lầy Êtiôpia như thế. Ở đó con người nguyên thủy sống theo bầy đàn, đi đâu cũng theo bầy đàn, làm gì cùng theo bầy đàn!
tam ly bay dan
Ảnh minh họa

Chúng tôi được xem một cuốn phim khá dài nói về cảnh sinh hoạt của con người nguyên thủy. Họ đi thành đàn lội qua những hồ nước hoặc con sông nhỏ để đi kiếm  lửa của một bầy đàn khác về dùng để đốt sưởi hoặc đề nướng thức ăn. Lấy cắp được lửa rồi họ chạy vội xuống hồ quay trở về lãnh địa của họ, nhưng họ rất ngây ngô không biết rằng nước và lửa kị nhau, triệt tiêu nhau nên khi ra đến giữa sông, hoặc giữa hồ cái nhúm lửa họ kiếm được lại bị nước làm cho tắt ngúm. Và họ lại thản nhiên đi lấy cắp lửa một lần nữa, để rồi họ bị bộ tộc có lửa bắt sống đưa ra một bãi rộng trừng phạt.

Bộ tộc bị mất lửa chọn trong bộ tộc người đi lấy cắp lửa một phụ nữ mang người nữ đó ra giữa sân rộng  rồi cử vài chàng trai khỏe mạnh ra phạt chị ta bằng cách quan hệ tình dục với người nữ đó  giữa thanh thiên bạch nhật và giữa vòng tròn hai bộ tộc đối địch, giữa tiếng reo hò man rợ của bộ tộc thắng cuộc.

Những đoạn phim sau  đó cũng vẫn là cảnh bầy đàn đi hái lượm, đi đánh cá dưới ao hồ hoặc đi săn bắt thú trên rừng về làm thức ăn và khi gặp hổ họ trèo lên cây cao thức suốt đêm chờ cho hổ đi rồi họ mới dám trèo xuống. Về sau này những bầy đàn đó rách rưới kéo nhau qua Địa Trung Hải tới châu Âu, sang châu Á, hay đi về phía nam tới lục địa đen… rồi trải qua hàng triệu năm rèn luyện, lao động kiếm sống qua thời tiết khắc nghiệt nóng như lửa đốt ở châu Phi thành người da đen, hoặc lạnh cắt ruột cắt gan ở châu Âu thành ngừoi da trắng, hoặc khí hậu ôn đới  của châu Á biến họ thành da vàng, da nâu…

Tiếp đó là những phát minh của người da trắng, của người Trung quốc, người Ai Cập mà loài người vươn lên những thang bậc văn minh mới ngày một tiến bộ trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thế giới được như ngày nay là cả môt quá trình dài đằng đẵng  của biết bao lớp người kế tiếp nhau qua các chế độ nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa… con nối nghiệp cha mẹ, cháu nối nghiệp ông bà cụ kỵ mà thành.

Tuy sống trong xã hội văn minh, nhưng con người ta vẫn không quên cái tâm lí bầy đàn của mình. Về khoản này tôi có cảm giác như người Việt mình vẫn duy trì tâm lí bầy đàn khá mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày hiện tại. 

Từ vài chục năm nay, tâm lí đó có chiều phát triển khá mạnh. Bắt đầu từ việc đua nhau xây nhà máy bia - giải khát ở hầu hết các tỉnh thành. Tiếp đến là đua nhau xây nhà máy đường. Tỉnh kia có tại sao tỉnh ta không có? Rồi tiếp theo đó là đua nhau xây nhà máy xi măng lò đứng! Địa phương kia có tại sao địa phương mình không có?

Mươi năm trở lại đây các công ty taxi mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp chẳng liên quan gì tới giao thông vận tải cũng bỏ vốn ra lập công ty taxi. Taxi đầy đường, đầy phố, chẳng hạn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi nơi có tới trên 20.000 chiếc taxi, con số này nhiều gấp bốn năm lần số taxi ở Paris, không có đủ chỗ đậu thì chui vào đậu trong các ngõ ngách, hễ thấy có khách gọi thì chạy đua nhau tranh giành khách. Lái xe thì đào  tạo vội vội vàng vàng nên gây ra nhiều tai nạn như kiểu xe điên. Có lái xe còn nhầm chân ga với chân phanh nên lúc cần phanh lại rú ga đâm đổ cả dăm bảy xe là chuyện thường!

Rồi lại chuyện lập ngân hàng nữa. Thấy ngân hàng nọ công bố lãi nhiều, vậy là nhiều tổng công ty, tập đoàn  đua nhau hùn hạp, xin mở ngân hàng để đến giờ nhà nước đang phải tính cơ cấu lại các ngân hàng, sáp nhập lại một số ngân hàng nhỏ lẻ vốn ít, thanh khoản kém. Có một dạo người ta đua nhau lập tập đoàn này tập đoàn khác. Thế là cả trăm công ty sau một đêm trở thành cả trăm tập đoàn. Nhiều công ty cỏn con cũng xin thành lập tập đoàn để có chức Tổng giám đốc nhằm giải quyết khâu “oai”!

Rồi chuyện chứng khoán cũng vậy. Thấy người ta ăn được là mình cũng cứ sôi sùng sục lên! Các công ty chứng khoán lớn nhỏ mọc ra vô tội vạ để đến lúc đổ vỡ thì đổ vỡ hàng loạt!  Ngay cả ngành hàng không là ngành đòi hỏi độ an toàn cao đối với sinh mạng con người ở trên cao  mà cũng có tâm lí bầy đàn mới đáng sợ làm sao! Mấy ông thợ máy, mấy ông phi công về hưu cùng với mấy anh giàu sổi qua vài phi vụ ăn may bất động sản cũng tập tọe xin mở công ty hàng không tư nhân thì ai dám đi máy bay của các ông ấy?

Vài  năm gần đây xu hướng bầy đàn lại rộ lên khi tỉnh nào cũng tìm mọi cách mở trường đại học. Có trường thành lập mới, có trừơng từ các trường trung cấp, cao đẳng sáp nhập lại. Trường lớp thiếu thì đi thuê, thầy giáo thì thiếu trước hụt sau tìm mãi chẳng ra được vài ba ông tiến sĩ, phó giáo sư… đã nghỉ hưu lôi tạm ra dạy học.

Đến năm nay lại trong tình trạng thiếu sinh viên  đầu vào nên nhiều khoa, nhiều ngành  học phải giải tán, vậy thử hỏi chất lượng sinh viên sẽ ra sao? Rồi hiện tượng bầy đàn còn thể hiện rõ khi đua nhau cho con đi du học dù con mình học dốt hoặc vì bị nghiện ngập, đua nhau đi mua vàng , ngoại tệ mỗi khi vàng, ngoại tệ hạ hoặc tăng giá, đua nhau đi “tour du lịch” ra nước ngoài cho có vẻ sành điệu!

Còn khá nhiều hiện tượng bầy đàn đôi khi do mù quáng, đôi khi do thiếu hiểu biết, dốt nát, đôi khi do muốn tỏ ra vẻ ta đây cũng là tay biết ăn chơi mà thực ra là đua đòi, là bắt chước một cách rẻ tiền. Nhiều người tỏ ra khó chịu với hiện tượng bầy đàn đó, riêng người viết bài này thì thông cảm vì hiểu rằng  họ vốn đã sống theo bầy đàn quá lâu nên việc hành động theo thói quen vẫn là điều khó tránh và có thể thông cảm được.

Nguyễn Như Kim